Viecombank phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế

Viecombank phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế

(ĐTCK) ĐHCĐ thường niên năm 2012 của Vietcombank đã thông qua kế hoạch phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế trong năm 2012 với kỳ hạn tối đa 10 năm.

Sáng 2/4, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - mã VCB) đã tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2012.

Tại Đại hội, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Vietcombank đã công bố Báo cáo của HĐQT về hoạt động năm 2011 và định hướng năm 2012.

Cụ thể, năm 2011, Ngân hàng đạt tổng tài sản khoảng 367.000 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 19,2% so với 31/12/2010. Tổng huy động vốn từ nền kinh tế tại thời điểm 31/12/2011 đạt xấp xỉ 241.000 tỷ đồng, tăng 16% so với 2010. Lợi nhuận hợp nhất năm 2011 đạt 5.697 tỷ đồng, tăng 2,3% so với năm 2010, đạt 100,8% kế hoạch được giao. Tỷ lệ nợ xấu được khống chế ở mức 2,03%, thấp hơn so với mức ĐHCĐ giao là 2,8%. Tăng trưởng tín dụng năm 2011 đạt xấp xỉ 18,4%, đưa tổng dư nợ cho vay tại thời điểm cuối năm lên mức xấp xỉ 209.000 tỷ đồng, khống chế dưới mức tối đa là 20% do NHNN quy định.

Cũng trong năm qua, Vietcombank đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Mizuho Corporate Bank Ltd thuộc Tập đoàn tài chính Mizuho, lớn nhất Nhật Bản. Theo đó, Mizuho đã trở thành đối tác chiến lược sở hữu 15% cổ phần của Vietcombank (347.612.562 cổ phần).

Vietcombank đã hoàn tất việc phát hành thêm 211.050.483 cổ phiếu tương ứng với 2.110.504.830.000 đồng cho các cổ đông hiện hữu để trả cổ tức 2010 (tỷ lệ 12%) đưa tổng số vốn điều lệ từ 17.587.540.310.000 đồng tăng lên 19.698.045.140.000 đồng.

Năm 2012, tạo ra bước đột phá căn bản trong quản trị và hoạt động kinh doanh theo phương châm “Đổi mới-Chuẩn mực-An toàn-Hiệu quả”. Cụ thể, VCB dự kiến thành lập thêm 3 công ty: kiều hối, quản lý và khai thác tài sản, tín dụng tiêu dùng. Đặt mục tiêu thành lập mới khoảng 81 chi nhánh và phòng giao dịch, tăng trưởng lao động không quá 12%; tăng trưởng huy động vốn từ nền kinh tế khoảng 18%, tăng trưởng tín dụng khoảng 17%, khống chế tỷ lệ nợ xấu dưới 2,8%, rà soát danh mục đầu tư góp vốn, tái cơ cấu phù hợp, có tính đến M&A, tỷ lệ cổ tức 2012 dự kiến tối thiểu 12%.

Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank đọc báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2011 và định hướng kinh doanh năm 2012. Trong năm qua, Ngân hàng đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh doanh do ĐHCĐ đề ra. Tỷ lệ suất lợi nhuận trên vốn bình quân (ROE) đạt 17%; tỷ suất lợi nhuận trên tài sản bình quân (ROE) đạt 1,2%. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 209 nghìn tỷ đồng, tăng 18,4%, đạt kế hoạch kiểm soát tăng trưởng dưới 20%,0%. Nợ xấu là 2,03%. Doanh số thanh toán XNK đạt 38,8 tỷ USD, tăng 25,5% kế hoạch, chiếm 19,2% thị phần XNK của cả nước.

Năm 2012, dự kiến tổng tài sản của Vietccombank tăng 18%, dư nợ tín dụng tăng 17%, huy động vốn từ nền kinh tế tăng 18%, lợi nhuận trước thuế 6.550 tỷ đồng, tăng 15%, lợi nhuận sau thế 4.929 tỷ đồng, lao động cuối kỳ tối đa tăng 12%, ROA 1,22%, ROE 15,0%, CAR tối thiểu 12,0%,số chi nhánh và PGD tăng thêm 81 đơn vị; tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ dưới 2,8%; mức cổ tức dự kiến bằng 12% mệnh giá.

