Hiện nay, chỉ có ngành nhựa chủ động được trong việc thiết kế khuôn mẫu để tạo ra sản phẩm mới.

Hiện nay, chỉ có ngành nhựa chủ động được trong việc thiết kế khuôn mẫu để tạo ra sản phẩm mới.

Khuôn mẫu cho sản phẩm “made in Vietnam”: Còn lâu !

Do hạn chế về năng lực thiết kế và khả năng chế tạo, ngành công nghiệp khuôn mẫu VN hầu như không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Đây chính là một bất lợi lớn đối với ngành công nghiệp VN

Lâu nay, hướng kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) VN là nhập khẩu sản phẩm “nguyên đai nguyên kiện”. Tiến bộ hơn là nhập linh kiện, chi tiết về lắp ráp thành phẩm. Tuy nhiên, để từng bước giảm phụ thuộc, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh, nhiều DN nhỏ và vừa của VN đã bắt đầu nghĩ tới chuyện làm ra các loại khuôn mẫu, để từ đó xuất ra sản phẩm đóng dấu “made in Vietnam”.

 

Nhu cầu nhiều, đáp ứng ít

Hiện nay, ngành công nghiệp phụ trợ của VN rất yếu. Trong đó, phải kể đến công nghiệp khuôn mẫu, chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu thị trường. Do đó, theo quy hoạch ngành nhựa VN từ nay đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020, ngành cơ khí chế tạo thiết bị, máy móc, khuôn mẫu dự kiến sẽ đầu tư 20 nhà máy công suất 40.000 bộ khuôn/năm, 10 nhà máy chế tạo thiết bị máy móc chuyên ngành theo công nghệ hiện đại giai đoạn 2006-2010 nhằm đáp ứng nhu cầu cho các DN. Tổng vốn đầu tư cho các nhà máy năm 2010 là 4.448 tỷ đồng.

Đối với khuôn mẫu phục vụ cho việc chế tạo các sản phẩm cơ khí tiêu dùng, bà Trần Mai Trinh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế (Viện Kinh tế TPHCM) cho biết, năng lực sản xuất loại khuôn mẫu này chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu trong nước, đặc biệt là các công ty nước ngoài.

Ngoài ra, rất nhiều khuôn mẫu không đạt chuẩn, đặc biệt ở các khuôn mẫu dùng chế tạo các thiết bị cơ khí chính xác hoặc thiết bị cơ khí tiêu dùng mang tính thẩm mỹ cao. Nếu tiếp tục sử dụng các loại khuôn mẫu không đạt chuẩn sẽ tạo ra sản phẩm thiếu chính xác, thiếu thẩm mỹ. Còn nếu bỏ đi thì lãng phí, tốn kém, tạo áp lực tăng giá thành sản phẩm.

Bà Trinh cho biết, ở VN, muốn lắp ráp ôtô hay tủ lạnh, các công ty phải nhập linh kiện và thiết bị từ nước ngoài, bởi hầu hết khuôn mẫu dùng để sản xuất các loại linh kiện và thiết bị này đều có những yêu cầu cao về mặt công nghệ và kỹ thuật.

 

Câu trả lời dành cho DN

Theo quy hoạch phát triển công nghiệp xe máy VN giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2020, mục tiêu đặt ra là đưa VN trở thành một trung tâm thiết kế, sản xuất và lắp ráp xe máy quy mô lớn và chất lượng cao trong khu vực. Để đạt mục tiêu, bên cạnh việc hỗ trợ mua bản quyền một số mẫu xe phục vụ cho việc nghiên cứu, bước đầu Nhà nước sẽ hỗ trợ chi phí trong việc thiết kế, sản xuất các khuôn mẫu.

Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Nguyễn Minh Định (ĐH Quốc gia TP. HCM), làm ra một loại khuôn mẫu cho một sản phẩm có giá trị cao không phải là điều đơn giản. Bởi những phụ tùng, chi tiết gắn liền khuôn mẫu cũng cần có độ “rơ” nhất định. Trên thế giới, từ lâu nhiều quốc gia đã triển khai ứng dụng các phần mềm hỗ trợ cho việc thiết kế chi tiết mẫu và tự động lồng khuôn trên cơ sở chi tiết mẫu. Trên cơ sở đó, khi ứng dụng phần mềm, người dùng có thể mô phỏng quá trình tách khuôn tạo sản phẩm trên máy vi tính.

Tuy nhiên, hiện tại ở VN rất ít DN sử dụng phần mềm này, nếu có chỉ là các DN có vốn đầu tư nước ngoài hoặc liên doanh.

Rõ ràng, công nghiệp khuôn mẫu VN đang được tạo đà để phát triển. Vấn đề nằm ở chỗ, các DN VN chọn cách đầu tư lâu dài, bền vững hay theo kiểu ăn xổi ở thì?