Nên phát hành trái phiếu gắn với lạm phát

(ĐTCK-online) Tăng chuẩn và hướng ngoại là quan điểm chủ đạo của ông Sumit Dutta, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC Việt Nam về quá trình tái cấu trúc thị trường trái phiếu (TTTP) Việt Nam. Dưới đây là toàn bộ nội dung cuộc trao đổi giữa ĐTCK và ông Sumit Dutta về chủ đề này.

Nên phát hành trái phiếu gắn với lạm phát ảnh 1

Theo ông, Việt Nam nên tái cấu trúc thị trường cổ phiếu, trái phiếu theo hướng nào? Chính phủ có nên đưa ra một kịch bản theo hướng đưa ra tỷ lệ mềm về vai trò huy động vốn cho nền kinh tế và doanh nghiệp mà các thị trường cổ phiếu, trái phiếu phải đảm đương, nhằm giảm gánh nặng và sức ép cho thị trường tiền tệ như hiện tại?

Về thị trường cổ phiếu, nhiều hàng hóa chất lượng cao nên được đưa ra thị trường. Nhà nước nên xem xét nới trần tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các doanh nghiệp không nằm trong lĩnh vực trọng yếu để khuyến khích tận dụng nguồn vốn quốc tế trong điều kiện nguồn vốn trong nước chưa dồi dào và còn gặp khó khăn. Bên cạnh đó, cần tăng sự minh bạch tài chính như công bố rõ ràng báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh, kế hoạch kinh doanh, tái cơ cấu tài chính, nhân sự… cùng với việc thường xuyên trao đổi với nhà đầu tư để họ có thể hiểu rõ doanh nghiệp, quy mô vốn hoá của doanh nghiệp trên thị trường.

Về TTTP, số lượng trái phiếu chính phủ (TPCP) cần được giảm xuống (hiện có khoảng 450 mã TPCP) và thanh khoản TPCP trên thị trường thứ cấp cần được cải thiện. Ngoài ra, cần đa dạng hóa các sản phẩm TPCP (như trái phiếu gắn với chỉ số lạm phát) để thu hút được nhiều nhà đầu tư khác nhau.

Chúng ta sẽ không thể ép thị trường bằng cách đưa ra các tỷ lệ mềm về huy động vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu/trái phiếu thay vì vay từ NHTM. Để nhà phát hành có thể phát hành cổ phiếu hay trái phiếu, nhà phát hành cần đạt đến một chuẩn mực tài chính nhất định và tạo lập được uy tín trên thị trường. Ngoài ra, đa số nhà đầu tư TPCP là ngân hàng. Nếu chúng ta yêu cầu doanh nghiệp phải huy động một phần vốn thông qua phát hành trái phiếu, các ngân hàng cũng sẽ là người mua cuối cùng đối với trái phiếu có tính hấp dẫn. Như vậy, vốn vẫn được cung ứng ra bởi các NHTM. Cách chúng ta nên làm tốt hơn là tạo điều kiện thuận lợi về chính sách quản lý, chính sách thuế… để thị trường cổ phiếu và trái phiếu có thể phát triển lành mạnh và ổn định. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ tự thấy lợi ích của việc huy động vốn qua thị trường vốn nếu các kênh này hiệu quả hơn. Mặt khác, rõ ràng, trái phiếu công ty là một công cụ hiệu quả mà chúng tôi khuyên các công ty cân nhắc trong việc huy động vốn vì chi phí bỏ ra không cao, trong khi thời hạn và cơ cấu lại linh hoạt. Trong khi TPCP chủ yếu dành để huy động vốn có cơ cấu lãi suất trung hạn, cố định, thì trái phiếu công ty gần với nhu cầu của thị trường hơn.

 

Nên phát hành trái phiếu gắn với lạm phát ảnh 2

Số lượng TPCP cần được giảm xuống thay vì quá nhiều như hiện nay

 

Sở GDCK Hà Nội đang bắt đầu quá trình tái cấu trúc TTTP, với việc đầu tiên là hoán đổi trái phiếu nhằm giảm số lượng mã trái phiếu niêm yết. Ông có đề xuất gì để giúp quá trình tái cơ cấu TTTP nhanh hơn, hiệu quả hơn?

Đây là định hướng hết sức đúng đắn và nên được làm càng sớm càng tốt. Các nhà đầu tư nước ngoài thường rất ngần ngại khi đầu tư vào TPCP Việt Nam do khối lượng của mỗi mã trái phiếu rất nhỏ và có thể không đáp ứng được tiêu chí đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, chúng ta nên nhanh chóng tạo được một đường cong lãi suất chuẩn cho TPCP. Để làm được điều này, vai trò đầu tàu của một số ngân hàng lớn là hết sức quan trọng để tạo thanh khoản cho thị trường thứ cấp và tạo nên đường cong lãi suất chuẩn. Nếu có đường cong lãi suất chuẩn, việc hoán đổi trái phiếu sẽ hết sức thuận lợi do Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước và Sở GDCK Hà Nội sẽ nắm được giá thị trường thực tế để hoán đổi trái phiếu.

 

Để hỗ trợ TTTP phát triển chuyên nghiệp, theo ông, Việt Nam nên lựa chọn mô hình thành lập các công ty định mức tín nhiệm theo hướng nào?

