Khởi tố một đối tượng lừa đảo cổ phiếu gần trăm tỷ đồng

Theo một số nguồn tin, Cơ quan an ninh điều tra - Công an Hà Nội vừa khởi tố đối tượng Nguyễn Quang Thái về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hơn là ẩn hoạ phía sau vụ án này.

Về vụ án này, ngày 29/12/2008, báo Lao Động đã có bài "Có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản giữa các nhóm?" liên quan đến việc mua - bán CP của một số nhà đầu tư (NĐT) với một CTCK.

 

Sự việc bắt đầu từ một bài báo được đăng trên trang web của VTC News ngày 26/12/2008 với tiêu đề "CTCK bị tố cáo xài tài khoản của khách". Nội dung là lời kể của bà Thu Thủy tố cáo CTCK Apec tự động tiến hành giao dịch trên tài khoản của mình trị giá hàng chục tỷ đồng.

 

Cũng ngay trong ngày, CTCK Apec gửi công văn đến một số cơ quan báo chí khẳng định điều ngược lại: "Tài khoản (TK) của chị Thủy có liên quan đến nhóm TK do ông Nguyễn Quang Thái quản lý & nhóm TK này (kể cả ông Thái) đang có dấu hiệu hành vi bội tín, chiếm đoạt tài sản, lừa đảo đối với CTCK Apec và một số CTCK khác trên thị trường".

 

Theo đó, nhóm khách hàng này đã lừa đảo Cty Apec lên tới 50 tỷ đồng, nên Cty Apec đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng. Về phần mình, bà Thủy cũng có đơn tố cáo gửi đến cơ quan chức năng về việc bị Cty Apec phong tỏa TK vì Cty này cho rằng chị Thủy có liên quan đến Nguyễn Quang Thái.

 

Trao đổi với chúng tôi chiều 10/4, ông Phạm Duy Hưng - Giám đốc nhân sự CTCK Apec- cho biết: Bà Thủy có họ hàng với Thái, và chính Thái đã nhiều lần sử dụng TK của bà Thủy để đặt lệnh mua, bán CP.

 

Được biết, Nguyễn Quang Thái (sinh năm 1979, trú tại khu B, tập thể Đại học Mỏ - Địa chất, Hà Nội) đã mở một số TK riêng của mình ở những CTCK khác nhau và nhận ủy quyền toàn phần vô thời hạn của nhiều TK ở một số  CTCK của nhiều người. Dù tuổi còn trẻ, nhưng mỗi lần giao dịch mua, bán CP trị giá đều hàng chục tỷ đồng, chính vì vậy, Thái trở thành khách VIP của một số CTCK, được hưởng một số ưu đãi đặc biệt. Đây cũng bước khởi đầu để Thái dễ dàng lừa đảo một số CTCK.

 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nhờ quản lý một lúc nhiều TK, nên Thái vẫn có thể đặt lệnh mua, bán đồng thời cùng một loại cổ phiếu mà không lo lỗ vốn, duy chỉ mất chút tiền phí giao dịch.  Sau một số lần như vậy, Thái đã khẳng định với các CTCK về  "tiềm năng" của mình. Vì vậy, sau này dù trong TK không có tiền, Thái vẫn có thể dễ dàng đặt lệnh mua CP với số lượng lớn, thậm chí dù đang nợ nhưng Thái vẫn có thể tiếp tục đặt lệnh mua tiếp...

 

Hành vi của Thái có thể cho ta thấy một số vấn đề nổi cộm: Thứ nhất, vì  đồng thời vừa đặt lệnh mua và đặt lệnh bán một loại CP nên Thái có thể thao túng giá CP đó sao cho có lợi nhất cho mình.

 

Về vấn đề này, ông Phạm Duy Hưng - Giám đốc nhân sự CTCK Apec- cho biết: Chính vì hành vi này, Thái đã từng bị UBCKNN phạt hành chính. Điều đó cho thấy, các CTCK  biết hành vi này của Thái có thể thao túng giá CP, ảnh hưởng quyền lợi của những NĐT khác, nhưng tại sao họ vẫn để cho Thái mua, bán CP như vậy?

 

Thứ hai, khi chúng tôi tìm hiểu mới vỡ lở ra rằng, có người trong số những người được coi là ủy quyền cho Thái  không hề biết rằng mình đang có TK ở CTCK. Điều đó cho thấy, việc mở TK và ủy nhiệm ở một số CTCK có những vấn đề chưa ổn.

 

Thứ ba là, tại sao Thái có thể mở một lúc vài TK ở những CTCK khác nhau, phải chăng không có đơn vị nào kiểm soát được nội dung này? Và chúng tôi biết, việc một số NĐT mở vài TK không phải là ít. Mà nếu còn như vậy, những NĐT này hoặc một nhóm NĐT liên kết với nhau để thao túng thị trường là điều khó tránh khỏi và khó kiểm soát.

 

Cuối cùng, điều đáng quan ngại là, nếu một số CTCK không bị Thái lừa đảo lên tới cả trăm tỷ đồng thì việc thao túng giá một vài CP vẫn bị chìm vào im lặng. Vấn đề đặt ra là, liệu có còn những NĐT có khả năng thao túng TTCK như Thái?