Hạ lãi suất: không phải giải pháp cho mọi vấn đề

Hạ lãi suất: không phải giải pháp cho mọi vấn đề

(ĐTCK) Các điều kiện kinh tế có vẻ như đang hỗ trợ cho quyết tâm hạ lãi suất cứu DN của Chính phủ. Tuy nhiên, hạ lãi suất huy động được nhìn nhận không phải là thuốc đặc trị, giúp DN vượt qua những khó khăn hiện nay.

Hạ lãi suất: không phải giải pháp cho mọi vấn đề ảnh 1Trần lãi suất huy động đã hạ 5% so với đầu năm, nhưng lãi suất cho vay chưa giảm đáng kể

 

Lãi suất đã hạ, nhưng khó tiếp cận

Tại Diễn đàn DN Việt Nam (VBF), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, nhiều DN, hiệp hội vẫn phản ánh với VCCI về việc họ khó tiếp cận được nguồn vốn với mức lãi suất mà Chính phủ chỉ đạo.

Trên thực tế, mức lãi vay trên 15%/năm, thậm chí có những lúc trên 20%/năm trong một thời gian dài đã chồng chất thêm khó khăn lên vai DN trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng. Kể từ thời điểm cuối tháng 3/2010, sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 07/2010/TT-NHNN ngày 26/2/2010 về áp dụng lãi suất thỏa thuận cho các khoản tín dụng trung và dài hạn, lãi suất cho vay đã dao động ở mức 16 - 20%/năm. Lãi vay cao, chi phí tài chính tăng kéo theo lợi nhuận của DN suy giảm, làm cản trở quá trình phục hồi của DN.

“Chỉ tính đến thời điểm kết thúc quý I/2012, chi phí tài chính của DN đã tăng gần 25% so với cuối năm trước. Điều này đã làm cho tỷ lệ chi phí tài chính/giá thành sản phẩm tăng lên mức 7%, so với mức 4,72% và 5,56% của năm 2010 và 2011”, một lãnh đạo cao cấp của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định. Mặc dù trần lãi suất huy động đã hạ 5%/năm so với thời điểm đầu năm, nhưng lãi suất cho vay với những DN ngoài nhóm 4 đối tượng ưu tiên vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

Báo cáo về tình hình kinh tế tháng 11 và 11 tháng năm 2012 vừa được Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia công bố cho biết, có đến 46.500 DN phải giải thể và tạm ngừng hoạt động tính đến tháng 11, tăng mạnh so với con số trong 9 tháng đầu năm là 40.200 DN. Đáng nói là sự gia tăng về lượng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

 

Còn room hạ lãi suất?

Phát biểu tại VBF, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, tới đây, Chính phủ sẽ xem xét khả năng giảm trần lãi suất huy động theo xu hướng giảm lạm phát.

Báo cáo về kinh tế vĩ mô - Triển vọng thị trường Việt Nam số tháng 12/2012 do Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC thực hiện cho biết, lạm phát toàn phần trong tháng 11 tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tháng 10 ở mức 7%, lạm phát cơ bản tháng 11 có điều chỉnh yếu tố mùa vụ đã giảm còn 1,5% so với  mức 3,2% trong tháng 10.

Chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và lạm phát gần như không còn, nhưng nguy cơ tiền gửi được rút khỏi hệ thống ngân hàng để chuyển sang các kênh đầu tư khác là rất thấp. Bởi lẽ các kênh đầu tư như vàng, bất động sản, chứng khoán đang gặp nhiều khó khăn, rủi ro lớn. Thực tế, trần lãi suất huy động hiện đã giảm 5%/năm so với hồi đầu năm, nhưng tổng số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng vẫn tăng đều mỗi tháng và hiện có mức tăng khoảng 15% so với đầu năm. Điều này cho thấy việc gửi tiền tại ngân hàng đang là sự lựa chọn ưu tiên của người dân so với các kênh đầu tư khác và cũng cho thấy lòng tin của thị trường vào đồng Việt Nam đang tăng lên đáng kể.