Bà Trương Lệ Hiền, Trưởng Ban kiểm soát VCB đọc báo cáo của ban Kiểm soát nhận định, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2011 của Ngân hàng đã phản ánh trung thực, hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu tình hình tài chính của Vieticombank và các công ty con tại thời điểm 31/12/2011 cũng như kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất năm 2011. Tổng tài sản 366.722 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 28.639 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế 5.697 tỷ đồng, thuế TNDN 1.480 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.217 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế của ngân hàng là 4.505 tỷ đồng. lợi ích của cổ đông thiểu số 21 tỷ đồng, lợi nhuận thuần trong kỳ 4.197 tỷ đồng.

Đặc biệt, Ban kiểm soát kiến nghị ĐHCĐ, HĐQT và Ban Điều hành:
1. Tăng cường công tác huy động vốn, đảm bảo thanh khoản, cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn, đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong hoạt động theo quy định.

2. Thường xuyên rà soát danh mục tín dụng để đảm bảo cơ cấu danh mục theo đúng định hướng, kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng huy động vốn của ngân hàng và mức không chế của NHNN trong từng giai đoạn.

3. Quản lý tốt chênh lệch lãi suất đầu ra-đầu vào, duy trì tỷ lệ chi phí hoạt động/thu nhập phù hợp đảm bảo hiệu quả kinh doanh tốt.

4. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy chế, quy định của ngân hàng đảm bảo phù hợp với các văn bản pháp quy hiện hành và biến động trong hoạt động.

5. Tiếp tục nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin phục vụ tốt hoạt động kinh doanh, công tác quản trị, điều hành, quản trị rủi ro.

6. Tăng cường hoạt động giám sát, kiểm soát nội bộ, tiếp tục hoàn thiện hệ thống phát hiện rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động Vietcombank để cảnh báo và đưa ra biện pháp chấn chỉnh, phòng ngừa kịp thời.

Cũng tại Đại hội, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, tổng quỹ lương của HĐQT và Ban kiểm soát năm 2011 theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên lần thứ 4 là 11,809 tỷ đồng (bằng lợi nhuận sau thuế x 0,28%) và tổng số tiền đã chi cho các thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát năm 2011 là 8,359 tỷ đồng

ĐHCĐ phê duyệt số lượng thành viên HĐQT và Ban kiểm soát và Vietcombank năm 2012 dự kiến tăng thêm 3 người và mức thù lao đối với HĐQT và Ban kiểm soát năm 2012 là 0,28% lợi nhuận sau thuế.

ĐHCĐ thông qua việc thôi chức vụ thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2008-2013 đối với ông Phạm Huyền Anh, đồng thời, thông qua việc bầu bổ sung 4 thành viên HĐQT, trong đó có 1 thành viên độc lập.

Thông qua danh sách ứng cử viên để bầu vào chức danh thành viên Hội đồng quản trị, gồm có: ông Nguyễn Đăng Hồng, Ủy viên Thường trực Đảng ủy cơ quan ngân hàng Trung ương, ông Nguyễn Danh Lương, Phó tổng giám đốc Vietcombank; ông Yutaka Abe, Giám đốc bộ phận Kinh doanh quốc tế và ông Lê Đắc Cù, Trưởng phòng nghiệp vụ, Hiệp hội Ngân hàng.

Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc trình ĐHCĐ về việc phát hành trái phiếu quốc tế. Theo ông Thanh, hoạt động ngoại hối là một lợi thế, có vai trò quan trọng đối với Vietcombank. Hiện tại, huy động vốn ngoại tệ chiếm xấp xỉ 30% tổng huy động từ nền kinh tế, tín dụng ngoại tệ chiếm xấp xỉ 32,43% tổng dư nợ tín dụng, tỷ lệ tín dụngngoại tệ/huy động vốn ngoại tệ xấp xỉ 83,77%...; gia tăng nguồn vốn trung, dài han thông qua việc phát hành trái phiếu quốc tế giúp cân đối nguồn vốn cho các khoản tín dụng ngoại tệ trung và dài hạn đã cho vay cũng như các cam kết giải ngâ tín dụng trung dài hạn ngoại tệ mà Vietcombank đã ký kết với khách hàng; góp phần đa dạng hóa các hình thức huy động vốn ngoại tệ dài hạn bên cạnh việc vay vốn từ các tổ chức, ngân hàng quốc tế...

