Khi cung - cầu tiền đồng đang căng thẳng thì áp lực huy động vốn mua tín phiếu là khá lớn với các ngân hàng.

Khi cung - cầu tiền đồng đang căng thẳng thì áp lực huy động vốn mua tín phiếu là khá lớn với các ngân hàng.

20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc: Ngân hàng đã sẵn sàng

(ĐTCK-online) Mặc dù gặp nhiều khó khăn về huy động vốn trong bối cảnh thị trường vẫn khan hiếm tiền đồng, nhưng các ngân hàng đến thời điểm này đã sẵn sàng cho đợt mua 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào ngày 17/3.

Theo ông Phạm Văn Thiệt, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), kết thúc tháng 2/2008, tổng vốn huy động của Eximbank tăng cao hơn 1.924 tỷ đồng so với tháng trước, đạt 24.822 tỷ đồng. Tuy vậy, với chỉ tiêu được giao là 500 tỷ đồng để mua tín phiếu của NHNN, nhất là trong bối cảnh cung tiền đồng khan hiếm thì áp lực cho việc huy động vốn để đáp ứng yêu cầu trên là không nhỏ.

Còn tổng giám đốc một ngân hàng quy mô nhỏ tại Hà Nội cho rằng, với chỉ tiêu được giao mua tín phiếu là 200 tỷ đồng, nhưng trong tình hình hiện nay, để có được nguồn vốn trên quả thực rất khó khăn. Tuy đã chuẩn bị đủ 200 tỷ đồng để mua tín phiếu bắt buộc của NHNN, nhưng vị tổng giám đốc trên cho rằng, so với lãi suất huy động vốn của ngân hàng hiện nay đều đụng trần cho phép 12%/năm thì lãi suất tín phiếu ở mức 7,8%/năm là quá thấp. Mặt khác, NHNN còn yêu cầu các ngân hàng không được sử dụng loại tín phiếu này trong giao dịch tái cấp vốn cũng là một hạn chế. Theo vị tổng giám đốc trên, cung - cầu tiền đồng căng thẳng đang ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. Vốn huy động được, các ngân hàng không dám cho vay vì sợ không thu hồi kịp, nếu NHNN có thêm giải pháp đột xuất về hạn chế tiền đồng, kiềm chế lạm phát. Trong khi đó, các ngân hàng vẫn phải trả lãi cao cho khách hàng gửi tiết kiệm.

So với trước đây, vốn trên thị trường liên ngân hàng hiện nay chỉ mang tính ngắn hạn. Các ngân hàng dù thiếu vốn cũng khó có thể vay mượn trên thị trường này một cách dễ dàng như trước. Hiện lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng, với thời gian vay trong vòng 1 tuần, được áp dụng ở mức tương đối mềm, khoảng 7 - 8%/năm; nhưng với kỳ hạn từ 1 tháng trở lên, lãi suất vẫn ở mức khá cao, lên đến 15 - 17%/năm so với lãi suất huy động đầu vào 12%/năm. Tuy nhiên, khó khăn đối với các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ hiện nay là lãi suất huy động tiết kiệm của khối ngân hàng quốc doanh cũng điều chỉnh lên mức trần cho phép 12%/năm.

Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Á (VietA Bank), ông Phạm Duy Hưng cho biết, với chỉ tiêu được giao mua 150 tỷ đồng tín phiếu NHNN bắt buộc, đến nay VietA Bank đã hoàn tất. Trước khi Công điện 02/CĐ-NHNN về việc khống chế lãi suất huy động không quá 12%/năm phát ra, VietA Bank là một trong những ngân hàng điều chỉnh lãi suất lên mức khá cao, đạt 13,96%/năm (kỳ hạn 3 tháng). Với mức lãi suất hấp dẫn này, VietA Bank đã nhanh chóng hút được nguồn vốn lớn sau 3 ngày điều chỉnh, bình quân hút về khoảng 450 tỷ đồng/ngày. Tuy nhiên, sau đó, VietA Bank phải nhanh chóng điều chỉnh giảm để đáp ứng kịp thời yêu cầu của NHNN. Hiện lãi suất huy động của VietA Bank được áp dụng ở mức 12%/năm.

Đến thời điểm này, các ngân hàng đã sẵn sàng chuẩn bị cho đợt mua 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc của NHNN. Tuy nhiên, theo các ngân hàng, áp lực cung - cầu tiền đồng vẫn rất căng thẳng, trong khi cung ngoại tệ tiếp tục chảy vào các ngân hàng buộc họ phải từ chối mua vì thiếu tiền đồng.

Trong cuộc họp với các ngân hàng TMCP mới đây, NHNN - Chi nhánh TP. HCM cho biết, đã có kiến nghị lên NHNN về việc tăng thêm lãi suất tín phiếu và giãn thời gian thực hiện, nhằm giảm bớt áp lực và khó khăn cho các ngân hàng trong việc chuẩn bị vốn mua tín phiếu. Tuy nhiên, qua trao đổi với ĐTCK, ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN - Chi nhánh TP. HCM cho biết, đến thời điểm này NHNN vẫn chưa có ý kiến chính thức. Theo ông Hạnh, khó có thể giãn thời gian thực hiện việc mua 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc, vì đó là giải pháp tích cực để kiềm chế tốc độ gia tăng của lạm phát.