Nhiều doanh nghiệp đang dần phục hồi và vươn lên

Nhiều doanh nghiệp đang dần phục hồi và vươn lên

Hơn 15.000 doanh nghiệp "chết lâm sàng" đang dần hoạt động trở lại

(ĐTCK) “Đã có những tín hiệu khả quan cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2015”, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh tại Hội thảo Kịch bản kinh tế Việt Nam, tổ chức ngày hôm qua (22/1) tại TP. HCM.

Những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang phục hồi, theo TS. Trần Du Lịch, đó là hơn 15.000 doanh nghiệp tự ngưng hoạt động trong những năm qua đang dần hoạt động trở lại, một số doanh nghiệp thuộc nhóm “ốm yếu” đang dần phục hồi và vươn lên để gia nhập nhóm những doanh nghiệp khỏe mạnh. Về vĩ mô, Việt Nam đã đẩy lùi được “bóng ma” lạm phát, nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô được cải thiện.

“Theo tôi, đang có 3 nhân tố thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, đó là: sự ổn định kinh tế vĩ mô, hệ thống pháp luật đang được sửa đổi thông thoáng hơn và Chính phủ quyết tâm xây dựng một nền hành chính phục vụ. Đây là 3 nhân tố doanh nghiệp trông chờ hơn cả ưu đãi thuế và ưu đã lãi suất”, ông Lịch nói và chia sẻ, ông không khuyên doanh nghiệp nên chuẩn bị gì để hội nhập, vì ông biết những doanh nghiệp hoạt động tốt đều đã có chiến lược của riêng mình, giờ họ chỉ trông chờ quyết tâm cải cách của Chính phủ.

Ông Lịch tin tưởng, quyết tâm cải cách của Chính phủ có thể giúp tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2015 không dừng ở mức 6,2% như dự kiến, mà có khả năng tăng khoảng 6,5%.

“Có ý kiến cho rằng, tôi hơi lạc quan, nhưng tôi có cơ sở để hy vọng như vậy”, ông Lịch nói.

Tại hội thảo, có những nhận định tương đồng với TS. Lịch. Ông Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, kinh tế Việt Nam đang có hai dấu hiệu phục hồi rõ nét. Đó là chỉ số xuất khẩu của các doanh nghiệp nội địa tăng gần 10% so với mức tăng 2 - 3% vài năm trước và chỉ số chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã tăng trên 50 điểm trong thời gian qua. Đây cũng chính là cơ sở để Chính phủ đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP trên 6% cho năm 2015. Mục tiêu tăng trưởng này nhận được sự đồng thuận của các chuyên gia kinh tế cũng như các nhà khoa học, tuy nhiên, ông Thành lưu ý các doanh nghiệp, vấn đề tỷ giá và lãi suất sẽ còn có những biến động.

Liên quan đến lãi suất, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia dự báo, cuối năm 2015 có thể hình thành một mặt bằng lãi suất mới. Dù lãi suất không tăng lên nhiều, nhưng doanh nghiệp cũng phải để ý vấn đề này để có hướng kinh doanh phù hợp.

TS. Nghĩa cho rằng, nếu lạm phát tăng hơn 5% thì lãi suất tăng cao là rất có thể. Ngoài ra, nợ xấu vẫn là vấn đề đáng lo ngại.

“Tỷ lệ nợ xấu đã giảm xuống còn 3,8% sau khi áp dụng hàng loạt biện pháp tái cấu trúc nợ. Tuy nhiên, năm 2015, áp lực xử lý nợ xấu vẫn còn lớn. Đây là rủi ro kinh tế lớn của Việt Nam”, ông Nghĩa nói và cho rằng, tiến độ xử lý nợ xấu nhanh hay chậm cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế. Hiện quá trình xử lý vấn đề này đang gặp vướng mắc về mặt văn bản pháp lý khi “đụng chạm” tới 5 bộ luật, 11 nghị định…

TS. Lê Xuân Nghĩa cảnh báo, cùng với nguy cơ “bong bóng” bất động sản có thể quay trở lại thì rủi ro lớn nhất của Việt Nam trong thời gian tới chính là vấn đề buôn lậu và gian lận thương mại. Đây là vấn đề ở tầm quốc gia, nhưng chế tài quản lý vấn đề này còn rất yếu.

“Năm 2015, chúng ta đã nhìn thấy có những dấu hiệu kinh tế phục hồi, nhưng tôi cho rằng, sự phục hồi này vẫn dựa trên nền tảng cũ là nhờ lao động rẻ và bán tài nguyên. Đà tăng trưởng này dần dần sẽ hết nếu chúng ta không phát triển công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ. Chính vì thế, chúng ta phải quyết tâm cải cách thể chế, bởi cải cách thể chế là tiền đề của tất cả”, ông Nghĩa nhấn mạnh.        

Tin bài liên quan