Trả cổ tức sau phát hành thêm: Nghệ thuật chốt quyền?!

Trả cổ tức sau phát hành thêm: Nghệ thuật chốt quyền?!

(ĐTCK-online) Nhiều NĐT phản ánh, họ cảm thấy thiệt thòi khi công ty không trả cổ tức cho phần cổ phiếu phát hành thêm trước đó, trong khi giá tham chiếu của cổ phiếu bị điều chỉnh giảm.

Theo một số NĐT là cổ đông của CTCP Xây dựng hạ tầng Sông Đà (SDH), Tổng CTCP Bảo hiểm Dầu khí (PVI) đã có phản ánh về tình trạng này. Đây là những DN thực hiện chi trả cổ tức sau thời điểm phát hành thêm cổ phiếu mới. Không rõ mình được hưởng cổ tức trên số cổ phiếu nào, số cổ phiếu cũ hay cả số cổ phiếu mới, NĐT liền hỏi CTCK nơi cổ phiếu được lưu ký thì được trả lời rằng, CTCK chỉ biết số cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức, dựa vào danh sách cổ đông do Trung tâm Lưu ký gửi về, còn việc chi trả trên phần cổ phiếu nào thì chỉ DN mới rõ. Tìm đến DN, cổ đông được biết, trong trường hợp này, cổ tức chỉ được tính trên phần cổ phiếu cũ.

Cụ thể, tại PVI, tháng 5 vừa qua, công ty này ra thông báo ngày 12/5 là ngày đăng ký cuối cùng để Công ty thực hiện chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức năm 2009 bằng tiền mặt (tỷ lệ 12%) và cổ tức đợt 1/2010 (tạm ứng 7%). Ngày 10/5 là ngày giao dịch không hưởng quyền và ngày thực hiện chi trả là ngày 2/6.

Trước đó, PVI thực hiện chốt danh sách cổ đông hưởng quyền mua cổ phiếu phát hành thêm theo tỷ lệ 20:7, với giá 10.000 đồng/CP. Ngày 16/4 là ngày giao dịch không hưởng quyền.

Cũng giống như nhiều DN khác, do thông báo chốt danh sách cổ đông của PVI không nêu rõ cổ tức được trả trên phần cổ phiếu nào, nên một số cổ đông không thấy cổ tức tính trên số cổ phiếu mới về tài khoản bèn liên lạc với Công ty thì được biết, phần cổ tức 19% chỉ được hưởng tính trên số cổ phiếu cũ. Còn số cổ phiếu mới sẽ được hưởng phần cổ tức còn lại là 8% nếu nắm giữ trước ngày chốt quyền trong lần tới (PVI đặt kế hoạch chi trả cổ tức 15% năm 2010).

Về việc tại sao không nêu rõ cổ tức được trả trên phần cổ phiếu nào, một số DN cho rằng, do thời điểm giữa 2 lần chốt quyền là gần nhau nên cổ đông phải tự hiểu, quyền mua chưa biến thành cổ phần, phần vốn thu được từ đợt phát hành cổ phiếu mới đã đưa vào sử dụng cho mục đích kinh doanh hay đầu tư đâu mà được hưởng lợi (cổ tức).

Tương tự, SDH thông báo ngày 13/4 là thời hạn cuối cùng để Công ty chốt quyền mua cổ phiếu phát hành thêm theo tỷ lệ 1:3. Quyền mua cổ phiếu phát hành thêm được phép chuyển nhượng 1 lần từ ngày 26/4 đến ngày 21/5. Thời gian đăng ký đặt mua từ ngày 26/4 đến ngày 25/5.

Sau đó, SDH ra thông báo chốt quyền trả cổ tức năm 2009, với tỷ lệ 16%; ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 18/6; ngày đăng ký cuối cùng là ngày 22/6; thời hạn chi trả từ ngày 5/7 đến ngày 9/7. Mới đây, Trung tâm Lưu ký thông báo lùi thời hạn chốt quyền chi trả cổ tức của SDH, theo đó, ngày đăng ký cuối cùng là ngày 28/6, thời gian trả cổ tức là ngày 12/7.

Hiện tại, cổ đông SDH không rõ nếu mua cổ phiếu trước ngày chốt quyền (28/6) thì có được hưởng cổ tức 16% trên số cổ phiếu phát hành thêm hay không? Bởi thực tế, vẫn có trường hợp DN quyết định chi trả cổ tức trên phần vốn cũ, nhưng cuối cùng lại thực hiện chi trả trên cả phần vốn mới, do áp lực của cổ đông.

CTCP Sản xuất và Thương mại Phúc Tiến (PHT) là một ví dụ. Dù nghị quyết ĐHCĐ năm 2010 của PHT đã thông qua việc chia trả cổ tức năm 2009, với tỷ lệ 10%, tính trên số cổ phiếu cũ, nhưng do cổ đông lên tiếng gay gắt, rằng Công ty đối xử không công bằng giữa cổ đông nắm giữ cổ phiếu mới và cổ phiếu cũ, khiến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu DN này phải giải trình. Sau đó PHT đã quyết định chi trả cổ tức trên cả phần cổ phiếu phát hành thêm.

Trở lại với trường hợp tại SDH, trả lời Báo ĐTCK ngày 16/6, đại diện SDH cho biết, cổ đông chỉ được hưởng cổ tức trên số cổ phiếu cũ, bởi đây là cổ tức được chi trả cho năm 2009. Còn phần cổ phiếu phát hành thêm là phần vốn cho năm 2010, nếu nắm giữ cho đến ngày chốt quyền hưởng cổ tức năm 2010 thì cổ đông mới được hưởng cổ tức trên phần vốn mới. Năm 2010, Công ty đặt kế hoạch chi trả cổ tức 15 - 17%/vốn điều lệ.

Chuyển thông điệp này tới NĐT, họ băn khoăn, vậy tại sao vẫn có trường hợp cổ đông nắm giữ cổ phiếu cũ vẫn được hưởng cổ tức tạm ứng của năm 2010 như PVI…

Có thể thấy, lâu nay, việc DN chi trả cổ tức bao nhiêu, thời gian nào, tính trên phần vốn nào… hoàn toàn do DN chủ động công bố. Tại sao DN không công bố rõ ràng, công khai việc này? Có phải hành động chốt các quyền cận kề nhau (quyền mua cổ phiếu phát hành thêm và quyền hưởng cổ tức) là do DN lợi dụng sự chưa rõ ràng của luật để sử dụng tốt cái được gọi là "nghệ thuật chốt quyền"?

Cổ đông đang trông chờ nhiều hơn vào việc chi tiết hóa các quy định về chi trả cổ tức để không còn cảnh mập mờ, mỗi nơi chi trả cổ tức một kiểu như đang diễn ra.