Trong hoạt động ngân hàng, việc đầu tư vào các loại giấy tờ có giá là bình thường

Trong hoạt động ngân hàng, việc đầu tư vào các loại giấy tờ có giá là bình thường

Ngân hàng đầu tư chứng khoán: đồng loạt lên tiếng

(ĐTCK-online) Sau khi liên tiếp các vụ việc liên quan tới các khoản đầu tư tài chính gây thua lỗ của nhiều doanh nghiệp lộ ra, đến lượt nhiều ngân hàng rơi vào tầm ngắm khi trong các báo cáo tài chính cho thấy con số đầu tư vào chứng khoán lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

TTCK đang diễn biến theo chiều đi xuống, nên cũng không quá ngạc nhiên khi có dư luận cho rằng, các ngân hàng đầu tư chứng khoán quá lớn sẽ không tránh khỏi tác động tiêu cực từ thị trường. Nhưng sự thật không hoàn toàn như vậy, như Báo ĐTCK đã từng đề cập, đầu tư vào chứng khoán có nhiều loại như trái phiếu, kỳ phiếu…, tức là các giấy tờ có giá với độ rủi ro thấp, chứ không chỉ là đầu tư vào cổ phiếu. Mới đây nhất, các ngân hàng đã phải đồng loạt lên tiếng giải thích về danh mục đầu tư của họ.

 

Lớn nhưng không lớn!

Trong luồng dư luận trên, Ngân hàng Á Châu (ACB) "bị soi" nhiều nhất khi con số đầu tư vào chứng khoán của ngân hàng này xếp đầu bảng trong các ngân hàng, lên tới 9.636,853 tỷ đồng đến 31/12/2007. Những ngân hàng khác dù nhỏ hơn, nhưng con số đầu tư chứng khoán cũng lên tới hàng ngàn tỷ đồng, chẳng hạn ABBank đã chi ra khoảng 3.600 tỷ đồng để đầu tư vào chứng khoán; SeABank là gần 4.000 tỷ đồng; Techcombank xấp xỉ 7.000 tỷ đồng và VIB Bank là 6.676 tỷ đồng…

Chính những thông tin này đã ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng trong những ngày gần đây. Trong đó, những suy luận về khả năng thua lỗ của các ngân hàng do đầu tư tài chính đã tác động không nhỏ tới giá cũng như tính thanh khoản cổ phiếu của nhiều ngân hàng. Thậm chí, có những ngân hàng nhỏ, giá cổ phiếu đã xuống dưới mệnh giá 10.000 đồng/CP, hoặc rơi vào tính trạng đóng băng không giao dịch.

Trả lời báo chí chiều 8/4, ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ tịch Hội đồng đầu tư của ACB cho rằng, trong tổng số 9.636 tỷ đồng hạch toán đối với việc đầu tư chứng khoán trong năm qua của ACB  thì đầu tư vào cổ phiếu chỉ chiếm 1.177,973 tỷ đồng tỷ đồng, nhưng trong đó đến gần một nửa (504,006 tỷ đồng) là đầu tư vào cổ phần của Công ty chứng khoán thành viên ACBS.

Phần còn lại chiếm khối lượng lớn là 8.474,348 tỷ đồng được đầu tư vào tín phiếu NHNN; trái phiếu chính phủ; công trái; trái phiếu và kỳ phiếu của các NHTM nhà nước; trái phiếu của các ngân hàng chính sách; trái phiếu điện lực.

"Các khoản đầu tư này nhằm phục vụ cho việc quản lý thanh khoản, không có rủi ro về giá và không bị ảnh hưởng bởi thị trường cổ phiếu", ACB cho biết.

Theo một quan chức Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong hoạt động ngân hàng, việc đầu tư vào các loại giấy tờ có giá là bình thường, hầu hết các ngân hàng đều phải tự quy định một tỷ lệ bắt buộc đầu tư vào các loại tín phiếu NHNN, trái phiếu chính phủ… đây được gọi là chứng khoán nợ.

Trong trường hợp cần thiết, các loại giấy tờ có giá này sẽ được đem cầm cố thế chấp, chiết khấu hoặc đem giao dịch trên thị trường mở của NHNN để rút tiền về đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng.

"Đầu tư vào các giấy tờ có giá loại này gần như không có rủi ro, thậm chí trái phiếu chính phủ được coi là có độ rủi ro bằng không", vị quan chức này cho biết. "Vấn đề ở chỗ các loại giấy tờ có giá này cũng được gọi là chứng khoán, nên nhiều người khi nhìn con số đầu tư vào chứng khoán quá lớn của các ngân hàng thì … phát hoảng lên, bởi nhầm tưởng đây là con số đầu tư vào cổ phiếu".

 

Lên tiếng

Cùng với ACB, hàng loạt các ngân hàng vào cuối tuần qua đã lên tiếng về các khoản mục đầu tư của mình. Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB Bank) cho biết, tỷ lệ đầu tư vào chứng khoán nợ của VIB Bank là 99,3%. Việc duy trì danh mục đầu tư này, theo VIB Bank, là nhằm đảm bảo khả năng thanh khoản và hưởng lãi suất cố định, không chịu ảnh hưởng của biến động giá trên TTCK.

