Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Ít nhất phải đình chỉ lãnh đạo ngân hàng để xảy ra thất thoát"

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Ít nhất phải đình chỉ lãnh đạo ngân hàng để xảy ra thất thoát"

Lật tẩy thủ đoạn tham nhũng trong ngân hàng

Cơ quan chống tham nhũng cho rằng để xảy ra các vụ chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng như thời gian qua là do công tác phát hiện và xử lý tội phạm còn yếu kém; cơ chế kiểm tra, giám sát sơ hở.

Ngày 30/11, ông Phạm Anh Tuấn (Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng) cho biết qua khảo sát 30 vụ án xảy ra trong lĩnh vực vực tín dụng, ngân hàng, cơ quan chức năng nhận thấy có thủ đoạn "cán bộ ngân hàng lợi dụng chức vụ, quyền hạn dùng vàng giả đưa vào thế chấp; giả mạo chữ ký khách hàng, làm giả giấy rút tiền; ép buộc khách hàng chi tiền trong vay vốn ngân hàng...".

 

Tại Hội nghị chống sai phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng tổ chức ngày hôm nay, ông Tuấn cho biết còn thủ đoạn tham nhũng "tinh vi" hơn là cán bộ ngân hàng sử dụng các doanh nghiệp tư nhân làm "sân sau" để chiếm đoạt tiền. Điển hình như vụ án xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam .

 

Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo đánh giá, để xảy ra những vụ chiếm đoạt tài sản trong thời gian qua là do công tác phát hiện và xử lý tội phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng vẫn còn yếu kém. Cơ chế chính sách trong lĩnh này cũng như thanh tra, kiểm tra giám sát còn sơ hở và dễ bị kẻ xấu lợi dụng.

 

Còn đại tá Trần Duy Thanh (Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, Bộ Công an) cho rằng, quy định về việc thành lập doanh nghiệp còn lỏng lẻo, sơ hở là nguyên nhân dẫn đến những sai phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng.

 

"Có tình trạng một người thành lập cả chục doanh nghiệp để thực hiện hành vi lừa đảo. Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại cần phải rà soát lại văn bản pháp luật cho chặt chẽ; yêu cầu các doanh nghiệp phải công khai minh bạch thông tin", đại tá Thanh đề nghị.

 

Để làm trong sạch hệ thống ngân hàng, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sớm báo cáo Chính phủ đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại. "Chúng ta chạy theo số lượng ngân hàng mà chưa chú ý đến chất lượng. Quy chế chưa chặt chẽ, công tác thanh kiểm tra của ngân hàng chưa tốt, tiêu chuẩn quản lý cán bộ còn lỏng lẻo... Cần phải được củng cố sớm để lấy được lòng tin của nhân dân", Phó thủ tướng cho hay.

 

Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cần làm tốt công tác kiểm tra kiểm soát nội bộ, đặc biệt là chú trọng khâu tuyển chọn cán bộ. Kiên quyết chuyển đổi vị trí công tác hoặc loại ra khỏi ngành những cán bộ có dấu hiệu vi phạm tham nhũng, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm.

 

"Nếu để xảy ra thất thoát không chỉ những cán bộ tín dụng ngân hàng liên quan trực tiếp phải chịu trách nhiệm mà lãnh đạo ngân hàng đó cũng phải chịu trách nhiệm. Ít nhất cũng phải bị đình chỉ công tác", ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

 

Trước những vụ sai phạm xảy ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã kiểm điểm vai trò quản lý của Ngân hàng Nhà nước. "Phải cảnh báo được những rủi ro có thể xảy ra để có biện pháp phòng tránh, chứ không phải để xảy ra rồi mới vào cuộc", ông Bình nói.

 

Thống đốc Bình cũng cho biết, thời gian tới sẽ ký thông tư liên tịch với Bộ Công an trong việc thanh, kiểm tra giám sát các ngân hàng nhà nước. Hệ thống ngân hàng sẽ thành lập Quỹ khen thưởng cho các tổ chức và cá nhân phát hiện, tố cáo những người vi phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng.