(Nguồn: Internet)

(Nguồn: Internet)

Việt Nam rớt 10 bậc cạnh tranh, vẫn những nút thắt cũ!

(ĐTCK) Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu giai đoạn 2012 - 2013.

Theo đó, Việt Nam rớt 10 bậc và tụt xuống thứ 75 trong số 144 nền kinh tế được xếp hạng, đồng thời để tuột mất vị trí thứ 6/8 nước Đông Nam Á trong danh sách vào tay Philippines và trở thành nước đứng áp chót trong khu vực, chỉ đứng trên duy nhất Campuchia.

Trong số 12 nhóm chỉ tiêu được WEF sử dụng để đánh giá, Việt Nam tụt hạng ở 9 nhóm. Nếu như ở báo cáo năm 2011, Việt Nam được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao ở sự ổn định kinh tế vĩ mô (tiến 20 bậc), thì đến 2012, hạng mục này lại bị hạ tới 41 bậc.

Bình luận về nguyên nhân dẫn đến sự tụt hạng, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, chủ yếu là do lạm phát 2011 gần chạm ngưỡng 20%, cao gấp đôi so với một năm trước đó, nên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát, khiến khả năng tiếp cận tín dụng của nền kinh tế trở nên khó khăn hơn. Điều này được đánh giá là sự thiếu ổn định của kinh tế vĩ mô, nên đã khiến Việt Nam rớt hạng khá mạnh.

Điều đáng lo ngại, theo bà Tuệ Anh, là trong bảng xếp hạng năm nay, những nhóm chỉ tiêu đã được cảnh báo nhiều  như cơ sở hạ tầng (xếp hạng 95) một lần nữa được nhắc đến như một trở lực chính cho sự phát triển, với những lo ngại được đặt nặng vào chất lượng đường xá (hạng 120) và cảng (hạng 113)… nhưng vẫn không được cải thiện, mà ở một vài nhóm chỉ tiêu còn bị tụt hạng sâu hơn.

Ngoài ra, một số tiêu chí như mức độ tôn trọng bản quyền (hạng 113), bảo vệ tác quyền (hạng 123) và đặc biệt là tiêu chí tổn thương của DN tư nhân do tham nhũng được WEF đặc biệt lưu ý.

Bảng xếp hạng của WEF cũng đã chỉ ra số ít những điểm tích cực về năng lực cạnh tranh, vốn vẫn là thế mạnh của Việt Nam từ trước đến nay. Đó là chất lượng thị trường lao động (hạng 51), quy mô thị trường (hạng 32) và mức độ hài lòng với chăm sóc sức khỏe (hạng 64) và giáo dục cơ bản (hạng 64). Bà Tuệ Anh cho rằng, WEF đánh giá cao quy mô thị trường của Việt Nam với dân số gần 90 triệu người và thu nhập bình quân đầu người ngày càng cao (1.374 USSD năm 2011), qua đó cũng gián tiếp khuyến cáo các DN Việt Nam tập trung hơn vào thị trường trong nước.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy, khoảng cách giữa thu nhập của người Việt so với mức trung bình của các quốc gia châu Á đang phát triển ngày càng bị nới rộng. Theo bà Tuệ Anh, đây là lời cảnh báo không thể bỏ qua khi chúng ta xác định mô hình tăng trưởng trong thời gian tới.

“Các nhà đầu tư nước ngoài có ý định đầu tư vào Việt Nam đang quan sát rất kỹ, nên nếu có hệ số tín nhiệm cao thì tốt, còn không họ sẽ thận trọng hơn”, bà Tuệ Anh nói và cho rằng, việc Việt Nam rớt đến 10 bậc trong Bảng xếp hạng cho thấy mức độ cải cách của chúng ta không theo kịp mức độ cải cách của các nước.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, chúng ta vẫn có thể cải thiện vị trí trong Bảng xếp hạng nếu xác định được những điểm nghẽn chủ chốt và có những bước đi quyết liệt để tháo gỡ những nút thắt ấy. Cụ thể là cần tập trung đầu tư cho những cơ sở hạ tầng quan trọng tại những vùng động lực kinh tế. Không nên đầu tư dàn trải theo kiểu chia đều miếng bánh ngân sách như hiện nay.