Muốn mở rộng mạng lưới, quy mô hoạt động, áp lực tăng vốn điều lệ của các ngân hàng là không nhỏ.

Muốn mở rộng mạng lưới, quy mô hoạt động, áp lực tăng vốn điều lệ của các ngân hàng là không nhỏ.

Khắt khe việc mở chi nhánh ngân hàng mới

(ĐTCK-online) Kể từ ngày 14/5, các ngân hàng khi có nhu cầu mở chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện phải tuân thủ Quyết định số 13/2008/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành Quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại với những điều kiện khắt khe hơn trước.

Cụ thể, sau 1 năm kể từ ngày khai trương hoạt động, ngân hàng thương mại được mở sở giao dịch, chi nhánh nếu đáp ứng các điều kiện chính như: hoạt động kinh doanh có lãi trong năm trước liền kề năm đề nghị mở sở giao dịch, chi nhánh; đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng; phân loại nợ, trích lập đủ dự phòng rủi ro theo quy định; tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ dưới 3% tại thời điểm đề nghị mở sở giao dịch, chi nhánh…

Ngân hàng được mở chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài khi đáp ứng các điều kiện: có thời gian hoạt động tối thiểu là 5 năm; hoạt động kinh doanh có lãi 3 năm liền kề năm đề nghị mở chi nhánh, văn phòng đại diện; không bị thanh tra Ngân hàng Nhà nước xử phạt hành chính tổng cộng từ 30 triệu đồng trở lên trong thời hạn 1 năm tính đến thời điểm đề nghị mở chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài; cơ quan thanh tra, giám sát của nước sở tại nơi mở chi nhánh, văn phòng đại diện có thoả tuận hợp tác thanh tra, giám sát với cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng Việt Nam.

Đáng chú ý, tổng số chi nhánh ngân hàng thương mại đã mở và đề nghị mở phải đảm bảo vốn điều lệ của ngân hàng đáp ứng trên mức 100 tỷ đồng/chi nhánh nếu chi nhánh được mở tại TP. HCM và Hà Nội (trước đây là 20 tỷ đồng/chi nhánh); trên mức 50 tỷ đồng/chi nhánh nếu chi nhánh được mở tại các đơn vị hành chính khác (trước đây là 10 tỷ đồng/chi nhánh).

Nhìn chung, so với Quyết định 888/2005/QĐ-NHNN và Quyết định 1090/2003/QĐ-NHNN trước đây, Quyết định 13/2008/QĐ-NHNN quy định cụ thể và rõ ràng hơn về quy trình, thủ tục, điều kiện đối với mạng lưới hoạt động của các ngân hàng. Đồng thời, quyết định này cũng xử lý một số bất cập của các văn bản trước, đối xử bình đẳng giữa ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh và ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Qua đó, các ngân hàng có thể phát triển mạng lưới hoạt động an toàn, hiệu quả và đảm bảo cạnh tranh bình đẳng.

Thế nhưng, bên cạnh những thuận lợi lại có những khó khăn nhất định cho các ngân hàng, do vốn tối thiểu để mở chi nhánh, phòng giao dịch được nâng cao. Do đó, muốn mở rộng mạng lưới, quy mô hoạt động, áp lực tăng vốn điều lệ của các ngân hàng là không nhỏ. Đại diện Eximbank cho biết, kế hoạch đến cuối năm 2008, Eximbank sẽ có từ 110 - 120 chi nhánh và phòng giao dịch tại 20 tỉnh, thành trên cả nước. Chính vì vậy, Eximbank đã xây dựng kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 2.800 tỷ đồng lên 7.380 tỷ đồng trong năm nay.

Với Sacombank, chiến lược mở rộng mạng lưới hoạt động đã được xác lập trong định hướng phát triển ngân hàng đến năm 2010, nhằm mở rộng thị trường, phát triển thị phần và nâng cao năng lực cạnh tranh. Dự kiến, trong năm nay Sacombank sẽ có thêm 6 chi nhánh (tại Hà Nội 2 chi nhánh; miền Bắc 2 chi nhánh, TP. HCM 2 chi nhánh). Ngoài ra, Sacombank còn xây dựng kế hoạch thành lập chi nhánh tại Lào, Campuchia.

ACB cũng có tham vọng lớn trong việc mở rộng mạng lưới hoạt động, với kế hoạch khai trương thêm 93 chi nhánh và phòng giao dịch để kết thúc năm tài chính 2008, toàn hệ thống ACB sẽ có 204 đơn vị giao dịch. Thế nhưng, với những điều kiện quy định tại Quyết định 13 có phần khắt khe hơn trước, các ngân hàng gặp phải khó khăn và tỏ ra e ngại.

Đặc biệt là trong bối cảnh hoạt động của ngành tài chính đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách tiền tệ thắt chặt, kiềm chế lạm phát của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng cho biết, mở chi nhánh, phòng giao dịch trong giai đoạn hiện nay chưa hẳn đã đem lại hiệu quả, ngược lại có thể thua lỗ. Hiện hoạt động huy động và cho vay đang gặp khó khăn, nguồn vốn huy động ngày một cạn kiệt, ngân hàng không thể đẩy mạnh cho vay. Trong khi đó, chi phí thuê mặt bằng, nhân công… luôn trên đà tăng, khó giảm.