Mua cổ phiếu OTC qua môi giới của các công ty chứng khoán bớt rủi ro hơn. Ảnh: Vnexpress

Mua cổ phiếu OTC qua môi giới của các công ty chứng khoán bớt rủi ro hơn. Ảnh: Vnexpress

Mua bán cổ phiếu OTC: Coi chừng bị... lừa!

Nhiều người đang truy tìm một người đàn ông tên Ph. vì anh này đã ôm tiền cọc mua cổ phiếu (CP) của họ và... biến mất. Đây chỉ là một trong nhiều câu chuyện không lành mạnh xuất hiện ngày càng nhiều trong mua bán CP chưa niêm yết (OTC).

Lừa tiền cọc!

Đầu tháng 7-2007, chị H. - người mới tham gia đội ngũ “cò” CP - nhận được “đơn đặt hàng” mua một loại CP của một nhà đầu tư (NĐT), với giá đặt mua là 7,15 triệu đồng/CP (mệnh giá 1 triệu đồng/CP). Đang loay hoay “rà sóng” để tìm nguồn bán CP thì chị H. nhận được điện thoại từ một người cho biết đang có hàng muốn bán giá chỉ 6,95 triệu đồng/CP.

Khi đến chỗ hẹn để thực hiện giao dịch, một thanh niên ăn mặc lịch sự giới thiệu tên Trần Hoài Ph. - người đang “sở hữu” số CP cần bán - cho biết đang trong giờ làm việc, không đem theo tờ CP mà chỉ có bản photo. Để tạo lòng tin, người thanh niên này đưa hàng loạt giấy tờ khác để chứng minh nhân thân như CMND, sổ hộ khẩu, giấy phép lái xe...

Thấy mọi giấy tờ đều hợp lệ, chị H. chủ động đặt cọc 5 triệu đồng mua một lô 100 CP, đồng thời hẹn sáng hôm sau đến công ty chứng khoán (CK) để thực hiện việc chuyển nhượng. Trưa cùng ngày, chị H. nhận được điện thoại của Ph. thông báo có một người thân cũng muốn bán thêm 100 CP. Chị H. lại “nhanh nhảu” mang 5 triệu đồng đến điểm hẹn để đặt cọc. Thế nhưng, đúng giờ hẹn ngày hôm sau, chị H. đã lên ruột khi gọi vào số điện thoại của Ph. thì chỉ nghe “ò e í”.

 

1.001 chiêu lừa cổ phiếu

Vừa qua, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ lừa đảo CP. Điển hình là vụ “in thừa” CP tại Ninh Bình. Anh H. - một công chức tại Hà Nội - đã mua năm CP không ghi danh của một công ty cổ phần (đóng tại Ninh Bình), mệnh giá 10 triệu đồng/CP, có dấu hiệu giả mạo. Từ đơn tố cáo của anh H., cơ quan chức năng đã vào cuộc và phát hiện đơn vị nhận in CP cho công ty phát hành đã in thêm 700 CP để “dự phòng”. Theo điều tra ban đầu của cơ quan chức năng, có dấu hiệu cho thấy số CP “dự phòng” này được tuồn ra ngoài và được giao dịch trên thị trường.

Trước đó, vào tháng 5-2007, cơ quan chức năng cũng phát hiện và đưa ra xét xử một nhóm người thực hiện đường dây làm CP giả tại Hải Phòng. Trong vụ này, cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ 95 quyển CP “phổ thông” với tổng trị giá lên tới 95 tỉ đồng.

Các trường hợp tiền trao nhưng “cháo” không được “múc” cũng xảy ra khá phổ biến đối với các giao dịch CP “giấy tay” trên thị trường OTC. Tuy nhiên, phần lớn các nạn nhân trong những vụ lừa đảo này đều “ngậm bồ hòn” làm ngọt vì nhiều lý do.

Đây không phải là trường hợp cá biệt, những ngày gần đây chúng tôi đã nhận được nhiều đơn thư và điện thoại từ các NĐT và cả những người môi giới CP OTC nghiệp dư tố cáo về hành vi của Ph.. “Tay này đã khai thác tâm lý của những NĐT muốn mua CP với giá rẻ, còn những người môi giới cổ phiếu OTC thường sợ mất mối làm ăn hấp dẫn...” - anh P. (TP Biên Hòa, Đồng Nai), một NĐT bị lừa 5 triệu đồng khi đặt cọc mua 4.000 CP Mai Linh của Ph., nói.

Theo anh P., trừ giấy sở hữu CP, tất cả những giấy tờ khác như CMND, sổ hộ khẩu, giấy phép lái xe và cả... bằng tốt nghiệp phổ thông của tên Ph. đều có bản chính và bản photo có công chứng nên mới “dụ” được người mua.

Theo các nạn nhân, Ph. khoảng 30 tuổi, khá điển trai và luôn xuất hiện với phong thái đĩnh đạc, tự tin. Tuy nhiên, Ph. luôn thay hình đổi dạng đối với mỗi vụ lừa đảo, khi thì giới thiệu là... giám đốc công ty liên doanh I, khi là nhân viên dầu khí, ngân hàng... đang cần tiền bán gấp CP với giá rẻ. Thông tin về việc bán CP còn được Ph. rao trên các trang web chuyên mua bán CP OTC hoặc “tình cờ” biết được số điện thoại của một “cò” CP OTC nào đó.

 

Không bị sập bẫy, cách nào?

“Mua bán CP OTC chủ yếu vẫn dựa vào sự tin tưởng lẫn nhau, nhưng trước hết người bán phải đưa ra được những giấy tờ chứng minh việc sở hữu hay sắp sở hữu loại CP muốn bán cũng như nhân thân của người bán...” - anh Nguyễn Ngọc Trường Chinh, trưởng bộ phận môi giới CP OTC của Công ty CK Ngân hàng Á Châu, nói. Đối với CP “giấy tay”, người bán phải đưa người mua giấy thông báo trúng đấu giá, CMND... trước khi thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, anh Chinh cho rằng ngay cả khi có đầy đủ các loại giấy tờ, việc mua bán này cũng có nhiều rủi ro đối với người mua do các thủ tục sang tên chỉ được thực hiện sau khi đóng tiền đầy đủ.

“Phương thức giao dịch an toàn nhất vẫn là thông qua các nhà môi giới CK của các công ty CK, không chỉ hạn chế được rủi ro mà còn tránh những trường hợp lừa đảo...” - anh Chinh nói.

Cũng theo anh Chinh, gần đây một số công ty có CP giao dịch trên thị trường OTC đã ủy quyền cho một công ty CK nào đó thực hiện việc quản lý cổ đông, làm các thủ tục chuyển nhượng, sang tên... Như Ngân hàng Eximbank hiện đang ủy quyền cho Công ty CK Rồng Việt, Công ty Tân Hóa ủy quyền cho Công ty CK Đại Việt, một số công ty thuộc ngành dầu khí cũng đã ủy quyền cho Công ty CK Dầu khí thực hiện các dịch vụ này... “Chắc chắn trong thời gian tới sẽ có nhiều công ty ủy quyền việc quản lý cổ đông cho các công ty CK” - anh Chinh nhận định. Theo anh Chinh, hình thức ủy quyền này không chỉ giúp NĐT tránh được rủi ro, mà công ty phát hành CP cũng không phải gánh thêm việc, do mọi giao dịch đều thông qua các công ty CK có tính chuyên nghiệp hơn.