Maritimes Bank phát triển mạnh các dịch vụ ngân hàng để bù đắp cho lợi nhuận từ tín dụng

Maritimes Bank phát triển mạnh các dịch vụ ngân hàng để bù đắp cho lợi nhuận từ tín dụng

Lợi nhuận ngân hàng 6 tháng đầu năm: chưa thể lạc quan

(ĐTCK) Một số ngân hàng đã hé lộ con số lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2014 khá khả quan so với cùng kỳ. Nhưng đó chỉ là mảng sáng trên bức tranh vẫn nhiều gam trầm của ngành ngân hàng trong một năm nền kinh tế được đánh giá là chưa có nhiều tín hiệu sáng sủa, nợ xấu vẫn tiếp tục tăng cao.

Những mảng màu sáng

Trao đổi với ĐTCK, một lãnh đạo cấp cao của Vietcombank cho biết, nửa đầu năm nay, tín dụng của Ngân hàng tăng trưởng 6,6% so với cuối năm 2013; lợi nhuận trước thuế ước đạt 2.800 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch lợi nhuận đặt ra hồi đầu năm.

BIDV cho biết, tín dụng đến cuối tháng 6 tăng 4,9%; lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 2.418 tỷ đồng.

Không tiết lộ con số cụ thể, nhưng một lãnh đạo cấp cao của VPBank cho biết, kết quả kinh doanh của Ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2014 khá tốt.

Tương tự, Tổng giám đốc Techcombank cho biết, Ngân hàng vẫn đang chốt số liệu để lập báo cáo tài chính bán niên 2014. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính quý I/2014, trong quý này, Techcombank đạt 673 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 69% so với cùng kỳ; đạt 57% kế hoạch cả năm 2014; bằng 76,6% mức thực hiện cả năm 2013.

TPBank là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, với 263 tỷ đồng lợi nhuận, đạt 60% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng đến cuối tháng 6 đạt 8,8%; trong đó, dư nợ cho vay các tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 16,3%. Nợ xấu ở mức thấp, 1,66%, giảm 0,3% so với đầu năm.

Tín dụng tăng thấp, lợi nhuận từ đâu?

Trong bối cảnh đầu ra của dòng vốn rất khó khăn, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm mới đạt 3,52%, lãi suất hiện nay đã giảm khá nhiều so với lịch sử đỉnh cao của những năm 2009 - 2010, vì sao lợi nhuận của các ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt? Câu hỏi đặt ra là bởi lẽ hoạt động tín dụng vẫn là hoạt động đem lại nguồn lợi chủ yếu cho các ngân hàng, 

Theo phân tích của Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Nguồn vốn và kinh doanh vốn của một ngân hàng TMCP, không phải cứ tăng trưởng tín dụng thấp là lợi nhuận của các ngân hàng thấp theo.

“Trước đây, dù tăng trưởng tín dụng rất cao, các ngân hàng vẫn lỗ, bởi chi phi vốn lớn, nợ xấu tăng. Vấn đề chính là hiện nay các ngân hàng đã biết quản lý tốt chi phí và đặc biệt, với việc bước đầu triển khai Hiệp ước Vốn Basel 2 theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước nên thu nhập lãi của các ngân hàng dự báo sẽ còn nhiều cải thiện hơn so với trước”, vị Phó tổng giám đốc trên nói.

Còn theo Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP, thời gian qua, tỷ giá ổn định, các ngân hàng tranh thủ thu mua ngoại tệ rồi cho vay, góp phần vào việc tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó, dù các ngân hàng tại Việt Nam lợi nhuận phần lớn đến từ hoạt động truyền thống là tín dụng, nhưng các ngân hàng đang đẩy mạnh mảng dịch vụ như chuyển tiền, tư vấn, kinh doanh ngoại tệ, đầu tư…, đây là những mảng đang sinh lời tốt.

Chẳng hạn, Maritime Bank cung cấp dịch vụ thanh toán thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại để phục vụ khách hàng. “Dù tình hình kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, nhưng tổng doanh số thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại của Ngân hàng vẫn liên tục gia tăng qua các năm”, bà Nguyễn Hương Loan, Tổng giám đốc Ngân hàng Định chế Tài chính Maritime Bank cho biết.

Nợ xấu vẫn đe dọa lợi nhuận

Nhận định về kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, rất có thể đây là lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro.

“Thông thường, các ngân hàng chưa trích lập dự phòng rủi ro hay các khoản cho vay đầu năm chưa phản ánh vào chiến lược tín dụng ngay, nên thường những tháng trong năm vẫn có lợi nhuận, nhưng cuối năm lại báo lỗ”, một chuyên gia kinh tế phân tích.

Nợ xấu đang là vấn đề ám ảnh đối với ngành ngân hàng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tháng 1/2014, nợ xấu tăng lên mức 3,74%, tháng 2 lên 3,86%, tháng 3 lên 3,93% và đến tháng 4/2014 đã tăng lên 4,03% trong khi VAMC chỉ mua 3.929 tỷ đồng nợ xấu trong quý I/2014 so với mức 10.000 tỷ đồng dự kiến.

Đến cuối tháng 6/2014, nợ xấu tại các ngân hàng thương mại lại có dấu hiệu tăng lên 4,84%, cho dù đã xử lý được 6.600 tỷ đồng. Trong các nhóm nợ, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) của các NHTM có chiều hướng tăng trong 2 quý đầu năm.

“Tình hình xử lý nợ xấu của ngân hàng vẫn rất khó khăn và chắc chắn, với việc từ 1/6/2014, thực hiện Thông tư 09, con số nợ xấu dự báo sẽ còn tăng tiếp”, vị chuyên gia kinh tế trên nhận định.

Bên cạnh những ngân hàng công bố lợi nhuận khả quan, không ít ngân hàng cho biết mới đạt được 40 - 47% kế hoạch lợi nhuận cả năm trong nửa đầu năm nay. Ban lãnh đạo ngân hàng cũng đang tính đến việc hạ thấp mục tiêu lợi nhuận đặt ra từ đầu năm.

Tin bài liên quan