Cũng theo VIB Bank, phần đầu tư vào chứng khoán vốn, tức cổ phiếu của các công ty, của VIB Bank chỉ chiếm tỷ lệ khoảng hơn 0,6% trong tổng số 6.676 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Techcombank, tại thời điểm kết thúc năm tài chính 2007 của Techcombank, tổng đầu tư chứng khoán là 6.842 tỷ đồng, nhưng lượng đầu tư chứng khoán vốn trực tiếp (cổ phiếu do các tổ chức tài chính khác phát hành) chỉ chiếm 3,5% danh mục, phần lớn các khoản đầu tư đó là các khoản hợp tác mang tính chiến lược.

Tổng giám đốc ABBank, ông Lưu Đức Khánh cho biết trong tổng số chứng khoán đầu tư trị giá 3.659 tỷ đồng thì chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn, bao gồm: trái phiếu chính phủ, trái phiếu ngân hàng và một số trái phiếu do các tổng công ty nhà nước hoặc doanh nghiệp lớn phát hành đã chiếm 70% danh mục (tương đương 2.560 tỷ đồng). Trong đó, trái phiếu chính phủ là 782 tỷ đồng; trái phiếu của các tổ chức tín dụng trong nước phát hành 820 tỷ đồng; trái phiếu của các tổng công ty nhà nước là 957 tỷ đồng).

Cũng theo ông Khánh, đối với 1.098 tỷ đồng là chứng khoán sẵn sàng để bán thì tín phiếu NHNN chiếm 650 tỷ đồng. Riêng chứng khoán vốn chỉ chiếm 448 tỷ đồng, bằng 2,6% tổng tài sản và chủ yếu tập trung đầu tư vào những công ty thành viên như: ABS, Công ty Quản lý quỹ An Bình và các đối tác chiến lược.

Còn ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoài quốc doanh (VP Bank) cho biết, trong tổng số 1.678 tỷ đồng chứng khoán đầu tư trong năm 2007 thì hơn 99% tổng giá trị này VP Bank chủ yếu đầu tư vào chứng khoán nợ để đảm bảo tính thanh khoản. Vì các loại giấy tờ này ngân hàng được đem cầm cố để vay vốn. Riêng với chứng khoán vốn chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng giá trị trên, khoảng 50 - 60 tỷ đồng. Theo ông Sơn, Luật Ngân hàng không cho phép các tổ chức tín dụng đầu tư nhiều vào cổ phiếu. Vì vậy, các ngân hàng chỉ có thể sử dụng được một lượng vốn nhỏ để đầu tư vào chứng khoán.

 

Nhiều ngân hàng vẫn lãi lớn

Theo số liệu của Tập đoàn ACB (trong đó có Ngân hàng ACB), năm 2007 ACB đã thu lãi từ đầu tư cổ phiếu khoảng 105% trên tổng vốn bỏ ra (tương đương 1.200 tỷ đồng). Ông Kiên cho rằng, thực chất trong năm 2007, ACB đã thu hồi toàn bộ vốn các khoản đầu tư cổ phiếu từ trước đến nay.

Theo kế hoạch trong năm 2008, ACB sẽ tiếp tục đầu tư vào cổ phiếu, nhưng theo ông Kiên, Ngân hàng chưa đưa ra tổng giá trị đầu tư cụ thể, mà phải xem xét diễn biến của TTCK sau đó mới quyết định đầu tư. Từ đầu năm đến nay, do tình hình TTCK diễn biến phức tạp nên ACB chưa rót thêm một đồng vốn nào vào cổ phiếu.

ACB cho biết, trong 4 tháng đầu năm lãi trước thuế của Ngân hàng đạt 625 tỷ đồng; tổng tài sản đạt 101.000 tỷ đồng; tổng vốn huy động là 62.000 tỷ đồng và dư nợ cho vay đạt 41.000 tỷ đồng. Theo mục tiêu đưa ra trong năm nay, ACB sẽ đạt 2.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Ông Kiên cho rằng, từ đầu năm đến nay ACB chưa đầu tư nên không thu được một khoản lợi nhuận nào qua việc đầu tư cổ phiếu. Nhưng bù lại, Ngân hàng đã có nguồn thu lớn từ sàn giao dịch vàng. Theo đó, tính bình quân ACB thu 1 tỷ đồng/ngày tiền phí giao dịch từ hệ thống sàn giao dịch vàng, chưa kể đến khoản lợi khổng lồ trong việc cho nhà đầu tư vay đến 93% vốn trong đầu tư vàng.

Mặc dù thị trường chứng khoán và thị trường tiền tệ đang gặp khó khăn, nhưng qua những tháng đầu năm, nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh rất khả quan. VIB Bank mặc dù không đưa ra con số cụ thể, nhưng cho biết, kết thúc quý I/2008, lợi nhuận truớc thuế của VIB Bank tăng gần 80% so với cùng kỳ năm trước. Cũng vào thời điểm kết thúc quý I/2008, Sacombank đạt mức lợi nhuận đạt 435 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2007; Ngân hàng Quân đội (MB) đạt 240 tỷ đồng; Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam(Techcombank đạt 219 tỷ đồng…