Nhiều nhà đầu tư quyết định bỏ luôn chứng khoán đang cầm cố do không đủ khả năng trả lãi vay.

Nhiều nhà đầu tư quyết định bỏ luôn chứng khoán đang cầm cố do không đủ khả năng trả lãi vay.

Lãi vay cầm cố chứng khoán tăng cao

(ĐTCK-online) Trước khi lãi suất huy động tiền gửi được các ngân hàng điều chỉnh tăng cao và sau đó là đụng trần cho phép 12%/năm, lãi suất cho vay cầm cố chứng khoán tại các ngân hàng cổ phần đã là 1,3 - 1,35%/tháng. Sau đợt tăng lãi suất huy động vừa qua, các ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất cho vay để đảm bảo doanh thu và lợi nhuận. Lãi suất cho vay cầm cố chứng khoán từ đó cũng tăng theo, lên đến 1,8%/tháng.

Các nhà đầu tư vay vốn bằng tài sản cầm cố là chứng khoán để tái kinh doanh đã phải trả một giá đắt trong thời gian gần đây, khi các ngân hàng điều chỉnh lãi suất trên hợp đồng theo diễn biến của thị trường tiền tệ đã thỏa thuận với người vay trước đó. Có nghĩa là, lãi suất cho vay cầm cố chứng khoán sẽ được điều chỉnh tăng khi diễn biến lãi suất trên thị trường tăng.

Bà Nguyễn Thanh Mỹ, một nhà đầu tư cá nhân cho biết, vào quý III/2007, bà vay vốn tại Ngân hàng Sacombank để mua cổ phiếu của một ngân hàng khác bằng tài sản cầm cố là cổ phiếu, với mức lãi suất 1,3%/tháng. Đến nay, hợp đồng chưa đáo hạn, nhưng muốn bán chứng khoán nhằm thu hồi vốn để trả nợ ngân hàng, bà Mỹ vẫn không thể thực hiện được, do các chứng khoán mà bà Mỹ mua chủ yếu đang giao dịch trên thị trường OTC, nhiều cổ phiếu trên thị trường này đang đóng băng, rất khó bán. Trong khi đó, do lãi suất đầu vào tăng nên Sacombank đã tăng lãi suất cho vay đối với cả hợp đồng cho vay cầm cố chứng khoán. Hợp đồng vay cầm cố chứng khoán của bà Mỹ đã được điều chỉnh lãi suất lên mức 1,7 - 1,8%/tháng. Trường hợp của bà Mỹ chỉ là một điển hình của những nhà đầu tư đang chịu gánh nặng lãi suất cao trong việc vay cầm cố chứng khoán. Không chỉ có Sacombank mà hầu hết ngân hàng hiện đều áp dụng mức lãi suất cho vay cầm cố ở mức 1,8%/tháng.

Trên thực tế, trong quá trình ký kết hợp đồng vay vốn, các ngân hàng đều có thỏa thuận với khách hàng về việc sẽ điều chỉnh lãi suất theo từng khoảng thời gian cụ thể khi lãi suất trên thị trường biến động. Theo ông Lưu Đức Khánh, Tổng giám đốc ABBank, sở dĩ ngân hàng phải có thỏa thuận với khách hàng về việc thay đổi lãi suất như vậy là vì chi phí huy động vốn tăng cao, khách hàng phải chia sẻ gánh nặng với ngân hàng. Nếu các hợp đồng vay vốn từ 6 tháng trở lên mà ngân hàng không có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất thì ngân hàng sẽ bị lỗ.

Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư do không đủ khả năng để trả lãi cũng như nộp thêm tiền ký quỹ đã quyết định bỏ luôn chứng khoán đang cầm cố. Vì giá nhiều loại cổ phiếu trên thị trường OTC đã giảm sâu so với một năm trước đây. Không ít cổ phiếu ngân hàng giảm giá 70 - 80% so với đầu năm 2007. Theo quy định, giá cổ phiếu sụt giảm dưới mức thỏa thuận trước khi ký hợp đồng cầm cố với ngân hàng thì nhà đầu tư phải nộp thêm tiền để giữ chứng khoán. Nếu nhà đầu tư không nộp, ngân hàng sẽ tự động giải chấp (bán) để thu hồi vốn, giảm nợ xấu.

Chính vì nhiều nhà đầu tư không có khả năng nộp bổ sung nên các ngân hàng đã ồ ạt bán chứng khoán cầm cố trong khoảng thời gian trước khi UBCKNN giới hạn biên độ giao dịch từ 5% xuống 1% tại HOSE và 10% xuống 2% tại HASTC. Điều này đã ảnh hưởng nặng nề đến diễn biến của giá chứng khoán, góp phần làm TTCK sụt giảm mạnh. Vì vậy, để ổn định TTCK, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng quốc doanh và  vận động các ngân hàng cổ phần ngưng giải chấp các khoản chứng khoán cầm cố.

Hiện nhiều ngân hàng vẫn thực hiện cho vay cầm cố chứng khoán bên cạnh những hợp đồng cũ chưa đến kỳ đáo hạn. Chẳng hạn như Western Bank, ngân hàng này đã hợp tác với Công ty Chứng khoán TP. HCM và một số CTCK khác để đẩy mạnh cho vay cầm cố chứng khoán, nhất là sau khi tăng vốn điều lệ từ 200 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Theo Quyết định 03/2008/QĐ-NHNN, Western Bank được phép tăng dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán lên 200 tỷ đồng (tương đương 20% vốn điều lệ) so với mức 40 tỷ đồng trước đó.

Không ít ngân hàng khác có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay, trong đó dành một phần vốn để cho vay cầm cố chứng khoán, chẳng hạn như Eximbank. Tuy nhiên, do lãi suất cho vay cầm cố chứng khoán hiện cao hơn thời điểm cuối năm 2007, khoảng 0,4 - 0,5%/tháng nên nhà đầu tư không còn mặn mà sử dụng dịch vụ này.