500.000 việc làm mới từ 8.000 tỷ vốn mồi

500.000 việc làm mới từ 8.000 tỷ vốn mồi

(ĐTCK) “Để chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sớm đi vào cuộc sống, dự thảo Nghị định sẽ cho phép áp dụng phương pháp hậu kiểm, đồng thời có những hướng dẫn cụ thể, để có thể áp dụng ngay”.

Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông tại Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tổ chức ngày 2 - 3/8.

Chỉ 42/25.760 DN được “xác nhận ưu đãi”

Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị định 61, theo con số của 40 địa phương có báo cáo thì chỉ có 9 tỉnh cấp “Giấy xác nhận ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung cho DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn” cho 42/25.760 DN đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tình trạng văn bản pháp luật chậm đi vào cuộc sống như Nghị định 61 kể trên, theo ông Đinh Ngọc Minh, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nguyên nhân chính là do các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong Nghị định chưa đủ mạnh để hấp dẫn các DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn - vốn là các lĩnh vực địa bàn có nhiều rủi ro, lợi nhuận thấp.

Đặc biệt, cơ chế tài chính quy định chưa rõ ràng, đồng thời thủ tục để nhận các khoản hỗ trợ còn bị coi là rườm rà, phức tạp, nhiều khoản hỗ trợ rất nhỏ nhưng hồ sơ, thủ tục phức tạp, khó khăn… Các địa phương chưa dành nguồn vốn để triển khai thực hiện, cũng không tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và kịp thời chính sách, khiến nhiều DN không biết đến chính sách này.

Khi được hỏi về việc triển khai chính sách này tại địa phương, đại diện TP. Cần Thơ cho biết, đến nay tại Cần Thơ vẫn chưa có DN nào được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước theo Nghị định 61. Lý do mà vị này đưa ra là không thấy có DN nào làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận để được hưởng ưu đãi cả (?).

 

Làn gió mới cho các DN nông thôn 

Ban soạn thảo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 61 cho biết, những nội dung sửa đổi chính là bổ sung thêm đối tượng hợp tác xã nông nghiệp; tập trung vào một số ngành nghề nhất định (giảm từ 28 ngành nghề xuống còn 15) được hưởng ưu đãi. Đặc biệt là quy định rõ về cơ chế hỗ trợ tài chính cho DN.

Cụ thể, dự thảo Nghị định sửa đổi đã bổ sung quy định hỗ trợ chế biến một số sản phẩm đặc thù mà nước ta đang có lợi thế về sản lượng như cà phê, thủy sản, lúa gạo…, với mục tiêu là tất cả các sản phẩm trên khi xuất khẩu phải đảm bảo tiêu chuẩn Việt Nam hoặc quốc tế, giảm thiểu hiện tượng bị ép giá, ép cấp của đối tác. Về nguyên tắc hỗ trợ là hỗ trợ toàn bộ lãi suất đầu tư trong vòng 3 - 4 năm đối với dự án đó, nhưng tính theo giá trị tuyệt đối cho định mức vay để đảm bảo thuận lợi cho DN khi tiếp cận hỗ trợ.

Về cơ chế tài chính, dự thảo Nghị định cho phép các DN được sử dụng tiền thuế phải nộp để đầu tư vào các nội dung có mức hỗ trợ nhỏ theo quy định tại Nghị định và cuối năm sẽ được quyết toán đồng thời với quyết toán thuế. Những hỗ trợ lớn được rót trực tiếp từ ngân sách địa phương và ngân sách trung ương.

Về nguồn vốn hỗ trợ, bổ sung quy định cụ thể về bố trí ngân sách địa phương và trung ương để thực hiện các chính sách quy định tại Nghị định. Theo tính toán, tổng nguồn vốn thực hiện mỗi năm khoảng 8.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 4.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 1.000 tỷ đồng và vốn hỗ trợ qua thuế là 3.000 tỷ đồng. Ngoài ra, sẽ huy động được khoảng 18.000 tỷ đồng mỗi năm từ các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Theo tính toán của Ban soạn thảo, với mức hỗ trợ trên, sẽ có khoảng 52.000 DN tham gia thực hiện chính sách ở các mức độ khác nhau, tạo ra khoảng 200.000 việc làm trực tiếp và 300.000 lao động gián tiếp mỗi năm.

Dự kiến, nếu được Thủ tướng Chính phủ thông qua, các chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sẽ có hiệu lực kể từ tháng 10/2012.