Ông Sumit Dutta

Ông Sumit Dutta

Ngân hàng Việt" Phối hợp để vượt qua thách thức

(ĐTCK) Các thách thức mà hệ thống ngân hàng Việt Nam thời gian qua đối mặt vẫn tồn tại.

Vượt qua - không phải là điều quá khó khi đã “đọc” tên được các thách thức, nhưng cần sự phối hợp trong các bước để kết quả được như mong đợi. Đó là quan điểm của ông Sumit Dutta, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam trong cuộc trao đổi với ĐTCK.

Ông nhìn nhận hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong thời gian qua đối mặt với những thách thức gì?

Năm 2012, một số lĩnh vực quản lý kinh tế vĩ mô đã đạt được những tiến bộ đáng kể, đặc biệt là trong chính sách ổn định tiền tệ. Tốc độ giảm lạm phát thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu 8% đề ra, chỉ còn 6,81%, đồng thời lãi suất cũng giảm. Cán cân thương mại cũng được cải thiện đáng kể, góp phần làm tăng lượng dự trữ ngoại tệ. Chính sách hợp lý của Chính phủ là ưu tiên ổn định nền kinh tế hơn chú trọng tăng trưởng GDP đã đạt được thành quả tốt. Tuy nhiên, một hệ quả khác trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và trên thế giới đang gặp rất nhiều khó khăn dẫn tới cầu trong nước và thế giới suy giảm nhiều. Số lượng các DN giải thể và phá sản tăng cao, rất nhiều DN gặp khó khăn, việc không tiêu thụ được hàng hoá dẫn tới DN không có nhu cầu vay vốn và đầu ra của ngân hàng gặp khó khăn. Đó là thách thức chung của ngành ngân hàng không phân biệt là ngân hàng nội hay ngân hàng ngoại.

Vấn đề lớn nhất đối với các ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay là bên cạnh một số ngân hàng mạnh với trình độ quản lý chuyên nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế thì vẫn còn có một vài ngân hàng nhỏ và yếu không có đủ năng lực quản lý dẫn đến vấn đề nợ xấu cao. Một vài ngân hàng lại có hình thức sở hữu chéo giữa ngân hàng và các công ty liên quan và không được trang bị đầy đủ chính sách quản lý DN hiệu quả. Trong khi đó, một số ngân hàng lại lệ thuộc thái quá vào tài sản thế chấp là bất động sản khi cho vay. Điều này góp phần kéo tỷ lệ nợ xấu cao tại các ngân hàng nói riêng và của cả toàn hệ thống nói chung. Cần bảo đảm rằng những vấn đề như sở hữu chéo, quản lý DN được giải quyết một cách hệ thống để ngành ngân hàng Việt Nam không bị ảnh hưởng.

Người Việt Nam nói chung và các ngân hàng nói riêng đang mong đợi một quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng sẽ được thực thi với lộ trình và kế hoạch cụ thể trong năm 2013. Tiến trình cải cách ngành ngân hàng cần được thực hiện nhanh để những ngân hàng yếu kết hợp với các ngân hàng mạnh hay những khoản nợ xấu sẽ được công ty quản lý nợ mua lại và xử lý để các ngân hàng có thể tập trung vào việc tăng trưởng tín dụng và phát triển hoạt động kinh doanh. Cần phải thực hiện nhanh để có thể duy trì lòng tin trong ngành ngân hàng và của cả người dân đối với ngành ngân hàng nói chung.

 Ngân hàng Việt" Phối hợp để vượt qua thách thức ảnh 1

Cam kết dành cho các ngân hàng nước ngoài khi Việt Nam gia nhập WTO rất mạnh mẽ. Hiện nay, cam kết này có đáp ứng, thỏa mãn yêu cầu của HSBC nói riêng và các ngân hàng ngoại nói chung?

Chúng tôi hài lòng với điều kiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam . Các ngân hàng nước ngoài được tạo điều kiện để hoạt động và phát triển theo tiềm năng và chiến lược của mỗi ngân hàng. Việc hoạch định và phân chia chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng trong năm 2012 vừa qua là một ví dụ điển hình. Các ngân hàng được giao trần tăng trưởng tín dụng không dựa trên yếu tố "nội" hay "ngoại" HSBC hài lòng là ngân hàng nước ngoài lớn nhất Việt Nam xét về mạng lưới, số lượng nhân viên và khách hàng hiện nay. Mục tiêu của chúng tôi cũng được điều chỉnh từ "Ngân hàng nước ngoài tốt nhất Việt Nam" trở thành "Ngân hàng tốt nhất Việt Nam" vì chúng tôi luôn mong muốn được cạnh tranh lành mạnh và công bằng cùng các ngân hàng nội. Sự cạnh tranh lành mạnh này khiến tất cả các công ty, tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính phải cải thiện mình và cung cấp ra thị trường nhiều hơn các sản phẩm, dịch vụ chất lương tốt nhất cho khách hàng tại Việt Nam

 

Theo ông, đâu là khó khăn chung của ngân hàng nội và ngoại?

Một trong những vấn đề chính mà các ngân hàng - kể cả ngân hàng nội và ngân hàng ngoại - đang phải đối mặt là thực trạng thiếu các nhân sự có kỹ năng nghiệp vụ ngân hàng chuyên nghiệp, kỹ năng quản lý và lãnh đạo. Ngành ngân hàng còn tương đối mới ở Việt Nam và chúng ta cần phải thu hút nhiều sinh viên giỏi tham gia ngành này.

