Trên thực tế, những căng thẳng trên thị trường ngoại hối vẫn đang thường trực

Trên thực tế, những căng thẳng trên thị trường ngoại hối vẫn đang thường trực

Cần tránh hiện tượng “nhờn” chính sách

(ĐTCK-online) Đối với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 3 tháng qua có lẽ là thời điểm kỷ lục của tốc độ ban hành các văn bản chính sách để điều hành thị trường tiền tệ. Hàng loạt giải pháp điều chỉnh gấp gáp, tình thế được cơ quan này áp dụng. Điều này là cần thiết để thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Và trên thực tế, thị trường tiền tệ, ngoại hối đã có những dấu hiệu ổn định. Tuy nhiên, để hướng tới một hệ thống giải pháp điều hành mang tính căn cơ, dài hạn thì vẫn còn nhiều câu chuyện cần tiếp tục thực hiện…

Đằng sau con số 20%

Theo Chỉ thị 01/CT-NHNN, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD): xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2011 phù hợp với mục tiêu tốc độ tăng tín dụng dưới 20%; nâng cao chất lượng tín dụng, đồng thời giảm mạnh tỷ lệ dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất (không được vượt mức 22% tổng dư nợ tại thời điểm 30/6/2011 và tiếp tục giảm thêm 6%, tức tối đa là 16% tính đến thời điểm 31/12/2011). Đặc biệt, NHNN đưa ra chế tài xử phạt đối với TCTD không tuân thủ yêu cầu trên: TCTD nếu chưa thực hiện được tỷ trọng này theo lộ trình, NHNN áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc gấp hai lần so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc chung. Và đến ngày 30/6/2011, nếu tốc độ tăng tín dụng của hệ thống ngân hàng có thể vượt mục tiêu theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, NHNN áp dụng các biện pháp cần thiết để kiểm soát tín dụng.

Việc khống chế tăng trưởng tín dụng dưới 20% với tất cả các ngân hàng là vấn đề các NHTM cổ phần quy mô nhỏ lo ngại, bởi tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ở những ngân hàng này nếu có đạt 100% thì cũng chỉ bằng tỷ lệ nhỏ ở các ngân hàng lớn. Đơn cử như tại Agribank, năm 2010 dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 414.755 tỷ đồng, chỉ tăng 17,1% nhưng gấp tới 20 lần so với con số 20.417 tỷ đồng dư nợ cho vay nền kinh tế năm 2010 của SeABank. Với việc nguồn thu từ tín dụng đóng góp tỷ lệ áp đảo vào tổng lợi nhuận của các ngân hàng nhỏ và vừa, rõ ràng, các ngân hàng nhỏ sẽ khó "lớn" được trong năm nay.

Bên cạnh đó, Thông tư 02/2011/TT-NHNN quy định về mức lãi suất huy động vốn bằng VND nhằm "luật hóa" trần lãi suất huy động tối đa cộng cả khuyến mại của các TCTD ở mức 14%/năm. NHNN kỳ vọng quy định này sẽ giúp thị trường tiền tệ đi vào ổn định. Thế nhưng, chỉ được một thời gian ngắn, nhiều TCTD bắt đầu "lách" bằng cách đẩy các mức lãi suất kỳ hạn ngắn, thậm chí cực ngắn (kỳ hạn tuần) lên kịch trần 14%/năm, làm đường cong lãi suất bị biến dạng thành … "đường thẳng". Và với biểu lãi suất huy động như vậy, lẽ đương nhiên, khách hàng sẽ chỉ lựa chọn các kỳ hạn gửi cực ngắn. Thực trạng này chẳng những làm chi phí vốn bị đẩy lên khiến lãi suất đầu ra tăng cao mà chuyện còn lớn hơn khi cách hành xử của các TCTD còn làm cho cơ cấu nguồn vốn của mỗi ngân hàng thiếu sự ổn định, có thể gây ra rủi ro thanh khoản.

 

Chuyện dài… tỷ giá

Sau gần 7 tháng duy trì ở mức 18.932 đồng, ngày 11/2, NHNN đã tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 9,3%, lên mức 20.693 đồng/USD, đồng thời thu hẹp biên độ giao dịch từ ± 3% xuống ± 1%. Thông cáo báo chí của NHNN cho biết, sẽ điều hành tỷ giá bình quân liên ngân hàng tương đối linh hoạt trong thời gian tới.

Trên thực tế, chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt đã từng được NHNN thực thi. Năm 2007, cung ngoại tệ tăng mạnh chủ yếu do luồng vốn đầu tư nước ngoài tăng, NHNN đã điều hành tỷ giá đảm bảo theo nguyên tắc không để tăng giá hoặc mất giá quá mức VND... Cơ quan này đã mở rộng biên độ ấn định tỷ giá mua - bán đồng USD của các TCTD so với tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng từ ±0,25% lên ±0,5% và lên ±0,75%; nới rộng quy định về bán ngoại tệ cho các NHTM theo hướng bán cho các ngân hàng khi có trạng thái ngoại hối từ âm 5% trở xuống thay cho mức âm 10% như trước đó.

