Các đại biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức ngày 2/12/2010 - Ảnh: Đức Thanh

Các đại biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức ngày 2/12/2010 - Ảnh: Đức Thanh

3 trụ cột để cải biến ngành ngân hàng

(ĐTCK-online) Xem xét lại lộ trình tăng vốn; cởi trói cho thị trường ngoại hối và khơi thông dòng chảy vốn nước ngoài là 3 khuyến nghị đáng chú ý nhất được 20 tổ chức tài chính - ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam gửi đến Chính phủ trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp sáng 2/12.

Tăng vốn, tăng rủi ro

Việt Nam hiện có trên 80 ngân hàng, trong đó 20 ngân hàng hàng đầu được đánh giá là chiếm phần lớn thị phần. Các ngân hàng yếu hơn có nguy cơ ảnh hưởng tới niềm tin vào hệ thống ngân hàng vì tính bất ổn định. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam đưa ra lộ trình tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng và 10.000 tỷ đồng vào giai đoạn 2012 và 2015 áp dụng với tất cả các ngân hàng.

Ông Brett Krause, Giám đốc CitiBank Việt Nam, Trưởng nhóm Ngân hàng, nhận xét, “mức độ tăng vốn lớn không phù hợp với khung thời gian ngắn đưa ra”. Thị trường Việt Nam không đủ lớn để triển khai một cách thận trọng và làm đòn bẩy cho dòng chảy vốn từ cả ngân hàng trong nước và nước ngoài. Ảnh hưởng của việc tăng vốn lớn trên sẽ là áp lực cạnh tranh gay gắt, khẩu vị rủi ro cao và mức hoàn vốn thấp.

Theo khuyến nghị của các nhà đầu tư, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên sử dụng các công cụ và động lực nhằm thúc đẩy hợp nhất các ngân hàng yếu hơn là đưa ra định mức vốn tối thiểu cao hơn áp dụng cho tất cả các ngân hàng.

“Chúng tôi mong muốn nhìn thấy ngành ngân hàng khuyến khích cạnh tranh, quản lý rủi ro và sử dụng vốn lành mạnh, an toàn, đồng thời vẫn cho phép các ngân hàng có quy mô vốn khác nhau cùng hoạt động. Việc hợp nhất ngân hàng phải được hỗ trợ bởi khung pháp lý và thủ tục đảm bảo quy trình rõ ràng và hành động nhanh”, ông Brett Krause bày tỏ.  

 

Cởi trói cho thị trường ngoại hối

Tỷ giá và những rào cản trên thị trường ngoại hối là một chủ đề nóng tại Diễn đàn. Nghị định 160/NĐ-CP, ban hành tháng 12/2006, đã đặt ra khuôn khổ cho giao dịch giữa các bên tham gia và các sản phẩm về ngoại hối tại Việt Nam . Tuy nhiên, các thông tư hướng dẫn thực hiện chính vẫn chưa được ban hành để hướng dẫn cho các bên tham gia tiến hành các hoạt động ngoại hối của mình một cách phù hợp. Điều này làm chậm quá trình phát triển của thị trường ngoại tệ, khi hiện nay các nhà xuất nhập khẩu cần có những kỹ thuật phòng vệ tinh vi để không rơi vào tình trạng yếu thế trước các đối thủ cạnh tranh tại những quốc gia khác nhau.

Chính sách ngoại hối về biên độ giao dịch USD/VND theo các nhà đầu tư đang giới hạn cung USD ra thị trường. Điều này gây tác động bất lợi đến dòng thương mại và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vì tính không chắc chắn xung quanh sức mạnh và khả năng chuyển đổi của đồng Việt Nam .

Nhóm Ngân hàng khuyến nghị, NHNN nên ban hành ngay thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 160, từ đó các bên tham gia có thể điều hành các hoạt động ngoại hối của mình, đối phó với thị trường hiện tại. Đồng thời, nên xem xét áp dụng các biện pháp cải thiện niềm tin vào VND và làm tăng tính thanh khoản trên thị trường ngoại tệ. Ngay thời điểm này, NHNN cần thiết lập lộ trình phát triển cho thị trường ngoại hối có kỳ hạn vận hành theo cơ chế thị trường. Điều này củng cố niềm tin của nhà đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam , vì nhà đầu tư có thể bảo hiểm cho các rủi ro và khả năng họ mua được ngoại tệ để chuyển lợi nhuận về nước sẽ cao hơn.

