Ngân hàng chuẩn bị đẩy vốn dịp cuối năm

Ngân hàng chuẩn bị đẩy vốn dịp cuối năm

(ĐTCK) Để đón đầu nhu cầu vốn của khách hàng, nhất là với các DN dịp cuối năm, các ngân hàng cho biết, thanh khoản hiện đang dồi dào và lãi suất từng bước điều chỉnh dần để có thể khơi thông dòng chảy tín dụng. Tuy nhiên, lãnh đạo các nhà băng cũng thừa nhận, khó có thể kỳ vọng dư nợ tín dụng tăng đột biến.

Ngân hàng chuẩn bị đẩy vốn dịp cuối năm ảnh 1Ngành thương mại, dịch vụ sẽ tiếp tục là lĩnh vực được đón nhận nguồn vốn tín dụng lớn

 

Kỳ vọng đẩy vốn

Tín dụng hơn nửa đầu năm nay vẫn trong tình trạng trì trệ, trong đó không ít nhà băng lớn tăng trưởng dư nợ vẫn chưa thoát khỏi tình trạng âm, chẳng hạn như Vietcombank. Vì thế, các ngân hàng đặt nhiều kỳ vọng vào mùa kinh doanh cuối năm để đạt chỉ tiêu tín dụng. Các nguồn vốn ưu đãi cũng được đưa ra thị trường ngày một nhiều hơn. Lãi suất cho vay đối với DN tốt hạ xuống chỉ còn 7 - 8%/năm.

Tại NamA Bank, theo Tổng giám đốc Trần Ngô Phúc Vũ, lãi suất áp dụng cho khách hàng DN có dự án kinh doanh khả thi và tình hình tài chính tốt hiện nay chỉ còn khoảng 9 - 10%/năm. 6 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng ở mức 12% và Ngân hàng vừa xin tăng “room” lên 30% để đón đầu nhu cầu vốn của DN dịp cuối năm.

Tại Eximbank, lãi suất cho DN xuất khẩu, sản xuất - kinh doanh cũng được điều chỉnh giảm dần, thậm chí về dưới 7%/năm với các DN có sức khỏe tốt. Theo ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank, tín dụng của Ngân hàng 7 tháng đầu năm nay đạt mức 5,7% và kỳ vọng cả năm sẽ hoàn tất mục tiêu 12% đã đề ra. Do đó, trong thời gian còn lại của năm, Eximbank sẽ đẩy mạnh vốn hỗ trợ DN và kể cả khách hàng cá nhân vay mua nhà.

Với VPBank, Ngân hàng đang triển khai nhiều gói vốn ưu đãi cho DN, nhất là với các DN vừa và nhỏ. Chẳng hạn, với gói vốn 2.000 tỷ đồng được VPBank triển khai từ nay đến cuối tháng 9/2013 hỗ trợ vốn cho DN sản xuất - kinh doanh phục vụ mùa cao điểm cuối năm, lãi suất giảm 2 - 3%/năm so với mức lãi suất thông thường, chỉ còn 7 - 8%/năm. Bên cạnh đó, VPBank còn dành 1.000 tỷ đồng đẩy mạnh vốn hỗ trợ khách hàng cá nhân vay mua xe ô tô với lãi suất 6%/năm trong 6 tháng đầu, giá trị khoản vay tối thiểu lên đến 200 triệu đồng.

Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cũng cho hay, mặc dù trần lãi suất tiết kiệm giảm, song nguồn tiền gửi vào Ngân hàng vẫn tốt. Thanh khoản cải thiện hơn rất nhiều so với trước và OCB rất muốn đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ. Trong 2 quý đầu năm, tăng trưởng tín dụng của OCB đạt hơn 6% và theo ông Tùng, nếu cần thiết để gia tăng dư địa cho vay trong dịp cuối năm, Ngân hàng sẽ trình xin NHNN tăng “room” tín dụng so với mức nhận được đầu năm nay là khoảng 9%.

