Thời điểm này, cổ phiếu ưu đãi của các ngân hàng đã không còn là cơ hội đối với CBCNV

Thời điểm này, cổ phiếu ưu đãi của các ngân hàng đã không còn là cơ hội đối với CBCNV

Cổ phiếu ngân hàng: Ưu đãi cũng khó hấp dẫn

(ĐTCK-online) Với mức tăng gấp đôi, gấp ba vốn điều lệ trong năm nay, hầu hết ngân hàng đều dành một phần cổ phiếu để phát hành ưu đãi cho cán bộ công nhân viên (CBCNV), với mục đích giữ chân người tài. So với một một năm trước, lượng cổ phiếu ngân hàng phát hành với giá ưu đãi cho CBCNV năm nay có phần dồi dào hơn, điều kiện ràng buộc cũng được tiết giảm. Tuy nhiên, do sức hút của cổ phiếu ngân hàng đang giảm dần nên nhiều CBCNV không mấy mặn mà nếu phải bỏ tiền ra mua, cho dù giá bán tương đối ưu đãi.

Trong tổng số 458 triệu cổ phần phổ thông, mệnh giá 10.000 đồng (tương đương 4.580 tỷ đồng) của Eximbank phát hành tăng vốn từ 2.800 tỷ đồng lên 7.380 tỷ đồng trong năm nay, Ngân hàng sẽ dành 12 triệu cổ phiếu để bán cho CBCNV, với giá bán không thấp hơn mệnh giá. Theo Eximbank, việc phát hành cổ phiếu này là nhằm mục đích hình thành quỹ cổ phiếu để thực hiện chính sách thu hút và phát triển nguồn nhân lực, gọi tắt là “Quỹ cổ phiếu phát triển nguồn nhân lực”. Quỹ này được Eximbank sử dụng từ nay đến hết năm 2010 để bán cho CBCNV, người quản lý, điều hành và thực hiện chính sách thu hút nhân tài - những người đã, đang và sẽ đóng góp công sức vì sự phát triển của Eximbank.

Theo kế hoạch đã được ĐHCĐ thông qua, ACB dành 2,5 triệu cổ phần (trong tổng số 372,57 triệu cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng để tăng vốn từ 2.630 tỷ đồng hiện tại lên 6.355 tỷ đồng năm nay) thưởng cho CBCNV trong Ngân hàng. Dự kiến, khoảng 2.500 CBCNV của ACB (trong số 10.000 CBCNV dự kiến vào cuối năm 2010) được tham gia chương trình này, theo Quy chế cổ phiếu thưởng do Chủ tịch HĐQT ACB ban hành. Chương trình sẽ được kéo dài 3 năm. Cổ phiếu vào ngày phát hành sẽ được Công đoàn ACB đứng tên và phân phối cho các cán bộ đủ chuẩn vào năm thứ 3 mới được nhận cổ phiếu.

Trong kế hoạch phát hành cổ phần tăng vốn từ 4.449 tỷ đồng lên 6.048 tỷ đồng trong năm nay, Sacombank dành 3 triệu cổ phần (tương đương 30 tỷ đồng mệnh giá) để phát hành cho cán bộ chủ chốt của Ngân hàng, bao gồm: cán bộ trực thuộc các cơ quan quản trị, kiểm soát, điều hành với giá bán 15.000 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, những cán bộ được mua phải cam kết nắm giữ cổ phần ưu đãi và các quyền phát sinh trong vòng 3 năm kể từ ngày tăng vốn.

Với HDBank, trong kế hoạch dự kiến tăng vốn từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng năm 2008 cũng không quên dành quyền lợi ưu đãi cho CBCNV với hạn mức 5 triệu cổ phần (tương đương 50 tỷ đồng, tính trên mệnh giá 10.000 đồng). Giá cổ phiếu HDBank phát hành cho CBCNV Ngân hàng bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, đối tượng mua lại được hạn chế trong danh sách là các cơ quan quản trị, kiểm soát và điều hành. Đồng thời, các cán bộ được nắm giữ cổ phiếu ưu đãi của HDBank phải cam kết nắm giữ cổ phần và các quyền phát sinh trong vòng 6 tháng kể từ ngày Ngân hàng được chấp thuận tăng vốn điều lệ. Pacific Bank cũng dành 60.000 cổ phần (tương đương 3% trong kế hoạch tăng vốn từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng năm nay) cho CBCNV.... Có thể nói, mùa ĐHCĐ năm nay, hầu hết ngân hàng đều không quên dành một phần cổ phiếu trong kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ để bán ưu đãi hoặc thưởng không cho CBCNV.

Thế nhưng, so với một năm trước, hiện không phải CBCNV nào cũng hào hứng với việc mua cổ phiếu phát hành ưu đãi của ngân hàng, nếu giá bán chưa hợp lý. Cách đây 2 năm, khi giá cổ phiếu ngân hàng còn ở ngôi “vua” về tính hấp dẫn, nếu được mua thêm cổ phiếu ưu đãi với giá cao gấp 4 - 5 lần mệnh giá, nhiều CBCNV vẫn mong mỏi có cơ hội được sở hữu. Nhưng ở giai đoạn hiện nay, mặc dù giá bán chỉ cao gấp 1 - 1,5 lần mệnh giá cũng khó làm hài lòng những CBCNV có quyền mua. Vì thực tế, giá cổ phiếu của ngân hàng đã sụt giảm khá mạnh (tới 70 - 80% so với 2 năm trước), nên khi ngân hàng phát hành với giá ưu đãi nhưng không thấp hơn là bao khi so sánh với mức giá trên thị trường, sẽ không khuyến khích được CBCNV hào hứng tham gia. Chẳng hạn như Sacombank, giá cổ phiếu STB giao dịch trên sàn chứng khoán TP. HCM có thời điểm trong tháng 4/2008 chỉ đạt trên 30.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi ngân hàng này lại bán cho cán bộ cốt cán với giá 15.000 đồng và phải cam kết nắm giữ đến 3 năm… Chính vì vậy, trong thời điểm hiện nay, việc phát hành cổ phiếu ưu đãi để tăng vốn điều lệ không hẳn là cơ hội đối với các CBCNV mà có khi lại còn là thách thức đối với lãnh đạo nhiều ngân hàng.