Nhà băng thận trọng và tự tin với kế hoạch 2013

Nhà băng thận trọng và tự tin với kế hoạch 2013

(ĐTCK) Rất ít ngân hàng đạt kế hoạch lợi nhuận năm 2012, nên sự thận trọng cho năm 2013 là dễ giải thích. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số ngân hàng “không ngại” đặt mục tiêu cao cho năm nay, khi họ có niềm tin vào sự phục hồi kinh tế.

Nhà băng thận trọng và tự tin với kế hoạch 2013 ảnh 1

Sacombank dự kiến mức lợi nhuận năm 2013 là 2.800 tỷ đồng

 

Thấp nhưng không ngại!

Kết quả thu về của các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ trong năm qua sụt giảm đáng kể trước bối cảnh thị trường khó khăn của năm 2012. Rất ít nhà băng đạt được 50% chỉ tiêu lợi nhuận kế hoạch do phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cao.

Tại Southern Bank, theo báo cáo kết quả tài chính năm 2012, lợi nhuận trước khi trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của Ngân hàng đạt được trong năm qua là hơn 596 tỷ đồng. Tuy nhiên, do mức trích lập dự phòng lên đến hơn 474 tỷ đồng khiến lợi nhuận của Ngân hàng chỉ còn hơn 121 tỷ đồng, tương đương mức giảm hơn 50% so với năm 2011. Còn nếu so với kế hoạch lợi nhuận Southern Bank đặt ra cho năm 2012 là 650 tỷ đồng thì tỷ lệ giảm còn lên tới khoảng 80%. Thêm một chi tiết đáng chú ý là không chỉ năm 2012, mà ngay năm trước đó Southern Bank cũng chỉ đạt 50% lợi nhuận kế hoạch.

Khoản lỗ lớn nhất của Southern Bank gắn với hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh, với mức lỗ thuần đến 550 tỷ đồng. Mặt khác, nợ xấu của Southern Bank đến cuối năm 2012 đã xấp xỉ tỷ lệ 3% (tương đương mức 1.317 tỷ đồng, tăng 496 tỷ đồng so với đầu năm) khiến tỷ lệ trích lập cao như nói ở trên.

Hai năm liên tiếp gặp “trục trặc” ở khâu lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch, nhưng điều đáng quan tâm là Southern Bank tỏ ra vẫn tự tin cho năm 2013. Theo nội dung tờ trình cổ đông trong phiên họp thường niên dự kiến diễn ra vào ngày 24/4 tới, Southern Bank vẫn đưa ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế ở mức 560 tỷ đồng, tăng đáng kể so với mức thực hiện của năm 2012. Tỷ lệ cổ tức dự kiến chi trả cho cổ đông cũng ở mức 8%.

Chưa hết, dù đưa kế hoạch tăng trưởng khá cao, nhưng phần nhận định tình hình của HĐQT Southern Bank lại khá thận trọng khi cho biết kinh tế năm nay còn nhiều khó khăn nên đây cũng là năm Ngân hàng tập trung chấn chỉnh, cũng cố và tái cấu trúc toàn diện để làm cơ sở cho những năm phát triển tiếp theo (!).

MeKong Bank, năm 2012 cũng chỉ đạt 37% chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra, với mức 147 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại ĐHCĐ vừa diễn ra vào tháng trước, MeKong Bank đã trình cổ đông thông qua chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2013 ở mức 300 tỷ đồng.

Hiện MeKong Bank đã có cổ đông chiến lược là Fullerton Financial Holdings (FFH) năm 20% cổ phần. Chiến lược phát triển của MeKong Bank là tiếp tục tập trung vào các mảng thị trường trọng yếu như: bán lẻ, cho vay nông nghiệp và SMEs. Tuy nhiên, ông Tay Han Chong, Tổng giám đốc MeKong Bank cũng thừa nhận, tín dụng sẽ còn nhiều khó khăn.

Nợ xấu tăng, nhà băng phải gia tăng khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng khiến lợi nhuận ngày càng hao mòn. Theo đánh giá của các chuyên gia ngân hàng, khác với mọi năm, cuối năm nay các ngân hàng khó có thể được hoàn nhập khoản trích lập dự phòng, bởi nợ xấu sẽ còn xu hướng tăng thêm. Đáng chú ý là ở các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, việc đưa mức lợi nhuận kế hoạch cao không đạt được mục tiêu “tạo động lực” mà có khi lại phản tác dụng bởi kế hoạch đó rất dễ biến thành “áp lực”.