Do vậy, khối lượng phát hành trái phiếu quôc tế của Vietcombank được quyết định ở mức tối đa là 1.000.000.000 USD (một tỷ đô la Mỹ).; kỳ hạn tối đa 10 năm; ngày phát hành dự kiến trong năm 2012 hoặc thời điểm phù hợp; lãi suất phù hợp với điều kiện thị trường tại thời điểm phát hành.

Với những kết quả khá khả quan được Ban lãnh đạo Vietcombank công bố trước đó, phần chất vấn của các cổ đông diễn ra khá êm ả.

Trả lời câu hỏi của đại diện Vina Capital về sự chênh lệch lợi nhuận trong tờ trình phân phối lợi nhuận với báo cáo của kiểm toán, ông Nguyễn Phước Thanh cho biết, tờ trình phân phối lợi nhuận là  lợi nhuận riêng lẻ, còn trong tờ trình tại báo cáo kiểm toán hợp nhất giảm do việc dự phòng chênh lệch giảm giá khoản đầu tư vào ShinhanVina.

Theo ông Thanh, mức tăng trưởng lợi nhuận 18,44% so với mục tiêu 20% đề ra năm ngoái thì đứng về con số thì chưa đạt, nhưng xét trong bối cảnh chung của nền kinh tế trong năm 2011 là thắt chặt tiền tệ, thắt chặt tăng trưởng tín dụng thì đó đã là một thành công của Ngân hàng.

Chất vấn tại đại hội, đại diện Tập đoàn Bảo Việt băn khoăn về rủi ro tỷ giá khi Vietcombank phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế?

Trả lời chất vấn này, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, phát hành trái phiếu quốc tế là cần thiết, vì thế mạnh của Vietcombank là ngoại tệ trong khi nhu cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp là rất lớn. Dư nợ ngoại tệ của Ngân hàng là 3,1 tỷ USD trong khi huy động là hơn 3,1 tỷ USD với hiện tại còn cân đối được, nhưng nhu cầu vốn tăng nhanh nên cần phải có nguồn thu khác bổ sung.

Tại ĐHCĐ lần này, Vietcombank phải xin phép trước, bởi nếu thời điểm phù hợp lại phải triệu tập họp ĐHCĐ để có được sự thông qua mới được phát hành sẽ tốn chi phí, lỡ thời gian. Phát hành trái phiếu ngoại tệ có rủi ro hối đoái nhưng HĐQT sẽ lựa chọn thời điểm, kỳ hạn, thị trường sẽ cân nhắc.... HĐQT và Ban Lãnh đạo Vietcombank chia sẻ quan tâm, lo lắng của cổ đông và sẽ cân nhắc quan điểm không phát hành bằng mọi giá.

Trả lời yêu cầu của cổ đông độc lập Nguyễn Duy Lộ mong muốn chia cổ tức lên 15% năm 2011, ông Bình cho rằng, mục tiêu phát triển của Vietcombank là bền vững hài hòa quyền lợi của cổ đông, Nhà nước và Ngân hàng.

Nhìn lâu dài, năm 2012 thị trường còn khó khăn nên nếu không để lại phần vốn kinh doanh mà phải huy động vốn từ bên ngoài cao hơn mức cần thiết thì sẽ thêm khó cho Ngân hàng. Do vậy, việc giữ lại phần lợi nhuận lại chưa chia để hợp lý hóa tỷ lệ an toàn, kinh doanh có hiệu quả hơn

Trước câu hỏi của cổ đông về việc Ngân hàng có đứng ra hỗ trợ các ngân hàng khó khăn trong đợt tái có cấu các ngân hàng tới đây, Ban lãnh đạo Vietcombank cho biết, trong trường hợp Vietcombank hỗ trợ ngân hàng gặp khó khăn sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi của đông. Sẽ không dùng tiền của Vietcombank trong tiến trình hợp nhất, sáp nhập các ngân hàng.

ĐHCĐ Vietcombank đã thông qua tất cả các tờ trình của HĐQT Ngân hàng.