Hầu hết ngân hàng cổ phần đều thống nhất bỏ quy định trần lãi suất.

Hầu hết ngân hàng cổ phần đều thống nhất bỏ quy định trần lãi suất.

Bỏ trần lãi suất: Cuộc đua sẽ gay cấn?

(ĐTCK-online) Mặc dù quyết định bỏ lãi suất trần ở mức 12% của Ngân hàng Nhà nước đến ngày hôm nay (19/5) mới có hiệu lực thi hành, nhưng để nhanh chân trong việc chạy đua tăng lãi suất, ngay từ cuối tuần trước, nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch điều chỉnh lãi suất huy động.

Trong cuộc họp sáng 16/5, hầu hết ngân hàng cổ phần đều thống nhất bỏ quy định trần lãi suất để giải quyết tình hình huy động vốn đang ngày càng khó khăn. Đồng thời, qua đó tạo sự cạnh tranh thực giữa các ngân hàng và trả lãi suất về đúng vai trò tự vận hành theo cơ chế thị trường. Dự báo, khả năng “quả bóng” lãi suất sẽ nổ tung vào đầu tuần này, khi mức trần 12%/năm đã gỡ bỏ.

Trong thời gian gần đây, mặc dù trần lãi suất 12%/năm vẫn được các ngân hàng duy trì, song do cung tiền ngày một cạn dần, trong khi tổng vốn huy động không mấy tăng trưởng khiến nhiều ngân hàng phải tìm mọi cách để đảm bảo khả năng thanh khoản bằng việc tăng mạnh lãi suất ở những kỳ hạn ngắn ngày, kèm khuyến mãi với tổng giá trị lên đến hàng tỷ đồng. Cụ thể, Ngân hàng Sài Gòn (SCB), sau khi tăng lãi suất không kỳ hạn từ 3,6%/năm lên 9%/năm trong ngày 10/5 thì ngày 14/5 tiếp tục tung ra sản phẩm tiền gửi “Đầu tư qua đêm sinh lời cao”, với mức lãi suất lên đến 11%/năm. Còn Eximbank, lãi suất đầu tư qua đêm 24 giờ là 10%/năm và ACB lên đến 10,8%/năm. Tuy nhiên, ACB có kèm điều kiện là chỉ trả lãi qua đêm mức trên cho khách hàng có số tiền gửi 500 triệu đồng trở lên.

Không thể duy trì mức lãi suất cũ vì khó hút tiền nhàn rỗi, Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) cũng nâng lãi suất không kỳ hạn lên 11%/năm trong ngày 15/5. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng tung chiêu thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư bằng cách tăng khuyến mãi như Sacombank, ABBANK, Eximbank, VP Bank… Tiền nhàn rỗi không muốn vào ngân hàng, một phần do lạm phát tăng cao khiến nhiều ngân hàng phải gia tăng mạnh lãi suất kỳ hạn ngày và tháng lên đến 11 - 11,5%/năm. Đây cũng chính là lý do khiến các ngân hàng kiến nghị NHNN nên bỏ trần lãi suất huy động. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nếu không tính toán kỹ, bỏ trần lãi suất khiến các ngân hàng chạy theo cuộc đua thu hút tiền gửi.

Theo ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN - Chi nhánh TP. HCM, nếu tiếp tục duy trì trần lãi suất cũng không còn nhiều tác dụng như trước. Tuy nhiên, ông Hạnh cho rằng, nếu không thận trọng trong cuộc đua lãi suất huy động sau khi quy định trần được dỡ bỏ, rủi ro đối với các ngân hàng sẽ tăng cao.

Thế nhưng, theo ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc VP Bank, sau khi trần lãi suất được tháo gỡ, chắc chắn VP Bank sẽ tăng lãi suất huy động. Lãi suất mới sẽ tăng cao hơn nhiều so với mức 12%/năm hiện nay và dự kiến lên 15%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng. Tuy nhiên, ông Sơn cho biết, trước mắt VP Bank sẽ xem xét tình hình thị trường cũng như mức lãi suất điều chỉnh của các ngân hàng bạn. Sau đó, VP Bank mới tính đến việc tăng lãi suất lên mức bao nhiêu cho phù hợp với thị trường và đảm bảo quyền lợi người gửi tiền. Ông Sơn cho rằng, gỡ bỏ trần lãi suất huy động sẽ thu hút mạnh nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư.

Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Á (VietA Bank), ông Phạm Duy Hưng cho rằng, để ổn định thị trường tiền tệ và giúp các ngân hàng hoạt động hiệu quả, trước hết NHNN nên bình ổn lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Theo ông Hưng, lãi suất qua đêm tăng đột biến và có thời điểm lên đến 30 - 40%/năm buộc các ngân hàng phải nâng lãi suất huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế để duy trì hoạt động. Ông Hưng cho rằng, bỏ quy định trần lãi suất là cần thiết, nhưng không phải vì thế mà các ngân hàng lại lao vào cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi. Vì lãi suất là con dao hai lưỡi, nếu không tính toán kỹ sẽ có tác dụng ngược.