Đáng chú ý là những ngân hàng đang trong diện tái cơ cấu và nợ xấu tăng cao khó có thể loại trừ việc “ăn” thâm vào vốn. Các quy định về trích lập dự phòng theo yêu cầu của NHNN đưa ra mới đây, nhất là với quy định mới về việc phân loại tài sản có; mức trích, phương pháp trích dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng tại Thông tư 02/2013/TT-NHNN dự kiến được áp dụng trong tháng 6/2013 sẽ có những khó khăn và ảnh hưởng nhất định đến lợi nhuận ngân hàng trong năm nay.

 

Ngại nên thận trọng!

HĐQT NamA Bank cho biết, trong năm nay Ngân hàng sẽ phấn đấu nâng tổng tài sản lên mức 28.000 tỷ đồng, tăng 74,72% so với năm 2012; lợi nhuận trước thuế phấn đấu đạt 400 tỷ đồng so với mức thực hiện của năm 2012 là gần 241,5 tỷ đồng (chỉ tiêu lợi nhuận ban đầu NamA Bank đưa ra cho năm 2012 là 600 tỷ đồng).

Tuy chỉ tiêu lợi nhuận xây dựng cho năm nay thấp hơn chỉ tiêu năm ngoái là 200 tỷ đồng, nhưng tân Tổng giám đốc NamA Bank ông Trần Ngô Phúc Vũ cho biết, áp lực lên Ban điều hành vẫn là không nhỏ.

Để có thể đạt được kế hoạch lợi nhuận đưa ra, theo ông Vũ, NamA Bank sẽ đẩy mạnh chiến lược bán lẻ, trong đó với hoạt động tín dụng tập trung vào khách hàng là các tiểu thương, hộ kinh doanh cá thể, cá nhân… với các sản phẩm, dịch vụ và thủ tục nhỏ, gọn để đáp ứng nhu cầu người vay.

Chủ tịch HĐQT một ngân hàng có mức vốn trên 4.000 tỷ đồng cho hay, năm nay Ngân hàng ông chỉ dám đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận ngang bằng với mức thực hiện của năm 2012 là 300 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận của nhà băng này cho năm ngoái là 500 tỷ đồng nhưng phải rất nỗ lực mới đạt xấp xỉ mức đề ra. Tuy nhiên, do phải trích lập dự phòng cao nên lợi nhuận sau trích lập chỉ còn lại 300 tỷ đồng.

“Với tình hình hàng tồn kho tăng, sức mua giảm hiện nay thì để đạt được chỉ tiêu lợi nhuận đề ra dù khá khiêm tốn nhưng vẫn khó đối với nhiều ngân hàng. Vì thực tế, nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận hiện chủ yếu từ tín dụng. Nhưng cái khó trong hoạt động của ngành năm nay đó chính là tăng trưởng tín dụng không thể phát triển, nợ xấu lại ngày càng gia tăng khi khả năng trả nợ của khách hàng yếu dần”, vị Chủ tịch HĐQT Ngân hàng trên đưa ra nhận định. 

Câu chuyện trên không chỉ riêng của các ngân hàng nhỏ, mà các ngân hàng lớn cũng phải quan tâm. Theo báo cáo sơ bộ, kết quả quý I của hầu hết các ngân hàng lớn chưa đạt tới 50% so với cùng kỳ.

Tại Eximbank, HĐQT dự kiến trình cổ đông chỉ tiêu lợi nhuận 2013 ở mức 3.200 tỷ đồng trong kỳ họp vào ngày 26/4 tới đây. Đây là mức dễ hiểu bởi năm 2012, Eximbank cũng chỉ hoàn thành được 70% kế hoạch lợi nhuận 4.600 tỷ đồng đưa ra cho cả năm.

Tương tự, Sacombank cũng vừa đưa ra thông tin về chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế trình ĐHCĐ trong kỳ họp vào ngày 25/4, với mức 2.800 tỷ đồng so với mức dự kiến ban đầu là 3.200 tỷ đồng.

Theo đánh giá của PGS. TS. Trần Hoàng Ngân, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, với tình hình tín dụng khó tăng trưởng mạnh năm nay thì ngân hàng khó có thể kỳ vọng lợi nhuận ở mức cao, và cũng không nên xây dựng mức kỳ vọng cao bởi nợ xấu sẽ rất khó có thể xử lý trong thời gian ngắn.