Lãi suất ngân hàng cao khiến doanh nghiệp thêm khó khăn

Lãi suất ngân hàng cao khiến doanh nghiệp thêm khó khăn

Không có lý do gì để không hạ lãi suất

Vấn đề cốt lõi của lãi suất hiện nay là tình trạng lộn xộn trên thị trường liên ngân hàng, do đó, cần có biện pháp ổn định thị trường này để kéo giảm mặt bằng lãi suất.

 

Theo thông lệ quốc tế, lãi suất cho vay thường chỉ cao hơn lãi suất huy động vốn từ 2% - 2,5% là ngân hàng đã có lời. Thế nhưng, tại Việt Nam, các ngân hàng đồng loạt huy động vốn với lãi suất 14%/năm từ nhiều tháng nay, nhưng lãi suất cho vay phổ biến vẫn ở mức 20%/năm trở lên, cao hơn lãi suất đầu vào 6%. Đây chính là một nghịch lý của thị trường lãi suất.

 

Theo ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Mở TP. HCM, tại thời điểm này, giá vốn của ngân hàng không còn cao nên không có lý do gì để các ngân hàng không giảm thêm lãi suất cho vay 1% - 2%, tạo tiền đề cho Ngân hàng Nhà nước hạ thêm trần lãi suất đầu vào, từ đó lãi suất cho vay sẽ giảm theo.

 

Còn theo nhiều chuyên gia, vấn đề cốt lõi của thị trường lãi suất là tình trạng lộn xộn trên thị trường liên ngân hàng. Một số ngân hàng nhỏ thường xuyên thiếu vốn buộc phải vay vốn ngân hàng bạn với lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng bạn cho các DN khác vay. Từ đó, nhiều ngan hàng không mặn mà hạ lãi suất cho vay. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần sớm có phương án điều tiết vốn cho thị trường này. Khi thị trường liên ngân hàng bình ổn, nhu cầu vay vốn ngân hàng bạn sẽ giảm mạnh, các ngân hàng lớn sẽ dư thừa vốn buộc phải giảm lãi suất cho vay để tìm đầu ra, kéo mặt bằng lãi suất cho vay toàn thị trường đi xuống.

 

TS Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng, để đưa vốn từ chỗ thừa đến chỗ thiếu, Ngân hàng Nhà nước cần thể hiện vai trò môi giới tiền tệ, có thể tăng dự trữ đối với ngân hàng lớn rồi dùng số tiền đó cho ngân hàng nhỏ vay trong thời hạn 1 năm.