Ngoài NamA Bank, OCB, hiện không ít nhà băng cũng lên kế hoạch xin tăng “room” và đã được chấp thuận như HDBank, SeABank… Đồng thời, các nhà băng cũng thực hiện chính sách “thắt lưng, buộc bụng” để giảm lãi vay, kích thích tăng trưởng tín dụng.

Tín dụng và cung tiền trong 6 tháng đầu năm nay đã tăng khá hơn so với cùng kỳ năm 2012 (tăng cung tiền 6 tháng ước đạt 7,3% và tín dụng đối với nền kinh tế tăng 4,5%).  Đồng thời, các chuyên gia tài chính cũng nhận định, tín dụng có dấu hiệu tích cực hơn trong các tháng cuối năm.

 

Có dễ?

Tuy nhiên, bài toán tìm đầu ra cho tín dụng vẫn là câu chuyện khiến nhiều ngân hàng đau đầu. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, tình hình nợ xấu hiện đã có phần cải thiện, Ngân hàng cũng đã triển khai nhiều giải pháp để cùng DN tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng chảy vốn, nhưng với diễn biến của thị trường hiện nay, kỳ vọng tín dụng tăng đột biến trong dịp cuối năm nay là rất khó, vì nhu cầu vốn của DN đầu tư, sản xuất - kinh doanh mới hiện vẫn không tăng cao.

Trong khi đó, không ít DN vẫn cho rằng, rất khó để tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, cho dù phải trả lãi suất 17 - 18%/năm, vì nhà băng lo ngại nợ xấu.

Giám đốc phát triển kinh doanh Khối DN vừa và nhỏ của VPBank Doãn Anh Tuấn lý giải, để vay được vốn, DN cũng cần xây dựng mối quan hệ lâu dài với ngân hàng. Bởi trong bối cảnh tình hình thị trường có khó khăn hiện nay và rủi ro nợ xấu gia tăng khi rót vốn cho DN, ngân hàng cần khách hàng chia sẻ thông tin một cách minh bạch, chứ không phải là vấn đề lãi suất hay tài sản đảm bảo. Vì thế, ông Tuấn cho rằng, mức lãi suất cao mà nhiều ngân hàng đưa ra nhằm bù đắp những tổn thất có thể xảy ra do rủi ro khoản vay cao.

Mặt bằng lãi suất cho vay thực tế hiện đã giảm nhiều so với hồi đầu năm. Trong đó, với khối ngân hàng cổ phần nhỏ, lãi suất cho vay DN dao động 9 - 12%/năm và 7 - 10%/năm đối với nhà băng lớn. Tuy nhiên, nhu cầu vốn của khách hàng, nhất là với DN vẫn chậm và khả năng khó đột biến dịp cuối năm.

Tuy nhiên, ông Tay Han Chong, Tổng giám đốc MeKong Bank vẫn kỳ vọng nhu cầu tín dụng sẽ khả quan hơn trong các lĩnh vực nông nghiệp, bán lẻ và DN nhỏ và vừa. Ông Chong tin rằng, vẫn có cơ hội tăng trưởng tín dụng một cách an toàn trong giai đoạn này. Điều quan trọng là trước bối cảnh hiện nay, ngân hàng phải cẩn trọng trong từng bước đi để hạn chế rủi ro nợ xấu.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết, tín dụng tăng trưởng thấp trong bối cảnh hiện nay là điều dễ hiểu, bởi thị trường bất động sản vẫn đang đóng băng, tiêu dùng còn suy yếu.

“Sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong các tháng cuối năm. Tuy nhiên, ngành này sẽ tiếp nhận nguồn vốn tín dụng mạnh và phục hồi vào giữa năm tới. Đối với xây dựng, bất động sản chỉ có thể phục hồi nhẹ, do nguồn vốn hạn chế. Riêng với thương mại, dịch vụ, cùng với nguồn tín dụng tăng cao cho khu vực tiêu dùng và lãi suất giảm sẽ giúp cho nhóm ngành này từng bước phục hồi trong các tháng cuối năm 2013 và tăng trưởng tốt trong năm tới”,  ông Hiển nói.