Một khó khăn nữa là nâng cao tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam . Hiện nay chỉ khoảng 15% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng và với số đông người dân dịch vụ ngân hàng còn tương đối mới. Đồng thời, các sản phẩm ngân hàng như quản lý tài sản cá nhân chưa thực sự phát triển tại Việt Nam . Dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam còn chưa phổ biến so với các quốc gia khác như Indonesia , Malaysia , hay Thái Lan.

 

Vậy phía HSBC giải quyết những khó khăn này như thế nào?

HSBC rất coi trọng việc đào tạo nguồn nhân lực. Các nhân viên dù mới hay đang làm việc cho ngân hàng đều được cấp một tài khoản tiếp cận các khóa đào tạo, bổ sung và nâng cao nghiệp vụ trực tuyến với hơn 600 khóa học đa dạng. Chúng tôi có riêng một bộ phận đào tạo thuộc phòng Nhân sự - chịu trách nhiệm thường xuyên cập nhật và tổ chức các khóa học cả trực tuyến cũng như trên lớp học cho các nhân viên HSBC. Các chuyên viên nhân sự này sẽ phối hợp vớc các phòng đào tạo của HSBC tại nhiều nước khác nhau để mời các giảng viên đào tạo nghiệp vụ giỏi của HSBC ở các nước khác về Việt Nam trực tiếp đào tạo ngắn và dài hạn cho các nhân viên HSBC. Ngoài ra, HSBC còn có chương trình "Attachment" - khuyến khích các nhân viên sang làm việc ở các phòng ban khác nhau để hiểu hơn công việc của mỗi phòng, cũng như thực hiện thời gian làm việc ở cùng phòng ban tương tự nhưng ở các thị trường, nước khác nhau để trau dồi thêm kinh nghiệm làm việc.

Về khó khăn thứ hai, để sản phẩm ngân hàng gần gũi với người dân hơn, tăng tỷ lệ sử dụng và có tài khoản ngân hàng thì một trong những điều chúng ta có thể làm là xây dựng lòng tin vào hệ thống ngân hàng và cung cấp nhiều sản phẩm ngân hàng chất lượng cao giúp người dân quản lý tài chính của mình tốt hơn. Ngoài ra, chúng tôi hướng dẫn, giới thiệu cho người dân Việt Nam hiểu rõ các lợi ích của các dịch vụ ngân hàng cá nhân để từ đó nhiều người sẽ sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng một cách thông minh và hiệu quả hơn. Ngân hàng HSBC vừa qua đã giới thiệu thư viện trực tuyến tài chính cá nhân để cung cấp kiến thức và hướng dẫn người đọc cách sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng một cách an toàn và thông minh nhất.

 Ngân hàng Việt" Phối hợp để vượt qua thách thức ảnh 2

HSBC Việt Nam vừa công bố lợi nhuận năm 2012, ông có thể cho biết lợi nhuận chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh nào? Kế hoạch của HSBC tại Việt Nam trong năm 2013 và dài hạn là gì?

Chúng tôi đạt được kết quả kinh doanh tốt và đóng góp lợi nhuận ở tất cả các bộ phận như dịch vụ tài chính DN và hoạt động của Phòng nghiệp vụ tài chính toàn cầu, Phòng kinh doanh vốn và tiền tệ, khối dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài chính.

HSBC đã là ngân hàng quốc tế lớn nhất tại Việt Nam , nhưng mong muốn của chúng tôi là ngày càng trở nên tốt hơn và được công nhận là Ngân hàng tốt nhất Việt Nam trên mọi lĩnh vực. Chúng tôi không chỉ có mạng lưới quốc tế rộng lớn, mà tại Việt Nam, chúng tôi cũng có một mạng lưới nội địa vững mạnh với 16 chi nhánh và phòng giao dịch cùng với 2 văn phòng đại diện.

Mục tiêu của HSBC là phát triển hoạt động kinh doanh ngày càng lớn mạnh, giúp đỡ mọi người thực hiện được những nguyện vọng, những mơ ước của họ và giúp họ hiện thực hóa những hoài bão của mình. Và để làm được những điều đó, ngân hàng sẽ tiến hành tận dụng hệ thống văn phòng rộng khắp của HSBC trên toàn cầu để kết nối những thị trường đang phát triển như Việt Nam với các thị trường mới nổi khác và giúp khách hàng của HSBC kết nối với những thị trường đầy tiềm năng khác.

Chúng tôi dự định phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2013, thu hút nhiều khoản tiền gửi và mở rộng cho vay, tài trợ thương mại cho khách hàng của HSBC. Ngân hàng cũng sẽ đẩy mạnh dịch vụ Ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam, bằng cách cung ứng những giải pháp quản lý tài sản cho khách hàng và tạo điều kiện cho khách hàng có thể tiếp cận nhiều hơn với những sản phẩm hấp dẫn của ngân hàng như tiền gửi, tiền gửi cấu trúc, các sản phẩm cho vay và thẻ tín dụng.

Việt Nam là một trong những thị trường chiến lược quan trọng đối với HSBC và ngân hàng đang tiếp tục đầu tư nhiều hơn cho hoạt động kinh doanh của HSBC tại Việt Nam . Mặc dù đang trong thời điểm khó khăn nhưng Ban lãnh đạo ngân hàng tin rằng đó chỉ là thời gian trước khi nền kinh tế Việt Nam quay trở lại và khẳng định vị trí của mình như là một câu chuyện kinh tế thành công ở châu Á.