Người gửi tiền chỉ trao vốn cho ngân hàng khi lãi suất thực dương

Người gửi tiền chỉ trao vốn cho ngân hàng khi lãi suất thực dương

Giải bài toán lãi suất: Không thể chỉ bằng chính sách tiền tệ

(ĐTCK-online) Mấy năm gần đây, lượng cung tiền ra thị trường đều tăng ở mức khá cao (25%/năm) cho thấy nền kinh tế không thiếu thanh khoản. Thế nhưng, mặt bằng lãi suất thường xuyên đứng ở mức cao. Nguyên nhân được cho là do những bất cập của nền kinh tế cũng như những yếu kém nội tại của hệ thống ngân hàng.

Lạm phát cao đẩy lãi suất

Lý giải vấn đề này, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương cho rằng, lạm phát cao thì lãi suất sẽ bị đẩy lên. Đồng quan điểm đó, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lạm phát cao khiến lãi suất phải cao để đảm bảo lãi suất thực dương mới có thể hấp dẫn người gửi tiền. Không những thế, lạm phát cao còn khiến lượng tiền gửi bị sụt giảm mạnh do thu nhập thực tế của người dân suy giảm. Giá đầu vào tăng buộc phải giảm sản lượng và luân chuyển hàng hoá cũng kém nên tiền gửi trong tài khoản ngân hàng của DN cũng kém đi. Thế nhưng, điều nguy hiểm hơn, theo ông Nghĩa, lạm phát cao kéo dài khiến người dân giảm lòng tin vào đồng nội tệ và họ đã tìm đến vàng, ngoại tệ để tích trữ.

Theo số liệu của Hội đồng Vàng thế giới, lượng vàng cất trữ trong dân tại Việt Nam có thể lên tới 1.000 tấn. Đó là chưa kể một lượng lớn ngoại tệ, ước tính cũng lên tới cả chục tỷ USD trôi nổi trong dân. "Nếu không có những giải pháp quyết liệt để hạn chế tình trạng này thì sẽ rất khó để cân đối nguồn vốn cho nền kinh tế", tổng giám đốc một ngân hàng TMCP than thở.

Bên cạnh đó, mấy năm qua, lượng trái phiếu chính phủ phát hành rất lớn cũng hút một lượng vốn không nhỏ của hệ thống ngân hàng. Thực trạng này làm cho nguồn vốn phân bổ không đều, nơi thừa, nơi thiếu, đẩy lãi suất tăng cao. Đầu tư công thiếu hiệu quả nên đồng thời cũng tạo sức ép lớn đến lạm phát, đẩy lãi suất tăng mạnh.

 

Trục trặc hệ thống

Một lý do khác, theo ông Thành, những yếu kém nội tại của hệ thống ngân hàng đã đẩy lãi suất lên cao quá mức thực tế. Còn theo ông Nghĩa, chính sự cạnh tranh khốc liệt, không lành mạnh giữa các ngân hàng là nguyên nhân đẩy lãi suất tăng mạnh. "Về lý thuyết, cạnh tranh sẽ làm cho lãi suất giảm, nhưng đó là cạnh tranh cho vay. Còn ở đây là cạnh tranh huy động, nên đẩy lãi suất tiền gửi tăng lên và lãi suất cho vay tăng là điều không tránh khỏi", ông Nghĩa nói.

Cạnh tranh khốc liệt và thiếu lành mạnh giữa các ngân hàng cũng xuất phát từ việc hệ thống ngân hàng tăng trưởng quá nhanh cả về số lượng ngân hàng lẫn hệ thống mạng lưới. Không những vậy, quy định các ngân hàng phải đạt mức vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng trong thời gian 4 năm (từ năm 2006 đến 2010) cũng tạo một sức ép lớn đến các ngân hàng nhỏ trong việc tăng trưởng lợi nhuận. Trong khi lợi nhuận của đa phần ngân hàng Việt Nam , đặc biệt là các ngân hàng nhỏ đều trông vào tín dụng, nên việc cạnh tranh khốc liệt để huy động vốn cũng là điều dễ hiểu.

Trong cuộc chơi này, các ngân hàng nhỏ chịu nhiều bất lợi do yếu về thương hiệu, uy tín, thiếu về mạng lưới nên tất yếu phải cạnh tranh bằng lãi suất. Đó cũng là nguyên nhân khiến đường cong lãi suất bị biến dạng cũng như làm nảy sinh tình trạng mặc cả lãi suất, thỏa thuận lãi suất. Và hệ quả là cơ cấu nguồn vốn tại các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, không ổn định.

Một nguyên nhân nữa khiến mặt bằng lãi suất càng bị đẩy cao, theo các chuyên gia kinh tế, là do quy định bất hợp lý của Thông tư 13 và Thông tư 19 của NHNN quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng  khi yêu cầu các NHTM chỉ được cho vay tối đa 80% từ nguồn vốn huy động, khiến chi phí vốn bị đẩy cao và các ngân hàng nhỏ lại càng thiếu vốn.

Ngay cả cơ chế thị trường mở cũng chỉ tạo thêm vị thế cho các ngân hàng lớn vốn nắm giữ nhiều giấy tờ có giá kiếm sống trên lưng các ngân hàng nhỏ. Thực trạng này buộc các ngân hàng nhỏ phải sử dụng mọi cách, kể cả lách luật, phạm luật để sinh tồn. Đó chính là lý do khiến các ngân hàng nhỏ thường xuyên là "kẻ châm ngòi" cho các cuộc đua lãi suất gây bất ổn cho thị trường tiền tệ. Rõ ràng, để giải quyết bài toán lãi suất không thể chỉ bằng một giải pháp. Về vĩ mô, cần kiểm soát lạm phát, giảm nhập siêu, ổn định tỷ giá để gia tăng lòng tin vào đồng nội tệ. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt thị trường vàng, ngoại tệ tự do. Đồng thời, siết chặt hiệu quả đầu tư công, để giảm thâm hụt ngân sách và tránh việc hút vốn từ các khu vực khác.

Về phía hệ thống ngân hàng, câu hỏi đặt ra là cần cân nhắc có nên buộc các ngân hàng nhỏ phải tăng đủ vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng hay chỉ cần đưa ra quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là đủ? Tất nhiên, ngân hàng nào có vốn điều lệ thấp sẽ chỉ được tăng trưởng tổng tài sản ở chừng mực nào đó. Đặc biệt, cần sửa đổi những quy định bất hợp lý trong Thông tư 13 và Thông tư 19. Chỉ khi những vấn đề vĩ mô cũng như những bất ổn nội tại của hệ thống ngân hàng được giải quyết thì mục tiêu giảm dần lãi suất mới có thể bền vững.