Hầu hết ngân hàng đã phải điều chỉnh lại kế hoạch lợi nhuận năm 2008.

Hầu hết ngân hàng đã phải điều chỉnh lại kế hoạch lợi nhuận năm 2008.

Ngân hàng có còn siêu lợi nhuận?

(ĐTCK-online) Cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997 gắn liền với hàng loạt sự đổ vỡ của các ngân hàng khu vực Châu Á, trong đó có khoảng 10 ngân hàng tại Việt Nam, những khó khăn của nền kinh tế Mỹ hiện tại cũng gắn liền với những khoản thua lỗ nhiều tỷ USD của các định chế tài chính lớn hàng đầu thế giới. Vị trí của ngành ngân hàng gắn bó mật thiết với diễn biến kinh tế vĩ mô đã mang đến những kết quả lợi nhuận tốt đẹp khi nền kinh tế tăng trưởng nhanh, nhưng ngược lại các ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên và trực tiếp khi bối cảnh kinh tế vĩ mô có những thăng trầm.

Tại Việt Nam , sự tăng trưởng với tốc độ bình quân hơn 30% liên tục trong 4 năm qua của các ngân hàng đã minh chứng cho điều đó. Nhưng khi ưu tiên hàng đầu của nền kinh tế hiện nay là chống lạm phát thì các ngân hàng sẽ là nơi "đầu sóng, ngọn gió" với sự tác động trực tiếp từ các chính sách thắt chặt tiền tệ, cũng như các khó khăn đến từ phía khách hàng. Sự giảm giá quá mạnh của các cổ phiếu ngân hàng thời gian vừa qua là do thị trường, nhưng nó cũng như một sự đánh giá rằng các khó khăn mới chỉ bắt đầu trong lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế này.

 

Kế hoạch điều chỉnh

Khác với sự hồ hởi cuối năm 2007, chỉ sau gần 3 tháng nhiều ngân hàng đã phải điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm 2008 trong kỳ ĐHCĐ vừa diễn ra. Chẳng hạn như, kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2008 của Ngân hàng ACB là 2.500 tỷ đồng (năm 2007 đạt 2.000 tỷ đồng), thay vì 2.800 tỷ đồng như dự kiến trước đó. Còn Sacombank giảm kế hoạch lợi nhuận xuống còn 2.000 tỷ đồng (năm 2007 đạt 1.450 tỷ đồng), thay cho mục tiêu 2.500 tỷ đồng đưa ra hồi cuối năm 2007, khi thị trường chưa xuất hiện những khó khăn. Với Eximbank, mặc dù nhiều lần khẳng định sẽ duy trì mức lợi nhuận đặt ra cả năm 2008 là 1.500 tỷ đồng (năm 2007 đạt 700 tỷ đồng), nhưng sau 2 tháng với nhiều biến động trên thị trường tiền tệ, trong ĐHCĐ ngày 21/3, Eximbank đã phải điều chỉnh xuống còn 1.300 tỷ đồng.

Một số ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ cũng nhanh chóng điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm nay, như: ABBank giảm từ 555 tỷ đồng xuống hơn 500 tỷ đồng; kế hoạch của VietA Bank là đạt 290 tỷ đồng (năm 2007 đạt 200 tỷ đồng); HDBank dự kiến đạt 280 tỷ đồng; DongA Bank dự kiến đạt 800 tỷ đồng (tăng 76% so với năm 2007)…

So với kế hoạch dự kiến ban đầu, hiện hầu hết ngân hàng đã điều chỉnh mức lợi nhuận dự kiến trong năm 2008 xuống khoảng 20 - 30%. Nhưng ngay cả như vậy, nhiều chuyên gia vẫn có những quan ngại nhất định.

Theo đánh giá của ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN - Chi nhánh TP. HCM, nếu tình hình thị trường tiền tệ tiếp tục diễn biến theo xu thế bất lợi cho hệ thống ngân hàng, cụ thể khi chính sách thắt chặt tín dụng tiếp tục được áp dụng để kiềm chế lạm phát thì việc đạt được con số lợi nhuận sau khi điều chỉnh cũng không còn dễ dàng đối với ngân hàng .

