“Tuyên chiến” với tham nhũng

“Tuyên chiến” với tham nhũng

(ĐTCK) Những vụ án kinh tế lớn và vấn nạn tham nhũng là hai vấn đề làm “nóng” Nghị trường Quốc hội trong phiên họp ngày đầu tháng 11. Những câu hỏi lớn được nhiều đại biểu đặt ra là tại sao Nhà nước có thừa quyết tâm, luật lệ không thiếu, Chính phủ có nhiều giải pháp, nhưng tham nhũng vẫn không bị đẩy lùi?

“Phải tóm những con cọp bắt heo”

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hoá) tỏ ra vô cùng bức xúc khi cho rằng, chưa bao giờ tình hình tội phạm và những vụ án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng xảy ra nhiều và có mức độ thiệt hại đến hàng chục ngàn tỷ đồng như thời gian qua. Đặc biệt, đây lại là những tập đoàn và tổng công ty nhà nước như Vinashin hay vụ Dương Chí Dũng ở Vinalines. Cũng chưa bao giờ bắt được những bị can như Nguyễn Đức Kiên, làm rung động dư luận, khiến truyền thông căng lên, vàng tăng giá, chứng khoán sập sàn…

“Tuyên chiến” với tham nhũng ảnh 1

Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy, Đoàn đại biểu Hòa Bình phát biểu tại phiên họp ngày 1/11/2012

“Vụ việc ông Nguyễn Đức Kiên cùng với những hoạt động tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng với quy mô hàng ngàn tỷ đồng đã báo động về sự không bình thường của hệ thống NHTM”, ông Nam nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt câu hỏi, chúng ta phải làm gì để phát hiện được tham nhũng và xử lý cho nghiêm? Các loại tội phạm khác cũng rất tinh vi như ma túy, mại dâm, cờ bạc, giết người cướp của…, phát hiện được cả chục ngàn vụ mỗi năm. Nhưng tại sao, tham nhũng được nhận định là đã tồn tại trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, mà chúng ta lại phát hiện được ít như vậy?

“Theo tôi, phải có một lực lượng điều tra chuyên trách về chống tham nhũng độc lập cả với ngành công an như thành lập Ủy ban điều tra chống tham nhũng”, ông Thuyền hiến kế và cho rằng, lực lượng này sẽ chỉ tham gia phá những vụ án lớn. Bởi, “những vụ nhỏ như con mèo nó ăn miếng mỡ thì thông thường sẽ dễ bắt. Còn những vụ lớn như con cọp cắp con heo thì bắt được rất ít, rất khó”.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Trần Đình Nhã (Thừa Thiên - Huế) cho rằng, chưa bao giờ từ “tham nhũng” lại được nhắc đến nhiều như vậy trong xã hội. Cho đến thời điểm này của năm 2012, Tòa án các cấp mới xét xử sơ thẩm 167 vụ, 338 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 34,2%.

“Nhìn vào số liệu này, chúng ta thấy một nghịch lý là trong gần 1 năm, tội phạm tham nhũng ở Việt Nam chỉ xét xử được ngần ấy, lại toàn là loại án nhẹ. Vậy tại sao ở nơi nào cũng lên tiếng, cũng bức xúc về tham nhũng, hay do vô tình chúng ta tự bôi đen tình hình, thổi phồng tình hình tham nhũng?”, ông Nhã đặt câu hỏi và tự trả lời: “Tôi không nghĩ như thế. Tình hình tham nhũng đã đến mức buộc chúng ta phải tuyên chiến. Đây là thời điểm chín muồi để Quốc hội quyết định thành lập cơ quan độc lập chuyên trách điều tra tội phạm tham nhũng, nếu không điều tra tất cả thì cũng tập trung vào 3 tội danh là tội tham ô, tội hối lộ và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

 

Mới có 18,7% cán bộ công chức được công khai thu nhập

Bình luận về quyết tâm đối phó với loại tội phạm này, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua mặc dù đã được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương triển khai nhiều giải pháp, nhưng trên thực tế vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra, tham nhũng vẫn còn diễn ra nghiêm trọng, với những biểu hiện ngày càng tinh vi và phức tạp hơn, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành.

“Trước kia, tham nhũng chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực kinh tế, nhưng ngày nay đã lan sang các lĩnh vực vốn được coi trọng về đạo lý như giáo dục, y tế, thực hiện chính sách xã hội, nhân đạo, từ thiện, phòng chống dịch bệnh”, bà Phúc bức xúc nói.

Cũng theo bà Phúc, quy định của pháp luật về kê khai tài sản thu nhập là cơ sở giúp cho các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền biết được tài sản thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai, phục vụ công tác quản lý cán bộ công chức và góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, tính đến nay, cả nước chỉ có 18,7% tổng số người kê khai đã được thực hiện công khai bản kê khai thu nhập tài sản bằng hình thức niêm yết tại cơ quan, đơn vị, hoặc công khai trong hội nghị cán bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị. Như vậy còn 81,3% chưa được công khai bản kê khai thu nhập tài sản tại cơ quan, đơn vị. Vì vậy, tác dụng của việc kê khai thu nhập, tài sản trong công tác phòng, chống tham nhũng còn hạn chế.

