Cầu Nhị Thiên Đường

Cầu Nhị Thiên Đường

Mối lương duyên chứng khoán-thời tiết

(ĐTCK-online) Lẽ tự nhiên thì mưa nắng là chuyện của Trời. Người Á Đông làm kinh doanh thường không quá đề cao tài năng của mình và nhìn nhận các yếu tố tạo nên thành công theo thứ tự thiên thời, địa lợi, nhân hòa…

Khi thành công, người ta tìm đến những giá trị tâm linh, lo việc cảm tạ Trời đất, vì lẽ nhờ ơn Trời mà đạt được. Đã là chuyện của Trời, người phàm vốn dĩ không nên quá cưỡng cầu nhưng đạo kinh doanh cũng dạy rằng, có những không gian, những thời thế mà người kinh doanh phải thay Trời hành đạo.

Thiên đường nơi trần thế

Tính cách thời tiết của đất Sài Gòn có lẽ đã gói gọn trong ngôn ngữ của thi ca "Sáng nay cà phê một mình, Sài Gòn chợt mưa chợt nắng". Đất phương Nam đặc trưng chỉ có hai mùa mưa nắng, đất Sài Gòn đặc trưng hơn bởi những cơn mưa đến bất chợt khi trời đang đổ nắng vàng và ra đi đột ngột bởi một trận nắng vàng rực rỡ. Lúc này là độ giữa mùa mưa, từ tháng 4 đến tháng 9, phiên giao dịch cuối tuần qua lại ướt sũng bởi một cơn mưa đặc trưng mang thương hiệu “tháng Sáu trời mưa, trời mưa không dứt”. Tuần qua, Sài Gòn có đến 5 ngày trời đổ mưa,  những cơn mưa 2-3 tiếng mới dứt hẳn và VN-Index cũng giảm gần 1,5%.

Sở dĩ người viết bài này dông dài về "chuyện của ông Trời" như thế bởi 7 năm qua, mùa mưa của tại đất Sài Gòn lại trùng lặp một cách "tự nhiên" với chu kỳ ủ dột giữa năm của TTCK với giá trị giao dịch nhỏ lại, nhiệt độ thị trường hạ xuống và các công ty chủ động chậm lại công tác đối ngoại liên quan đến cổ đông, nhà đầu tư thận trọng với các khoản đầu tư mới...  (tham khảo Biểu đồ VN-Index).  Chọn lựa của thị trường như thế  cũng là thuận với đạo mưa nắng.

Mối lương duyên chứng khoán-thời tiết ảnh 1

Cầu Nhị Thiên Đường là một cây cầu nổi tiếng có một không hai tại Sài Gòn. Đó là cây cầu mà kích cỡ không lớn lắm, được xây dựng từ năm 1925 và được xây dựng lại năm 2004, vị trí bắc qua Kênh Đôi nối Quận 8 đi các khu vực phụ cận (Long An, Cần Giuộc). Tuy nhiên, cây cầu có hai điểm đặc biệt, nhất là cái tên "Nhị Thiên Đường" và chuyện nhiều người tụ tập ở đây hàng ngày để "thay Trời hành đạo", lấy khả năng phán đoán mưa nắng của Trời để kiếm cơm.

Hàng chục năm nay, thường là 9 giờ sáng người ta rủ nhau đến chân cầu, tay cầm nhiệt kế hay thủy kế là những chiếc ly có vạch đo dung tích nước. Họ chỉ lên Trời rồi đoán xem hôm nay nắng hay mưa, nắng nhất bao nhiêu độ, còn Trời mưa thì lượng dưới hay 30ml hay trên 30ml, đầu cầu bên nào mưa nhiều hơn… Có người cá cược với nhau cho vui kiếm một chầu nhậu, nhưng không thiếu những tay máu mặt dám bỏ bạc tỷ ra để cược. Giải nghĩa Nhị Thiên Đường là nơi thể hiện ý Trời, là thiên đường thứ hai nơi trần thế xem ra cũng có niềm tin với nhiều người.

 

Cổ phiếu lúc mưa lúc nắng

Để đầu tư thành công trên TTCK, các kinh nghiệm và kiến thức đúc kết hàng trăm năm nay thành hai học thuyết phân tích. Trường phái cơ bản nghiên cứu tương quan giữa sức khỏe của DN và giá cổ phiếu. Trường phái phân tích kỹ thuật không quan tâm đến sức khỏe DN, mà chỉ quan tâm đến các dấu hiệu về giá giao dịch và khối lượng giao dịch trong quá khứ được lặp đi lặp lại để tiên đoán về thị trường trong tương lai. Tính logic của trường phái phân tích kỹ thuật chủ yếu dựa trên thói quen của nhà đầu tư, hành vi lặp đi lặp lại của thị trường, sự liên quan giữa những yếu tố văn hóa, xã hội… đối với TTCK. Chuyện mưa nắng, vì thế không phải là vô can đối với triệu chứng “sụt sịt” của giá cổ phiếu.

