Các biện pháp hút tiền của NHNN đã khiến lượng tiền trong lưu thông giảm khá mạnh

Các biện pháp hút tiền của NHNN đã khiến lượng tiền trong lưu thông giảm khá mạnh

Chưa khống chế, tăng trưởng tín dụng đã giảm

(ĐtCK-online) Đó là nhận định của một số ngân hàng trên địa bàn TP. HCM. Theo các ngân hàng, nếu tình hình cung tiền đồng vẫn tiếp tục căng thẳng thì không cần khống chế, tăng trưởng tín dụng cũng sẽ giảm mạnh. Nguyên nhân, các ngân hàng thiếu vốn để cho vay, đồng thời cửa vốn đầu ra không còn mở rộng như trước. Trao đổi với ĐTCK về vấn đề này, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết, tình hình tháng 4 trở nên căng thẳng hơn so với tháng 3/2008.

Lãi suất qua đêm vẫn đứng mức cao trên dưới 20%/năm. Mặc dù  các ngân hàng rất dè dặt trong việc điều chỉnh lãi suất đầu vào - đầu ra, nhưng theo ông Bình, thị phần khách hàng của hai dịch vụ truyền thống này đang thu hẹp dần. Tuy từ chối đưa ra tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của DongA Bank trong 4 tháng đầu năm, nhưng ông thừa nhận sẽ khó khăn hơn so với cuối năm trước. Tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng cổ phần tính đến hết tháng 4/2008 giảm trên dưới 20% so với cuối tháng 3.

Theo số liệu thống kê sơ bộ, nếu kết thúc quý I/2008, dư nợ cho vay tăng xấp xỉ 12% (bình quân 4%/tháng) so với cuối năm 2007 thì sang tới tháng 4/2008, tăng trưởng tín dụng đã chậm lại khá nhiều, chỉ khoảng trên 1%. Cũng trong quý I/2008, tổng lượng vốn huy động của hệ thống ngân hàng trên cả nước tăng 5,48% so với cuối năm trước.

Riêng tại địa bàn TP. HCM, tính đến đầu tháng 4/2008, trong khi tổng vốn huy động của các ngân hàng đạt trên 528.000 tỷ đồng, tăng 54,8% so cùng kỳ và 8,5% so đầu năm thì dư nợ tín dụng đạt gần 478.000 tỷ đồng, tăng 79,7% so cùng kỳ và 17,6% so với đầu năm.

Những con số trên cho thấy, tốc độ tăng trưởng huy động vốn và dư nợ cho vay của các ngân hàng vẫn tiến triển so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, nếu đem so sánh với đầu năm và đặc biệt là cuối tháng 3/2008 thì tốc độ tăng trưởng của hai dịch vụ trên đều có dấu hiệu sụt giảm đáng kể. NHNN chi nhánh TP. HCM cho biết, trong hai tuần đầu tháng 4, tổng vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn giảm đến 9.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, 4 tháng đầu năm, tốc tăng trưởng trong huy động vốn của các ngân hàng luôn chậm hơn tốc độ dư nợ tín dụng.

Chính điều này đang làm các ngân hàng đau đầu với bài toán điều chỉnh cán cân cung - cầu vốn trong hoạt động. Dòng chảy của đồng tiền nhàn rỗi đang dần quay lại với thị trường vàng như cách đây khoảng 3 - 4 năm. Vốn đầu vào tăng chậm nên các ngân hàng không thể đẩy mạnh cho vay. Tăng trưởng tín dụng từ đó giảm dần và áp lực lợi nhuận đối với ngân hàng từ đó tăng cao. Tổng giám đốc một ngân hàng nhỏ có trụ sở tại TP. HCM cho biết, từ đầu năm 2008 tới nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng ông không tăng mà ngược lại, còn giảm trên dưới 30%.

Sở dĩ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng ông giảm lại chủ yếu do thiếu vốn để cho vay. Mặt khác, ông cho biết, nhiều lúc dư vốn khả dụng cũng không dám cho vay mà chủ yếu để phòng thủ. “Trong lúc bão tố đang ập đến trên thị trường tiền tệ, cách tốt nhất là cơ cấu lại nguồn vốn và dự phòng. Nếu đem hết số vốn huy động được để cho vay ra, đến khi có sự cố khó có thể xoay xở được”, vị tổng giám đốc trên nói và cho biết thêm, để đạt được mức tăng trưởng tín dụng 30% thì ít nhất huy động vốn của ngân hàng phải tăng trưởng trên 50%. Trong khi đó, tốc độ huy động vốn của nhiều ngân hàng đang trong xu hướng giảm dần.

Theo các chuyên gia ngân hàng, một trong những lý do dẫn tới lượng vốn huy động giảm là do các biện pháp hút tiền  của NHNN đã khiến lượng tiền trong lưu thông giảm khá mạnh. Theo tính toán của một số chuyên gia ngân hàng, tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán đã giảm xấp xỉ 1% so với cùng kỳ năm 2007.

Hiện các ngân hàng đều không dám mở rộng cửa đón khách hàng vay vốn. Ngược lại, còn tăng tốc thu hồi các khoản nợ trung và dài hạn đã cho vay để đảm bảo tính thanh khoản, sau đó mới tính đến việc kéo tăng trưởng tín dụng về ngưỡng 30% trước khi năm tài chính 2008 kết thúc. Mặt khác, theo đại diện của VietA Bank, chi phí đầu vào của ngân hàng được điều chỉnh theo lãi suất nên không thể giữ nguyên lãi suất đầu ra. Nhưng ngược lại, lãi suất cho vay tăng cao khiến người vay vốn e ngại đến ngân hàng. So với cuối năm trước, lãi suất cho vay hiện cao hơn đến 5 - 6 điểm phần trăm/năm, ở mức trên dưới 20%/năm. Các dịch vụ tín dụng như vay tiêu dùng, mua nhà, đất, ôtô… trả góp không thu hút khách hàng như trước. Riêng với doanh nghiệp, do lãi suất vay vốn tăng cao, nhiều công ty phải tính kỹ lại bài toán có nên mở rộng sản xuất - kinh doanh hay không?