Bên cạnh đó, lãi suất trái phiếu Chính phủ đang có xu hướng giảm trong những tháng cuối năm. Đặc biệt, dự trữ ngoại hối hiện nay khá dồi dào, mục tiêu khoảng 8-9 tỷ USD trong năm 2012, nhưng theo dự báo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nguồn kiều hối năm 2012 có thể đạt khoảng 10 -11 tỷ USD. Bên cạnh đó, 11 tháng năm 2012, vốn giải ngân FDI thực tế đạt 10 tỷ USD, dự báo cả năm 2012 có thể đạt 11 tỷ USD. Hơn nữa, tình trạng đô-la hóa đã giảm đáng kể do tỷ giá được duy trì ổn định trong một thời gian khá dài, việc nắm giữ ngoại tệ không còn là công cụ kiếm lời ưu tiên của khối dân cư, do đó, việc hạ lãi suất tiền đồng sẽ không có tác động đến sự chuyển dịch tài sản sang USD.

 

Hạ lãi suất huy động, không phải “thuốc trị bách bệnh”

Ông Sumit Dutta, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) cho rằng, mức lãi suất hiện nay đã thấp, nếu mức lãi suất này tiếp tục được duy trì trong năm 2013 là điều rất tốt. Vấn đề là các DN hiện không muốn vay vốn mà có tâm lý chờ đợi khi nhu cầu nội địa quay trở lại, hàng tồn kho được giải quyết thì họ mới vay vốn trở lại.

Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB chia sẻ, kể từ khi Chính phủ đưa ra gói kích cầu 29.000 tỷ đồng vào tháng 4/2012 đến nay, lãi suất vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể. VIB đã có những chính sách hỗ trợ lãi suất, với mức lãi suất 9 - 9,5%/năm áp dụng trong vòng 1 - 3 tháng đầu tiên, nhưng tăng trưởng tín dụng của VIB tăng không đáng kể. Vấn đề là hàng tồn kho của các DN vẫn lớn nên dòng tiền bị thắt lại. Do vậy, dù Chính phủ đã quyết tâm trong việc đưa lãi suất xuống, nhưng vẫn chưa giải cứu được DN.

“Chỉ có DN kinh doanh ổn định là được lợi, nhưng tỷ trọng này rất thấp. Cần nhanh chóng giải quyết hàng tồn kho để lưu thông hàng hóa, tháo gỡ khó khăn trong nền kinh tế”, ông Trung nói.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó tổng giám đốc OceanBank phân tích, hàng tồn kho cao khiến các DN không có khả năng quay vòng vốn, cải thiện lợi nhuận dẫn đến khả năng trả nợ cho ngân hàng bị ảnh hưởng. Lo ngại nợ xấu khiến các ngân hàng càng siết chặt điều kiện cho vay, do đó, DN càng khó tiếp cận nguồn vốn.

Theo ông Hoàn, những giải pháp kích thích tiêu dùng cần tiếp tục được triển khai như giảm thuế giá trị gia tăng nhằm hạ cơ cấu giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh, giảm giá bán, tăng lượng tiêu thụ để tiếp sức cho DN, giảm thuế thu nhập cá nhân để kích cầu tiêu dùng cho người dân…

“Bản thân DN phải tự tìm lối đi riêng để trụ vững trên thị trường, khẳng định thương hiệu. DN cần tái cơ cấu hoạt động, cân đối nguồn vốn, lao động, thị trường, công nghệ, đẩy mạnh liên doanh, liên kết, thực hiện cạnh tranh lành mạnh, minh bạch thông tin, mặt khác nghiên cứu đánh giá thị trường, tiết giảm tối đa chi phí, tìm cách tạo việc làm mới cho người lao động…” ông Hoàn nhấn mạnh.