Này nhé, cuối năm âm lịch người Việt thường chủ động thu vén chuyện làm ăn trong một năm, trả những khoản nợ ân tình của người khác. Do đó, người ta thường ưu tiên việc trả nợ hơn là đi vay mới, bán những cổ phiếu đã lời nhiều hơn là mở rộng đầu tư. Gần Tết, tiết trời cuối đông đầu xuân tuy còn se sắt, nhưng người ta lạc quan vì một mùa xuân sắp đến. Mặt bằng giá cổ phiếu thường giảm nhẹ vì người ta bán cổ phiếu trong tâm trạng vui vẻ và lạc quan. Qua đầu năm mới, đất trời rộn rã vì không khí mùa xuân và ai ai cũng muốn hái lộc, nên lệnh mua cổ phiếu trong các phiên giao dịch đầu năm mới luôn nhiều hơn lệnh bán và mặt bằng giá không thể không tăng.

Sự lạc quan của của tết và không khí xuân còn vương vấn đến hết tháng 3. Thời điểm này, các quỹ đầu tư nước ngoài báo cáo với cổ đông của mình trong khi các công ty trong nước mượn dịp để tranh thủ sự đồng thuận của cổ đông về các dự án mới, chuyện lương thưởng cho ban điều hành. Khí xuân ấm áp, lòng người lâng lâng… tháng 2 và tháng 3 mọi năm là giai đoạn giá trị giao dịch của thị trường tăng vọt và giá có chiều hướng tăng lên: tổ chức nước ngoài bán ra để kết thúc một năm đầu tư, nhưng họ cũng muốn giá cổ phiếu tăng để có báo cáo đẹp trong khi các nhà đầu tư trong nước mua vào để bắt đầu một năm kinh doanh.

Tháng 4, tháng giao mùa giữa xuân và hạ của phương Bắc, giữa mùa nắng và mùa mưa của phương Nam . Các quỹ đầu tư lúc này bận rộn với việc huy động vốn mới. Các công ty niêm yết vừa được cổ đông giao việc cho một năm. Thông tin - nhựa sống của TTCK - lúc này bắt đầu cạn, vì những gì tốt đẹp nhất đã được dọn lên thịnh soạn trong đại hội đồng cổ đông và những “món ăn” mới phải đợi các công ty tổng kết kết quả kinh doanh quý II và quý III. Theo chu kỳ của TTCK Việt Nam , tháng 4 là thời điểm mà VN-Index bắt đầu xuống sức sau khi vừa lên đến đỉnh điểm.

Sang tháng 5 và tháng 6, những đợt nắng như thiêu như đốt khiến người ta lũ lượt kéo nhau đi "nghỉ mát". Những cơn mưa làm lấm lem quần áo và ngập lụt đường xá khiến nhà đầu tư có nhiều lý do chính đáng để không đến sàn. Bữa ăn thông tin nhiều rau hơn thịt, khiến tinh thần lạc quan giảm xuống trong khi sự lười nhác và hoài nghi của mùa mưa gặm nhấm nhà đầu tư. Theo kinh nghiệm của các nhà đầu tư dài hạn, thời điểm tháng 6 và tháng 7 là thời điểm có thể mua các cổ phiếu tốt với giá rẻ nhất trong năm.

Vậy điều gì sẽ xảy ra trên TTCK khi mùa thu mơ mộng sắp đến? Giai đoạn tháng 8 đến tháng 11 hàng năm là giai đoạn lạc quan của thị trường khi mà các công ty niêm yết lúc này đã đi được hơn 3/4 quãng đường trong 1 năm, các quỹ đầu tư đã chuẩn bị sẵn sàng "đạn dược" cho một năm săn bắt mới.

Bạn có nghĩ thời tiết và chứng khoán có một mối lương duyên? Có thể có và có thể không, vì thời tiết dạo này thay đổi thất thường, hết El Nino rồi lại Lanina nhưng cũng chính vì chuyện nắng mưa của Trời mà có ngày cầu Nhị Thiên Đường sẽ được bạn ghi vào sổ tay và chú thích bằng chữ đỏ: NƠI PHẢI ĐẾN.