Ông Hạnh cho rằng, mỗi ngân hàng đều có mục tiêu lợi nhuận và năm sau thường cao hơn năm trước. Nhưng với tình hình hiện nay, lợi nhuận năm 2008 của không ít ngân hàng nhiều khả năng không đạt mục tiêu, vì mức tăng trưởng tín dụng sẽ được khống chế không quá 30%. Trong khi đó, đối với ngành ngân hàng Việt Nam , các hoạt động vẫn chủ yếu là huy động và cho vay. Những năm trước, lãi suất huy động chưa chạm đến con số 1%/tháng và cho vay luôn duy trì ở mức 1,2 - 1,4%/tháng, nhưng 3 tháng đầu năm, các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động vốn, với mức trần 1%/tháng trong khi vốn đầu ra bị hạn chế do NHNN siết cung tiền đồng, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Ngoài ra, trong năm 2007, các ngân hàng đã mạnh tay cho vay chứng khoán và bất động sản. Lợi nhuận từ hai mảng tín dụng này đã đóng góp một phần không nhỏ vào tổng lợi nhuận của ngân hàng trong năm 2007, sang năm 2008, nguồn vốn này đã bị siết lại và nếu không có biện pháp quản trị hiệu quả thì rủi ro từ dịch vụ này là khá cao.

Chiến lược phải thay đổi theo

Theo ông Võ Tấn Hoàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam, nếu nhìn vào cơ cấu thu nhập của các ngân hàng có thể thấy tỷ lệ thu nhập từ lãi vay chiếm ít nhất 75% tổng thu nhập của các ngân hàng và chưa đầy 25% là thu nhập ngoài lãi.

"Điều này cho thấy, thu nhập của các ngân hàng ở Việt Nam chủ yếu dựa vào chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra. Các ngân hàng ở Việt Nam có tiềm năng để cải thiện cơ cấu nguồn thu nhập ngoài lãi từ việc cung cấp các dịch vụ gia tăng, dịch vụ sáng tạo cho khách hàng", ông Văn nói.

"Do nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn sử dụng tiền mặt là chủ yếu, các ngân hàng sẽ có nhiều cơ hội để thu hút và khuyến khích khách hàng chuyển sang sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, phù hợp với sự phát triển của một xã hội văn minh. Dân số Việt Nam rất trẻ nên sẽ dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ ngân hàng hiện đại do các ngân hàng cung cấp…"

Cũng theo ông Văn, các cơ quan quản lý nhà nước cũng có thể thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ ngân hàng thông qua phát triển các thị trường hàng hóa quan trọng (ví dụ như thị trường nông sản, thủy sản, khai khoáng, sắt thép, xi măng, giấy …) một cách chính quy và có hệ thống. Các giao dịch phái sinh như các hợp đồng có kỳ hạn, hoán đổi, tương lai hay quyền lựa chọn đều dựa trên nền tảng một thị trường hàng hóa phát triển có tổ chức. Các thị trường hàng hóa này sẽ giúp các ngân hàng đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ của mình, đóng góp tích cực  vào dòng lưu thông tiền tệ của nền kinh tế. 

Trên thực tế, ngân hàng luôn được xem là ngành nhạy cảm và có sự kiểm soát chặt chẽ từ NHNN nên nhiều người quan niệm rằng, sẽ khó có ngân hàng nào bị đổ vỡ. Một chuyên gia trong ngành nhận định, "việc ồ ạt xin giấy phép thành lập ngân hàng trong năm 2007 của nhiều tập đoàn kinh tế cũng xuất phát từ lý do trên. Tuy nhiên, điều đó không còn phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay và không phải ai cũng thành công khi tham gia vào lĩnh vực ngân hàng".

"NHNN vẫn tiếp tục cho phép các ngân hàng mới được thành lập, nhưng tồn tại hay không là tùy thuộc vào khả năng quản trị, điều hành của mỗi ngân hàng", vị chuyên gia trên nhấn mạnh. Nếu một ngân hàng biết quản trị và điều hành tốt thì việc tìm nguồn lợi nhuận không chỉ hạn chế từ một lĩnh vực dịch vụ nào mà bằng nhiều cách khai thác khác nhau. Hoạt động của ngành ngân hàng phải luôn được cải tiến, không thể duy trì mãi hoạt động truyền thống là huy động và cho vay.