 

Khơi dòng chảy vốn nước ngoài

Cung tín dụng trong nước eo hẹp, trong khi tăng trưởng kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng dài hạn của Việt Nam đòi hỏi huy động một lượng đáng kể vốn vay dài hạn từ các thị trường vốn nước ngoài. Theo các nhà đầu tư, một trong những rào cản khiến các khiến công ty Việt Nam không thể thâm nhập thị trường vốn quốc tế là việc áp đặt “thuế khấu trừ” trên các khoản lãi phải trả cho người cho vay nước ngoài. Việc này khiến cho các công ty ngần ngại tiếp cận các thị trường vốn và trông đợi những khoản vay ngắn hạn không phù hợp từ thị trường nội địa Việt Nam .

Để cải thiện tình trạng này, Chính phủ Việt Nam nên xem xét việc dỡ bỏ thuế khấu trừ trên các khoản lãi phải trả cho người cho vay nước ngoài đối với thời hạn khoản vay hơn 1 năm để khuyến khích người đi vay khai thác tiềm năng huy động vốn bên ngoài.

Cũng tại Diễn đàn, các ngân hàng nước ngoài tiếp tục kêu về quy định giới hạn tín dụng cho vay đối với một khách hàng sẽ được tính dựa trên vốn của chi nhánh thay vì vốn của hội sở chính của ngân hàng nước ngoài, áp dụng từ ngày 1/1/2011 tới. Để giảm thiểu ảnh hưởng và đảm bảo sự liên tục khi chuyển giao các khoản vay của chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm tuân thủ yêu cầu trong quy định mới, các nhà đầu tư khuyến nghị, nên cho phép các ngân hàng có giai đoạn chuyển tiếp thay vì áp dụng đúng theo quy định vào giờ G.

Ông Phạm Văn Bình

Phó thống đốc NHNN Việt Nam

 

Đối với những khoản vay mà các tổ chức tín dụng nước ngoài đã ký với khách hàng trước thời điểm Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực sẽ không tiến hành hồi tố. Các ngân hàng không được phép thực hiện bất kỳ hoạt động nào nhằm né tránh mức tỷ giá trần trong giao dịch ngoại hối. Về kinh tế vĩ mô, tình hình đang diễn biến tốt. Chính phủ sẽ thực thi kiên quyết các biện pháp giảm thâm hụt thương mại. Hơn nữa, đầu tư trực tiếp nước ngoài và kiều hối về nước tăng sẽ góp phần khắc phục những khó khăn về thanh khoản ngoại hối.

 

Ông Phạm Huyền Anh

Vụ trưởng An toàn và Chính sách Ngân hàng

 

Hiện nay, NHNN chưa có dự thảo quy định về việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng lên 5.000 và 10.000 tỷ đồng. Sau khi xây dựng Dự thảo, NHNN sẽ tham khảo ý kiến của Nhóm Ngân hàng và các tổ chức tín dụng liên quan. Việc tăng mức vốn điều lệ năm 2010 của các tổ chức tín dụng lên 3.000 tỷ đồng đến cuối năm nay để tối thiểu bằng mức vốn pháp định chắn chắn phải được tuân thủ chặt chẽ. Tuy nhiên, yêu cầu tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng và 10.000 tỷ đồng sẽ còn được xem xét và thảo luận thêm.

 

Ông Đặng Đức Dũng

Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội

 

Các nỗ lực của cơ quan quản lý gần đây không thể kéo lãi suất ngân hàng xuống giúp các doanh nghiệp có cơ hội đầu tư dài hạn. Thiếu vốn và nguồn vốn quá đắt đang và sẽ là khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Các nguồn vốn vẫn đang tiếp tục được đổ vào xây dựng cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp mà Nhà nước nắm giữ, trong khi những sự kiện gần đây cho thấy DNNN không đạt hiệu quả trong đầu tư, thậm chí làm thất thoát nặng nề. Chúng ta đang duy trì một chính sách mà ở đó nguồn tài chính lớn nhất không được đầu tư cho sản xuất tạo ra của cải cho xã hội mà lại đang được đổ vào đất đai, vàng và ngoại tệ găm giữ. Chắc chắn hệ thống chính sách đó cần phải được chỉnh sửa.