Ông Mạc Quang Huy tại lễ vinh danh các CTCK đầu năm 2016 của HOSE -
Ảnh: Lê Toàn

Ông Mạc Quang Huy tại lễ vinh danh các CTCK đầu năm 2016 của HOSE - Ảnh: Lê Toàn

"Dị ứng” với tài khoản rác

(ĐTCK) Cạnh tranh thu hút nhà đầu tư đang là bài toán được đặt ra gay gắt với lãnh đạo các CTCK, nhưng với CEO CTCK Maritime (MSI) Mạc Quang Huy, để các tài khoản “sống”, hoạt động thường xuyên mới thực sự là điều quan trọng.

TTCK Việt sau hơn 15 năm hoạt động đã có trên 1,5 triệu tài khoản nhà đầu tư. Con số nghe thì lớn, nhưng theo Sở GDCK Hà Nội, thực tế số tài khoản hoạt động thường xuyên chỉ đạt trên dưới 7%, tức chỉ khoảng trên 100.000 tài khoản.

Trong câu chuyện với ĐTCK, ông Mạc Quang Huy, CEO MSI cho biết, các CTCK trong Top 10 thị phần môi giới thường có từ 50.000 đến 100.000 tài khoản nhà đầu tư, phần lớn trong đó là tài khoản cá nhân, nhưng tỷ lệ tài khoản có hoạt động thường xuyên nhìn chung vẫn đang ở mức thấp.

Trong khi ngành quản lý quỹ Việt Nam còn chưa phát triển và người dân còn chưa có thói quen mua chứng chỉ quỹ, ủy thác việc đầu tư cho các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp, thì đây là một tỷ lệ thấp so với quy mô dân số trên 90 triệu của Việt Nam.

Việc có quá nhiều tài khoản nhà đầu tư bất động, không có giao dịch, dưới góc nhìn của ông Huy, có một phần nguyên nhân là đã có thời kỳ, một số CTCK vì chạy theo mục tiêu số lượng tài khoản, mời chào mở đầu tư mở tài khoản ồ ạt, dẫn đến việc có không ít tài khoản “rác” trong hệ thống. Một nguyên nhân nữa quan trọng hơn là nhiều nhà đầu tư sau giai đoạn hồ hởi, hồn nhiên tham gia đầu tư trong giai đoạn thị trường hưng phấn, khi diễn biến thị trường không thuận lợi đã thua lỗ nặng và “một đi không trở lại”.

"Dị ứng” với tài khoản rác ảnh 1

Ông Mạc Quang Huy
 

“Tôi từng nhấn mạnh, đứng về góc độ vĩ mô, số lượng tài khoản không quan trọng bằng chỉ tiêu thanh khoản thị trường. Khi thị trường chứng khoán sôi động, thanh khoản sẽ tăng mạnh và tự nhiên số lượng tài khoản sẽ tăng lên. Hơn nữa, nếu chúng ta thay đổi dần được hành vi của các nhà đầu tư cá nhân, qua đó giảm tỷ trọng số tài khoản cá nhân, tăng số tài khoản quỹ đầu tư, chúng ta sẽ không cần quan tâm quá nhiều về số lượng tài khoản cá nhân. Đây mới là mục tiêu cuối cùng nhằm tăng tính bền vững và chuyên nghiệp của thị trường, nhưng sẽ là vấn đề khó, cần nhiều thời gian để thay đổi”, ông Mạc Quang Huy nói.

Theo CEO MSI, số lượng tài khoản của Công ty tăng lên rất nhanh, nhưng làm thế nào để duy trì các tài khoản active thường xuyên mới là điều quan trọng. Từ con số gần 2.000 tài khoản vào cuối năm 2012, số tài khoản nhà đầu tư tại MSI đã tăng lên 10.000 tài khoản vào cuối năm 2013, rồi 31.000 tài khoản vào cuối năm 2014 và trên 50.000 tài khoản vào cuối năm 2015. Với sự phát triển nhanh chóng này, MSI đã được HOSE vinh danh 2 năm liền (2014-2015) là CTCK có số lượng tài khoản tăng trưởng tốt nhất. MSI cũng lọp vào Top 10 thị phần môi giới HNX, UPCoM và môi giới trái phiếu HOSE.

Nhưng với CEO MSI, mục tiêu quan trọng nhất không phải là thu hút số lượng tài khoản, mà là để tài khoản đó thường xuyên có giao dịch.

Các tài khoản mở tại MSI hầu hết là những tài khoản khá mới, mở sau thời kỳ sau giai đoạn khủng hoảng trước đây nên việc vận động, giải thích các khách hàng tham gia một phần vốn vào thị trường chứng khoán để đa dạng hóa danh mục tài sản theo MSI gặp nhiều thuận lợi hơn.