Ngày 5/4/2011, NHNN đã công bố tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng ở mức 20.713 đồng/USD. Như vậy, so với giá niêm yết ngày hôm trước, tỷ giá đã tăng thêm 10 đồng, tỷ giá trần áp dụng cho các NHTM ngày 5/4 là 20.920 đồng/USD. Theo đó, hầu hết ngân hàng đều niêm yết giá bán USD kịch trần, giá mua vào dao động từ 20.890 - 20.915 đồng/USD, ví dụ như Vietcombank: 20.915 - 20.920; Vietinbank: 20.915 - 20.920; BIDV: 20.915 - 20.920...

Đặc biệt, sau một thời gian án binh bất động, thị trường ngoại tệ tự do lớn nhất Hà Nội tại phố Hà Trung đã manh nha hoạt động trở lại. Giá USD giao dịch tại đây chênh không quá lớn so với giá niêm yết tại các NHTM. Sự hoạt động trở lại này cho thấy một chuyện khác đó là khả năng đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho các cá nhân của các ngân hàng vẫn là chuyện… dài kỳ. Thị trường tự do "sống được" là bởi khai thác được khả năng ‘sẵn sàng ngay lập tức’ với bất cứ nhu cầu mua - bán ngoại tệ của các cá nhân với giá chấp nhận được. 

Những thực tế trên cho thấy, căng thẳng trên thị trường ngoại hối vẫn đang thường trực. Việc NHNN ban hành Thông tư 07/2011/TT-NHNN hạn chế các đối tượng được vay USD và quy định các khách hàng phải đảm bảo có nguồn ngoại tệ trả nợ mới được vay, chỉ có tác dụng trước mắt. Bởi trên thực tế, có cầu là có cung, khi những người có nhu cầu phải tìm nguồn ngoại tệ trên thị trường tự do sẽ gián tiếp làm tăng sự lớn mạnh của thị trường này, làm doãng rộng chênh lệch giữa tỷ giá liên ngân hàng và tỷ giá tự do.

 

Cần tránh "nhờn" chính sách

Việc khống chế tăng trưởng tín dụng dưới 20% có thể làm giảm cung tiền thông qua kênh tín dụng, từ đó phần nào kiềm chế được lạm phát. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng lạm phát cao tại Việt Nam mấy tháng qua có tác động chi phối từ lạm phát nhập khẩu do các hàng hóa cơ bản như xăng dầu tăng giá và việc thực hiện lộ trình thị trường hóa các mặt hàng cơ bản trong nước như điện, than… Đồng thời, theo các chuyên gia kinh tế đó là sự phối hợp chưa " nhuần nhuyễn " giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Đây là những nguyên nhân cơ bản khiến tác động của chính sách tiền tệ trong mục tiêu kiềm chế lạm phát chưa đạt hiệu quả cao.

Về dài hạn, giới hạn tín dụng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Các ngân hàng sẽ "chọn mặt gửi vàng" đối với những khách hàng có lịch sử giao dịch tốt hay có  quan hệ với ngân hàng, còn những khách hàng mới và tài chính chưa vững sẽ rất khó tiếp cận vốn. Trong khi đó, hơn 90% DN Việt Nam là các DN nhỏ và vừa. Một lượng lớn trong số này thiếu vốn để hoạt động và khó có "lý lịch" tốt hay tài sản đảm bảo để gõ cửa ngân hàng trong thời điểm khan vốn hiện nay…

Ngoài ra, việc khống chế trần lãi suất huy động trên thực tế không thể phản ánh trung thực thị trường, khiến các ngân hàng phải "lách" để huy động vốn. Điều này dễ dẫn tới tình trạng "nhờn" chính sách, đồng thời khiến cho các hoạt động cạnh tranh bất bình thường, không minh bạch, làm thị trường càng méo mó hơn. Do vậy, quy định này cần được xem xét. Kể cả khi NHNN thực sự muốn quy định trần lãi suất thì cũng phải xem xét, điều chỉnh phù hợp với thực tế, tình hình lạm phát hiện nay.

Bên cạnh đó, mục đích của việc điều chỉnh tỷ giá là đưa tỷ giá liên ngân hàng tiệm cận với tỷ giá trên thị trường tự do. Tại thời điểm hiện tại, việc điều chỉnh tỷ giá đã có những tác dụng tích cực, nhưng giữa hai thị trường này vẫn còn khoảng cách. Khi tình trạng nhập siêu còn cao, chính sách hạn chế đối tượng cho vay ngoại tệ vẫn được duy trì thì thị trường ngoại tệ tự do vẫn có cơ phát triển. Theo các chuyên gia tài chính, trong ngắn hạn, biện pháp tích cực là NHNN nên nới lỏng biên độ dao động tỷ giá từ 1% lên 2% sẽ gần bằng giá thị trường, còn nếu lên 3% nghĩa là vượt giá thị trường tự do thì thị trường sẽ bình ổn hơn. Về dài hạn, vấn đề mấu chốt vẫn là xây dựng niềm tin vào đồng nội tệ và duy trì tốt các cân đối vĩ mô.