Mọi thay đổi trong phát hành vốn cần một sự đồng thuận giữa lãnh đạo DN và cổ đông - Ảnh minh họa: Hoài Nam

Mọi thay đổi trong phát hành vốn cần một sự đồng thuận giữa lãnh đạo DN và cổ đông - Ảnh minh họa: Hoài Nam

Tự điều chuyển vốn, DN không coi trọng cổ đông?

(ĐTCK-online) Mới đây, CTCP Cơ điện và xây dựng Việt Nam (MCG) công bố thông tin về việc điều chỉnh mục đích sử dụng vốn huy động được trong đợt chào bán cổ phiếu tăng vốn từ 168 tỷ đồng lên 546 tỷ đồng năm 2010.

Trước đó, việc điều chuyển vốn so với kế hoạch ban đầu cũng xảy ra tại CTCP CAVICO Xây dựng nhân lực và dịch vụ (CMS), CTCP Đầu tư và phát triển đô thị Long Giang (LGL), CTCP Đầu tư tổng hợp Hà Nội (SHN)... Lý giải nguyên nhân thay đổi, các DN đều cho biết là vì lợi ích cổ đông và DN bên cạnh những lý do khách quan như sự thay đổi về tiến độ, quy mô dự án... Tuy nhiên, thực tế, ban quản trị của nhiều DN luôn giữ quyền tự quyết và cổ đông hầu như chỉ đứng bên lề sự thay đổi cách sử dụng đồng vốn của chính mình.

Theo thông báo gần đây của MCG với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Công ty đã thông qua ĐHCĐ việc sử dụng 469,56 tỷ đồng thu được từ đợt phát hành tăng vốn vừa qua, có sự thay đổi so với kế hoạch.

Cụ thể, Dự án khu đô thị mới phía Đông huyện Văn Giang sẽ chỉ giải ngân 35 tỷ đồng (dự kiến ban đầu là 328 tỷ đồng); Dự án 102 Trường Chinh được phân bổ 100 tỷ đồng (thay vì 120 tỷ đồng như kế hoạch); bổ sung 3 dự án thủy điện (115 tỷ đồng), dành 118 tỷ đồng để gửi ngân hàng; dùng chính 41,2 tỷ đồng thặng dư vốn (từ đợt phát hành) để mua lại số cổ phiếu vừa phát hành làm cổ phiếu quỹ.

Còn tại CMS, ông Phạm Minh Phúc, Chủ tịch HĐQT cho biết, do tiến độ thi công dự án Thủy điện Sông Bạc (Hà Giang) bị chậm hơn so với dự kiến và lãi suất vay vốn ngân hàng quá cao, nên Công ty đã sử dụng trực tiếp số tiền thu được từ đợt phát hành (15 tỷ đồng) để đầu tư mua sắm máy móc thiết bị (12,5 tỷ đồng), thay vì dùng số tiền trên để đối ứng vay vốn trung hạn từ ngân hàng đầu tư mua sắm máy móc thiết bị; phần tiền còn lại (2,5 tỷ đồng) bổ sung vốn lưu động thi công dự án Thủy điện Sông Bạc.

Theo ông Đinh Hồng Long, Chủ tịch HĐQT SHN, sau khi phát hành cổ phiếu nâng vốn điều lệ từ 87 tỷ đồng lên hơn 324 tỷ đồng, do tính khả thi của một số dự án và tình hình biến động của thị trường tài chính, nhằm đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, HĐQT Công ty đã quyết định điều chuyển vốn giữa các hạng mục đầu tư cho phù hợp.

Cụ thể, tăng tỷ lệ đầu tư vốn vào sàn giao dịch bất động sản HANIC lên 155,6 tỷ đồng (thay vì 75 tỷ đồng như dự kiến ban đầu); giảm tỷ lệ đầu tư vốn vào Khu công nghiệp Điềm Thụy -  Phú Bình - Thái Nguyên 25 tỷ đồng (thay vì 60 tỷ đồng như ban đầu) hay giảm tỷ lệ góp vốn vào Trạm thu phí Hoàng Mai xuống còn 9 tỷ đồng (thay vì 45 tỷ đồng như kế hoạch); giảm tỷ lệ đầu tư vào CTCP Thuỷ điện Dăkpru HANIC xuống còn 2,2 tỷ đồng (thay vì 30 tỷ đồng như dự kiến)…

"Việc điều chuyển vốn sau phát hành là tình huống phát sinh tại không ít DN, cũng giống như trường hợp thay đổi thời điểm phát hành vì lợi ích của cổ đông cũng như DN", ông Long nói.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch HĐQT MCG, việc điều chỉnh mục đích sử dụng số vốn huy động được thực hiện theo Nghị quyết ĐHCĐ năm 2011 ngày 14/4/2011 nhằm thích ứng với biến động môi trường kinh doanh, vì lợi ích cao nhất của cổ đông và Công ty, có căn cứ tiến độ thực hiện các dự án.

Tuy vậy, thay đổi mục đích sử dụng vốn là việc rất quan trọng, liên quan mật thiết đến quyền lợi của các cổ đông và cần được cổ đông thông qua trước khi thực hiện để tránh các trường hợp lạm dụng. Hơn nữa, mỗi nhà đầu tư khi quyết định bỏ vốn vào một DN là có những mục đích khác nhau, nên việc điều chuyển vốn có thể khiến các nhà đầu tư này trở nên bị động.

Ở khía cạnh pháp lý, quy định về vấn đề này cũng chưa rõ ràng. Dự thảo thông tư thay thế Thông tư 09/2010/TT-BTC về hướng dẫn thực hiện công bố thông tin trên TTCK, ngoài việc giữ nguyên quy định cũ (nếu thay đổi mục đích sử dụng vốn, DN phải công bố thông tin về lý do và nghị quyết/quyết định của HĐQT hoặc ĐHCĐ về sự thay đổi) cũng chỉ bổ sung quy định "DN thực hiện báo cáo và công bố thông tin trên cho đến khi giải ngân hết vốn huy động được từ đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng".

Theo ý kiến của một số luật sư, ngoài việc công bố thông tin sau phát hành cũng như về sự điều chuyển vốn, nếu nghị quyết HĐQT không đề cập đến khả năng thay đổi giữa các hạng mục đầu tư vốn và ĐHCĐ cũng không ủy quyền cho HĐQT quyết định việc thay đổi này thì việc điều chuyển vốn cần được sự chấp thuận của cổ đông trước khi điều chuyển, chứ không chỉ đơn thuần là báo cáo sau khi đã hoàn tất điều chuyển. Mọi sự thay đổi trong phát hành vốn cần một sự đồng thuận. Chỉ khi làm như vậy, DN mới thực sự tôn trọng cổ đông và vì lợi ích của cổ đông