Việc có các công ty định hạng tín nhiệm sẽ không phải là giải pháp quan trọng nhất cho TTTP phát triển, bởi thanh khoản thị trường, chất lượng hàng hóa và ổn định kinh tế vĩ mô mới là những yếu tố quan trọng nhất. Nhưng, việc thành lập các công ty định hạng tín nhiệm sẽ giúp cho TTTP doanh nghiệp phát triển thuận lợi hơn. Nhà đầu tư sẽ thuận lợi hơn trong việc lựa chọn sản phẩm trái phiếu có định hạng tín nhiệm do họ không cần thực hiện việc tự đánh giá rủi ro tín dụng của từng trái phiếu. Nhà đầu tư cũng sẽ dễ dàng so sánh các trái phiếu có cùng định hạng tín nhiệm để chọn ra trái phiếu phù hợp nhất.

Theo tôi, Việt Nam nên bước đầu thành lập các liên doanh định hạng tín nhiệm giữa một tổ chức Việt Nam và các công ty định hạng tín nhiệm uy tín trên thế giới (ví dụ S&P, Moody’s hoặc Fitch). Việc tham gia của các công ty định hạng tín nhiệm uy tín trên thế giới sẽ đảm bảo tính chính xác và minh bạch trong quá trình xác định hạng tín nhiệm. Sau này, khi Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong quá trình định hạng tín nhiệm, Việt Nam có thể thành lập công ty định hạng tín nhiệm 100% của Việt Nam .

Đầu tháng 12/2011, HSBC đã ký kết biên bản ghi nhớ với Bộ Tài chính của Việt Nam, theo đó, HSBC sẽ tư vấn cho Bộ Tài chính trong việc nghiên cứu mô hình và khung pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của công ty định mức tín nhiệm tại Việt Nam trên cơ sở học tập kinh nghiệm quốc tế, và phát triển khung pháp lý về vấn đề này. Bên cạnh đó, HSBC cũng sẽ cung cấp những tư vấn trong việc nghiên cứu các sản phẩm mới trên thị trường vốn trong nước, trong đó bao gồm cả các sản phẩm phái sinh.

 

Việt Nam nên triển khai các sản phẩm mới nào để góp phần hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường?

Theo tôi, đối với TPCP và trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính và các doanh nghiệp có thể xem xét đưa ra TTTP gắn với chỉ số lạm phát. Trong bối cảnh lạm phát vẫn còn ở mức cao, trái phiếu gắn với chỉ số lạm phát sẽ tạo niềm tin rất lớn cho các nhà đầu tư do lợi tức của trái phiếu sẽ biến động theo chỉ số lạm phát. Nếu lạm phát tăng cao, lợi tức trái phiếu cũng sẽ tăng theo và ngược lại. Đây cũng là một tín hiệu rất mạnh mẽ từ Chính phủ tới các nhà đầu tư trong việc kiềm chế lạm phát.

Một hình thức trái phiếu khác nữa là trái phiếu nội tệ phát hành trên thị trường quốc tế. Một trong những quan ngại lớn của các nhà đầu tư nước ngoài là thanh khoản ngoại hối. Họ cảm thấy hết sức khó khăn khi chuyển đổi ngoại tệ sang VND lúc mua trái phiếu hoặc ngoại tệ từ VND sau khi bán trái phiếu để chuyển vốn về nước. Với trái phiếu nội tệ phát hành trên thị trường quốc tế, thanh toán mua trái phiếu và thanh toán gốc và lãi được thực hiện bằng ngoại tệ (ví dụ USD hay EUR) dựa trên số tiền trái phiếu bằng VND theo tỷ giá ở thời điểm thanh toán. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ yên tâm khi việc chuyển đổi ngoại tệ được đảm bảo. Ngoài ra, trái phiếu nội tệ phát hành trên thị trường quốc tế có có những ưu điểm như niêm yết trên TTCK thế giới nên nhà đầu tư nước ngoài không cần phải mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại Việt Nam, thanh khoản sẽ tốt hơn so với trái phiếu trong nước, lợi tức trái phiếu sẽ thấp hơn trái phiếu thông thường do tính ưu việt nêu trên, nên sẽ làm giảm chi phí huy động vốn của Chính phủ hay của doanh nghiệp.

Ngoài ra, nhu cầu đầu tư vào trái phiếu có kỳ hạn trên 10 năm của các doanh nghiệp bảo hiểm hoặc quỹ hưu trí (trong tương lai) rất cao. Bộ Tài chính có thể xem xét kéo dài kỳ hạn TPCP. Việc này sẽ giúp giảm bớt áp lực trả nợ trong ngắn hạn của Bộ Tài chính và giúp huy động được nguồn vốn dài hạn từ thị trường. Các loại trái phiếu này cũng giúp tạo lập nên đường cong lãi suất chuẩn với đầy đủ các kỳ hạn khác nhau.

5 chuẩn mực phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam

1. Sự minh bạch trong báo cáo tài chính và chuẩn mực về việc CBTT của nhà phát hành;

2. Sự tách bạch giữa danh mục đầu tư và kinh doanh của ngân hàng;

3. Các giao dịch viên trái phiếu nên có cùng một chuẩn mực tối thiểu về hành vi ứng xử và thông   lệ trên thị trường;

4. Đường cong lãi suất chuẩn của TPCP và lãi suất chuẩn ngắn hạn VND trên thị trường liên ngân hàng cần được hình thành;

5. Tinh thần xây dựng một TTTP Việt Nam phát triển.

(Theo ông Sumit Dutta)