“Tôi đề nghị cần chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc kê khai thu nhập, tài sản của các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương theo quy định, cần xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện nội dung này để tránh việc thực hiện mang tính hình thức làm qua loa, chiếu lệ như đã nêu ở trên”, bà Phúc kiến nghị.

Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) cho rằng, việc điều tra một số vụ án có biểu hiện tham nhũng còn nể nang, né tránh. Tình trạng xử lý kéo dài, cấp càng cao thì số vụ bị phát hiện xử lý càng ít, còn nhiều vụ chưa quy rõ trách nhiệm cá nhân của từng người đứng đầu, từng cấp khi có vụ việc xảy ra. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị xảy ra tham nhũng lại ít so với số vụ tham nhũng, có tình trạng chạy tội từ nặng thành nhẹ, từ lớn thành bé, xử phạt tham nhũng từ cho hưởng án treo chiếm tỷ lệ cao (34,2%), gây bức xúc trong xã hội, làm giảm niềm tin của nhân dân.

“Khi bị phát hiện, người tham nhũng có ‘3 chạy’: chạy án - từ có tội thành không tội; chạy tội - từ tội nặng thành tội nhẹ và chạy tù - từ tù ngồi thành tù treo. Tội phạm tham nhũng vì thế tha hồ yên tâm rỉ tai, động viên nhau làm tới, như kiểu một quảng cáo, không có gì phải lo vì trời mưa đã có ô, trời lạnh có áo và ốm đã có… thuốc”, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) ví von và đề nghị Chính phủ, các cơ quan tư pháp cần nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm, xem trong xử lý các vụ án tham nhũng, nhất là các vụ án lớn đang chậm trễ, xem có tiêu cực không, có lợi ích nhóm không, có độc lập trong điều tra khởi tố, xét xử không? 

Sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn”

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam

 

Công cuộc phòng chống tham nhũng phải kiên trì, kiên quyết và liên tục, không thể một sớm một chiều giải quyết được ngay tình trạng tham nhũng. Chính phủ đã có những giải pháp đồng bộ và thành lập những cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng. Trong thời gian tới sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn, đồng bộ hơn để thực hiện thắng lợi công cuộc phòng chống tham nhũng ở nước ta.

 

“Mở cuộc vận động xin từ chức đối với các lãnh đạo đơn vị có tham nhũng”

Đại biểu Đỗ Văn Đương, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM

 

Tôi đề nghị, năm 2013 và các năm tiếp theo, cần mở cuộc vận động cao điểm tuyên truyền cho hệ thống cán bộ công chức để tiết chế lòng tham, tự vấn lương tâm xem mình đã làm giàu bất hợp pháp đến mức nào, đã gây thiệt hại thế nào cho đất nước. Đồng thời, cũng nên mở cuộc vận động xin từ chức, trước hết là các Bộ trưởng và Chủ tịch UBND cấp tỉnh, ở những lĩnh vực để xảy ra bê bối, tiêu cực nghiêm trọng. Nếu như phấn đấu đạt được chức quyền là một việc khó, giữ được chức quyền là một việc còn khó hơn, nhưng nếu dám từ bỏ chức vụ thì thực sự là anh hùng.

 

“Tính chất tội phạm ngày càng tinh vi”

Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội Hòa Bình

 

Trong thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xảy ra ngày càng tăng, diễn biến hết sức phức tạp, tính chất ngày càng nghiêm trọng, thủ đoạn tinh vi. Nổi lên là một số loại tội phạm như tham nhũng, lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản, tội chống người thi hành công vụ, tội phạm vị thành niên và nhiều loại tội phạm khác gia tăng.

 

Để tạo điều kiện cho công tác phòng, chống tội phạm được kịp thời và hiệu quả, tôi đề nghị Nhà nước tăng cường ngân sách cho các tỉnh để đầu tư phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Chính phủ cần có chính sách ưu tiên đặc biệt đối với các cán bộ, chiến sĩ, đội ngũ thực hiện công tác điều tra đấu tranh tội phạm.

 

“Cử tri rất lo lắng, thậm chí hoài nghi, bức xúc”

Đại biểu Trương Thị Yến Linh, Đoàn đại biểu Quốc hội Cà Mau

 

Tham nhũng là một lực cản lớn, hay nói cách khác là kẻ thù đối với quá trình phát triển của đất nước, làm suy yếu nền kinh tế, đồng thời gây mất niềm tin của nhân dân, gây nhức nhối trong xã hội.

 

Khi tôi đi tiếp xúc cử tri, cử tri rất lo lắng, thậm chí hoài nghi, bức xúc. Nhiều người nói, trước đây Nhà nước quản lý điều hành các tổng công ty, tập đoàn kinh tế, còn hiện nay hình như là ngược lại, các tổng công ty, tập đoàn điều hành lại Nhà nước theo quyền lợi của họ và việc phòng, chống tham nhũng vẫn còn hình thức. Các biện pháp chế tài xử lý sau thanh tra thì chưa đủ mạnh, từ đó dẫn đến chậm khắc phục sai phạm, có tài sản đất đai sai phạm rất lớn, nhưng thu hồi được còn rất ít.