Sự cạnh tranh trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính - ngân hàng chắc chắn sẽ ngày càng gay gắt hơn

Sự cạnh tranh trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính - ngân hàng chắc chắn sẽ ngày càng gay gắt hơn

Loãng giá nhưng vẫn phải tăng vốn

(ĐTCK-online) Giá cổ phiếu của ngân hàng đang "rơi tự do" mà một trong số các nguyên nhân là do bị pha loãng bởi tốc độ gia tăng vốn điều lệ quá nhanh trong những năm qua. Thế nhưng, nội dung kế hoạch thông qua ĐHCĐ gần đây của nhiều ngân hàng vẫn công bố việc điều chỉnh tăng vốn lên gấp đôi, thậm chí gấp ba so với hiện tại. Vẫn biết là áp lực nhưng lãnh đạo nhiều ngân hàng vẫn phải… "nghiến răng" triển khai các kế hoạch này tuy nhiên hạn chế tối đa việc yêu cầu cổ đông đóng thêm tiền.

Mới đây nhất, Sacombank đã chính thức thông qua kế hoạch tăng vốn từ 4.449 tỷ đồng lên 6.049 tỷ đồng trong kỳ ĐHCĐ diễn ra ngày 17/3. Trước đó, ngày 8/3, DongA Bank cũng thông qua kế hoạch tăng vốn từ 1.600 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng. Kế hoạch cuối tuần này, Eximbank chính thức trình ĐHCĐ về việc tăng vốn từ 2.800 tỷ đồng lên 7.400 tỷ đồng, tăng gần gấp ba so với tổng vốn hiện tại. Nhẹ nhàng hơn một chút, Habubank và VIB Bank đưa kế hoạch tăng vốn từ 2.000 tỷ đồng hiện tại lên mức 3.000 tỷ đồng trong năm 2008 này.

Theo ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, tình hình kinh tế thế giới năm 2008 sẽ tiếp tục có những biến động khó lường, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội trong nước. Vì thế, hoạt động của ngành ngân hàng cũng có nhiều thách thức mới. Đặc biệt, khi Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO, hàng loạt ngân hàng nước ngoài và ngân hàng trong nước được cấp phép thành lập khiến cho sự cạnh tranh trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính - ngân hàng chắc chắn sẽ gay gắt hơn.

Để góp phần hoàn thành chiến lược đề ra, DongA Bank xác định, dịch vụ thanh toán quốc tế là dịch vụ trọng tâm để phát triển khối khách hàng doanh nghiệp. Lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng dự kiến trong năm nay đạt 800 tỷ đồng, tăng 76% so với năm 2007. Theo ông Bình, nguồn vốn từ việc tăng thêm vốn điều lệ, DongA Bank sẽ dùng vào việc thành lập sở giao dịch tại Hà Nội cùng với các chi nhánh, phòng giao dịch mới, nâng tổng số điểm giao dịch của Ngân hàng lên 200 điểm, tăng 130 đơn vị so với năm 2007. 

Nhưng nhìn vào kế hoạch tăng vốn của DongA Bank thì có thể thấy, giải pháp tăng vốn của ngân hàng này sẽ không làm các cổ đông phải chi thêm nhiều khi chủ yếu sử dụng từ thặng dư vốn. Cụ thể, số vốn tăng thêm của DongA Bank là 1.400 tỷ đồng, nhưng trong đó có 1.280 tỷ đồng sử dụng từ đợt thặng dư phát hành năm trước để lại dành cho các cổ đông hiện hữu.

Việc mở rộng mạng lưới cũng là mục tiêu của Sacombank trong đợt tăng vốn lần này. Theo ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank, số vốn tăng thêm 1.600 tỷ đồng sẽ được Ngân hàng dùng để mở rộng các điểm giao dịch trên toàn quốc, mua cổ phần của một số doanh nghiệp tiềm năng cũng như đầu tư vào các lĩnh vực như: giáo dục, năng lượng…

"Chúng tôi không ngại kế hoạch tăng vốn không thành công mà chỉ lo việc xây dựng kế hoạch sử dụng đồng vốn đó như thế nào cho hiệu quả, đem lại lợi nhuận cho cổ đông", ông Thành nói. Kế hoạch năm nay, Sacombank sẽ đạt 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (năm 2007, lợi nhuận trước thuế của Sacombank là 1.452 tỷ đồng).

Mức tăng vốn kỷ lục có lẽ thuộc về Eximbank, theo ông Phạm Văn Thiệt, Tổng giám đốc Eximbank thì Ngân hàng dự kiến trình kế hoạch tăng vốn từ 2.800 tỷ đồng lên 7.400 tỷ đồng lên ĐHCĐ vào ngày 21/3 tới. Số vốn tăng thêm này của Eximbank được lấy từ nguồn thặng dư phát hành cổ phiếu cho các đối tác chiến lược trong năm ngoái. Dự kiến, trong đó đợt 1 năm nay, Eximbank sẽ tăng vốn lên 4.425 tỷ đồng. Trong đó, 386,7 tỷ đồng từ chia cổ tức bằng cổ phiếu và 1.106 tỷ đồng từ vốn góp của Tập đoàn Sumitomo (Nhật), đối tác chiến lược của Eximbank cùng hai quỹ đầu tư nước ngoài là VinaCapital và một quỹ đầu tư của Hàn Quốc. Giai đoạn 2, Eximbank dự kiến thực hiện trong tháng 11/2008, tăng thêm 2.975 tỷ đồng từ nguồn thặng dư phát hành cổ phần năm 2007. Theo ông Thiệt, Eximbank đặt ra mục tiêu đạt 1.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2008, tăng gấp đôi so với năm trước.

Ngoài những nhà băng trên, hiện nhiều ngân hàng cũng đang xây dựng kế hoạch điều chỉnh vốn điều lệ trong năm 2008. Tuy nhiên, các phương án tăng vốn của những ngân hàng này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện nên chưa thể công bố đến nhà đầu tư. Việc phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn của ngân hàng trong năm nay chủ yếu thông qua hình thức thưởng cổ phiếu hoặc bán với giá ưu đãi bằng mệnh giá, thay vì "treo" giá cao như 2 năm trước đây. Nguyên nhân là do cổ phiếu ngân hàng không còn hấp dẫn giới đầu tư như trước đây. Đồng thời, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh lợi nhuận năm 2008 so với kế hoạch dự kiến ban đầu, vì diễn biến của thị trường tiền tệ đang tạo nhiều gánh nặng lên vai các nhà băng.