Xử lý nợ xấu: Cần quyết tâm chính trị

Xử lý nợ xấu: Cần quyết tâm chính trị

(ĐTCK) Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm về Quản lý nợ và Xử lý nợ quá hạn đối với Việt Nam được Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức ngày hôm qua tại Hà Nội.

Tại Hội thảo,“khẩn trương” là từ được các diễn giả nhắc tới khá nhiều, nhưng “quyết tâm chính trị” mới là yếu tố được nhấn mạnh.

Xử lý nợ xấu: Cần quyết tâm chính trị ảnh 1

Sacombank là một số ít ngân hàng có báo cáo nợ xấu rất thấp, ở mức 1,417% tính đến 30/9/2012

Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, thách thức trước hết đối với kinh tế Việt Nam năm 2013 vẫn là lĩnh vực tài chính - ngân hàng, trong đó, nợ xấu là một trong những thách thức lớn nhất. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ ước tính đã tăng lên mức 4,5% trong tháng 5/2012 và Ngân hàng Nhà nước đã ghi nhận rằng con số này có thể lên tới gần 8,6%. Theo báo cáo của một số ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu và rủi ro tăng lên, đặc biệt là ở những ngân hàng có các khoản vay của các doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả và đầu tư dàn trải.

“Quan ngại tăng lên khi kết hợp hai yếu tố là yếu kém trong quản lý rủi ro của các ngân hàng và yếu kém trong khuôn khổ chỉ đạo, điều hành. Dự báo tăng trưởng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào rủi ro trong ngành mà những rủi ro này sẽ càng tăng lên cho đến khi các vấn đề về nợ xấu được giải quyết triệt để”, ông Tomoyuki Kimura nhấn mạnh.

Đại diện IFC, ông Cameron Evans, Chuyên viên tài chính cấp cao, Quản lý rủi ro toàn cầu và Tiếp cận tài chính chia sẻ, nợ xấu cao trong thời gian dài sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, nguồn cung tín dụng giảm bởi vốn ngân hàng bị đọng tại những khoản cho vay không sinh lãi, hạn chế khả năng tiếp tục cho vay của ngân hàng. Chi phí tín dụng tăng do các ngân hàng có mức nợ xấu cao đối mặt với chi phí vốn tăng, có thể dẫn đến lãi suất, chi phí cho vay tăng, khiến cầu về tín dụng đình trệ.

“Nhu cầu xử lý nợ xấu nhìn từ góc độ kinh tế cho thấy, quản lý nợ xấu tốt hơn đồng nghĩa với việc thu hồi vốn nói chung thuận lợi hơn. Nâng cao lòng tin của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài và bán được nợ xấu sẽ thu hút nguồn vốn đầu tư vào nền kinh tế. Trong khi đó, từ góc độ người bán, rõ ràng không thể tự quản lý nợ có vấn đề, mà cần phải tìm kiếm các tổ chức có chuyên môn hỗ trợ xử lý nợ. Điều này sẽ giúp giải phóng thời gian quản lý để tập trung vào tăng trưởng trong tương lai. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của người bán về thị trường vốn và thị trường nợ...”, ông Cameron Evans nói.

Ông Sameer Goyal, Điều phối viên tài chính và khu vực tư nhân, Ngân hàng Thế giới cho rằng, những khó khăn trong việc xử lý nợ xấu là khung pháp lý, thể chế, giám sát vẫn đi sau so với các chuẩn mực/thông lệ quốc tế (như quyền của chủ nợ, khả năng trả nợ, phá sản). Bên cạnh đó, những nỗ lực tái cấu trúc sẽ đòi hỏi nguồn lực lớn, trong khi Chính phủ không có nhiều tiềm lực tài chính.

Đồng quan điểm trên, ông Cameron Evans cho rằng, những cản trở chính trong chuyển nhượng nợ xấu là sự thiếu minh bạch về số liệu, thông tin trong hồ sơ tín dụng; ngân hàng chỉ muốn chuyển nhượng những khoản nợ “rất xấu”, rất “nhiều vấn đề”; dự phòng thiếu, tỷ lệ thu hồi nợ xấu thấp; tài sản thế chấp yếu hay bị định giá sai; trong khi lại kỳ vọng cao về khả năng thu nợ…

Bên cạnh những yếu tố về nguyên nhân gây nên nợ xấu, cũng như khó khăn trong việc quản lý và xử lý nợ xấu, thông điệp khẩn trương trong tiến trình xử lý nợ xấu cũng được các diễn giả tại Hội thảo đề cập.

Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đến năm 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ đầu năm 2012, trong đó có vấn đề xử lý ngân hàng thương mại yếu kém và nợ xấu. Mặc dù đã có những kết quả nhất định, nhưng có thể nói, tiến độ vẫn còn chậm. Chẳng hạn, Đề án xử lý nợ xấu đã được khởi động từ đầu năm 2012, nhưng đến cuối năm mới trình và hiện tại, Công ty quản lý tài sản (VAMC) đang đợi các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Về vấn đề này, ông Sameer Goyal khuyến nghị, tái cấu trúc là tốn kém, nên việc đặt ra các nguyên tắc là rất quan trọng. Cải thiện chất lượng quản trị công ty là yêu cầu bắt buộc, bởi quản trị kém dẫn tới thể chế yếu: tỷ lệ đòn bẩy quá cao, rủi ro tín dụng, nợ xấu… “Cần xử lý đồng thời lĩnh vực bất động sản, tái cơ cấu doanh nghiệp (ICR). Điều phối đa ngành giữa Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tham vấn các bên liên quan và doanh nghiệp. Sẵn sàng cho tình huống xấu nhất nhưng hy vọng ở điều tốt đẹp nhất”, ông Sameer Goyal nói.

Bà Chui Sum Lee, Tổng Giám đốc PwC Malaysia gợi ý: “Thể chế hiện hành cần có quy định hạn mức nào được coi là mất khả năng thanh toán? Có lộ trình rõ ràng về việc thành lập công ty chuyên xử lý nợ? Cần những cải cách cơ sở hạ tầng thể chế: quy chế ngân hàng, thuế, thủ tục tư pháp và sự quyết tâm chính trị mới có thể đạt hiệu quả trong xử lý nợ xấu”.