Lãi suất 21%/năm là rào cản quá lớn với bài toán vay - trả

Lãi suất 21%/năm là rào cản quá lớn với bài toán vay - trả

Ngập ngừng… lãi suất, giải ngân

(ĐTCK-online) Hai tuần qua, thị trường chứng kiến việc hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất cả huy động và cho vay, một mặt bằng lãi suất mới đã được thiết lập. Lãi suất giảm và quan trọng hơn là đang theo xu hướng giảm, điều này đúng với kỳ vọng của khối doanh nghiệp. Nhưng đó là lãi suất, còn có giải ngân được hay không lại là chuyện khác, các ngân hàng và bản thân doanh nghiệp đi vay vẫn… ngập ngừng.

Nhìn vào con số thống kê, có thể thấy 3 tháng vừa qua hay nói chính xác là cả quý III, tốc độ tăng trưởng tín dụng gần như bằng không. Nhiều lý do giải thích cho chuyện này, lớn nhất phải kể đến các ngân hàng thận trọng hơn khi nhìn vào bối cảnh kinh tế chung, về phía khách hàng thì lãi suất 21%/năm là rào cản quá lớn với bài toán vay - trả.

Đó là tình hình của 3 tháng qua, còn với những tuyên bố mới nhất của các ngân hàng thì những doanh nghiệp có uy tín, có hoạt động kinh doanh tốt vẫn có thể tiếp cận được mức lãi suất khoảng 17,5%/năm. Dải "băng tần" lãi suất cho vay đã được các ngân hàng mở rộng hơn từ 17,5%/năm đến 21%/năm tùy theo từng khách hàng.

Nhưng dù có như vậy thì các doanh nghiệp vẫn đang cố gắng tìm hướng khác tiếp cận vốn, thay vì đến ngân hàng. Ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã cho rằng, lãi suất cho vay ở mức 15%/năm thì các doanh nghiệp mới có thể xoay xở được.

Về phía ngân hàng, không phải không trông thấy điều đó, nhưng bài toán mà các ngân hàng phải tính còn lớn hơn nhiều. Vốn khả dụng đã tương đối dồi dào thể hiện ở lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh (còn khoảng 13%/năm), chính điều này là một lý do quan trọng để các ngân hàng hạ lãi suất huy động khá mạnh như trong 2 tuần vừa qua. Thế nhưng, để tiếp tục hạ thêm nữa nhằm giảm cả mặt bằng lãi suất huy động và cho vay xuống thấp hơn hiện nay thì cần phải thời gian.

Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, việc hạ lãi suất huy động mạnh có thể khiến khách hàng rút tiền gửi ngân hàng khác "như chơi", nếu tình huống đó xảy ra thì rất nguy bởi nó đánh thẳng vào thanh khoản của ngân hàng. Dù vốn khả dụng đã thoải mái hơn nhưng cũng chỉ là ngắn hạn, rất khó lường trước thị trường cuối năm thế nào. Việc hạ lãi suất phải theo đúng phương châm "ném đá dò đường", hạ từ từ theo mặt bằng chung.

Một mối lo còn lớn hơn đó là nợ quá hạn, thành quả của hàng nghìn nhân viên ngân hàng cả năm hoặc thậm chí vài năm trước đó có thể bị xóa sổ nếu một vài khoản vay lớn gặp vấn đề.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP. HCM cho biết, ngân hàng đã có chủ trương đẩy mạnh vốn ra thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp dịp cuối năm nhưng trên cơ sở siết chặt hơn các điều kiện cho vay, nhằm hạn chế tối đa nợ xấu. Tuy nhiên, ông này cũng thừa nhận, khác với trước, hiện khách hàng vay vốn là cá nhân và đặc biệt doanh nghiệp đều có sự tính toán, đắn đo kỹ trước khi quyết định mượn tiền ngân hàng. 

Ngay ACB, đầu tháng 9 này đã có tuyên bố về một khoản 15.000 tỷ đồng cho những tháng cuối năm, nhưng qua một tháng triển khai tình hình giải ngân không quá cao. Trong đợt đầu, ACB đưa ra 5.000 tỷ đồng phục vụ doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể và khách hàng cá nhân, lãi suất tùy theo thời điểm giải ngân và quan hệ tín dụng của khách hàng, trung bình khoảng 20%/năm. Theo ông Phạm Trung Cang, Phó chủ tịch thường trực HĐQT ACB, sau một tháng triển khai, Ngân hàng mới giải ngân được 1.000 tỷ đồng.

Theo ông Cang, tiến độ giải ngân này vẫn còn khá chậm. Một phần, do thị trường đang trên đà phục hồi. Các doanh nghiệp mới đầu bắt tính đến kế hoạch tái triển khai việc mở rộng sản xuất kinh doanh. Theo dự đoán của ông Cang, có thể trong những tháng tới khi thị trường ổn định, kinh tế tăng trưởng trở lại thì nhu cầu vay vốn doanh nghiệp sẽ cao hơn. Đặc biệt là giai đoạn cuối năm khi doanh nghiệp có nhu cầu vốn để phục vụ cho việc sản xuất, kinh doanh và nhập hàng dự trữ phụ vụ dịp Tết Nguyên đán, sức mua hàng cũng tăng theo. Vì vậy, ACB tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch giải ngân vốn, đồng thời điều chỉnh lãi suất xuống mức thích hợp, nhằm chia sẽ phần nào khó khăn cho người vay.