Ông Huy nhận định, với diễn biến kinh tế vĩ mô đang rất thuận như hiện nay và thị trường chứng khoán đang dần lấy lại sức hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác, chúng tôi quan sát thấy một số nhà đầu tư cũ đang dần quay trở lại thị trường. MSI lạc quan vào sự tham gia tích cực hơn của các nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán trong giai đoạn 2016-2017.

“Song song với việc tăng trưởng số lượng tài khoản, chúng tôi cũng tăng cường mạnh số lượng broker chăm sóc chuyên biệt các khách hàng. Từ con số vài broker năm 2012, đến nay, MSI đã có 100 broker có kinh nghiệm thực hiện việc chăm sóc các tài khoản khách hàng cá nhân”, ông Huy nói.

MSI có lợi thế để phát triển, gia tăng số lượng tài khoản nhanh là do Công ty ký hợp tác với Ngân hàng Maritime cho phép Công ty khai thác tệp khách hàng gồm trên 1 triệu cá nhân đang có tài khoản giao dịch tại MSB. Với chương trình hợp tác bán chéo giữa CTCK và Ngân hàng, mặc dù là các pháp nhân độc lập, nhưng sử dụng đồng thương hiệu và cùng cam kết chất lượng dịch vụ, cùng với sự kết nối hệ thống liên thông làm gia tăng số lượng tài khoản với một mức chi phí hợp lý.

Với CEO này, sản phẩm và hệ thống, quy trình là yếu tố then chốt để xây dựng công ty dài hạn và đã quyết định đầu tư bài bản vào những yếu tố nền tảng này một cách thỏa đáng. Hơn nữa, là công ty đi sau, việc lựa chọn đúng công nghệ để có thể cạnh tranh với các công ty đã có vị thế trên thị trường là một vấn đề then chốt.

“Chúng tôi quuyết định đi theo hướng công nghệ và đẩy mạnh giao dịch online mà không mở các chi nhánh. Điều này đã đúng và cho phép chúng tôi tiết kiệm rất nhiều chi phí vận hành hệ thống, chi phí nhân lực, giảm thiểu rủi ro hoạt động”, ông Huy cho biết.

Ngoài việc đầu tư cho công nghệ, con người và nguồn vốn để không ngừng tăng cường sản phẩm mới và chất lượng dịch vụ, vị CEO này cũng yêu cầu tận dụng tối đa các kênh tiếp cận tới các khách hàng một cách thường xuyên và đại trà, cũng như các kênh chuyên biệt, có cơ chế khuyến khích thu nhập thỏa đáng cho broker nhằm tạo một sức mạnh tổng lực trong việc đánh thức tiềm năng các tài khoản. Tất nhiên, yếu tố đạo đức nghề nghiệp luôn được Công ty coi trọng và làm thế nào để yêu cầu các broker tư vấn khách hàng phải cân nhắc kỹ hoàn cảnh cụ thể, mức độ kinh nghiệm, mức độ chịu đựng rủi ro, cũng như kỳ vọng mục tiêu tài chính của từng khách hàng.

Hoạt động của khối CTCK có thể không quá phụ thuộc vào diễn biến của các chỉ số mà phụ thuộc nhiều hơn vào quy mô thanh khoản thị trường. Dĩ nhiên, khi thị trường tốt, chỉ số tăng thì thanh khoản cũng có sự biến động tương quan. Chính vì vậy, việc dự báo thanh khoản sẽ giúp các CTCK chuẩn bị các nguồn lực cần thiết như hạ tầng công nghệ, nhân sự, nguồn vốn cấp margin cho các khách hàng. Từ những chỉ số cơ bản này, các CTCK cũng sẽ lên được các chỉ tiêu kinh doanh khác và dự phóng doanh thu, chi phí, lợi nhuận dự kiến.

Theo quan điểm cá nhân, ông Huy nhận định, giai đoạn 2016-2017 sẽ là khoảng thời gian rất thuận lợi cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Bên cạnh những yếu tố bất ổn bên ngoài như giá dầu thô, tình hình bất ổn của kinh tế Trung Quốc, ông Huy cho rằng, nhiều yếu tố tích cực đang hội tụ dần để thị trường chứng khoán Việt Nam có được sự bứt phá sau nhiều năm biến động theo biên độ hẹp.

“Tôi cũng tin tưởng thế thệ lãnh đạo mới của đất nước sau thành công của Đại hội Đảng 12, với nhiều gương mặt lãnh đạo trẻ, hành động quyết liệt sẽ tiếp tục đưa Việt Nam tiến sâu vào con đường hội nhập và cải cách kinh tế, hành chính, tạo ra những biến chuyển tích cực cho nền kinh tế nói chung, cũng như làn sóng thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài trong những năm tới”, ông Huy chia sẻ.        

Tin bài liên quan