Nhà đầu tư nước ngoài tăng mua cổ phiếu trong S&P Vietnam 10

(ĐTCK-online) Tổ chức Standard and Poors vừa công bố 10 cổ phiếu lọt vào danh sách bộ chỉ số S&P Vietnam 10 Index. Những mã cổ phiếu có tên trong danh sách này như FPT, SJS, PVD… đều vốn được quan tâm lớn trên TTCK Việt Nam. Điều đặc biệt là các mã này trong tuần qua, kể từ khi chính thức được công bố đạt danh hiệu uy tín này đã được nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) mua vào khá nhiều.

Điều này đã góp phần đáng kể kéo thị trường dần ổn định, tránh cú sốc giảm điểm sau sự ảnh hưởng không nhỏ từ nền kinh tế thế giới cũng như TTCK quốc tế. Liệu đây có phải sự trùng hợp ngẫu nhiên hay danh sách S&P 10 đang cứu thị trường nhờ chủ ý lựa chọn của các nhà ĐTNN?

Theo ông Phạm Thành Thái Lĩnh, chuyên viên phân tích CTCK Bảo Việt (BVSC), người đã từng có thời gian nghiên cứu một số bộ chỉ số quốc tế (S&P 500 (Mỹ), Dow Jones (Mỹ), TSE 300 (Canada), MIB 30 (Ý))… khẳng định khả năng trùng hợp ở đây là rất nhỏ, nếu không muốn nói là không có.

Để được vào danh sách này, các công ty trên phải đạt được các tiêu chuẩn khắt khe của tổ chức S&P như: room nước ngoài còn trên 5 triệu USD, tổng vốn hóa không tính phần nhà nước sở hữu trên 50 triệu USD, tính thanh khoản tốt (giao dịch trung bình trong 3 tháng gần nhất phải đạt trên 250.000 USD/ngày) và quan trọng nhất là công ty đó phải có hệ thống quản trị doanh nghiệp (corporate governance) đạt các tiêu chuẩn của tổ chức này.

Với các yêu cầu khắt khe của bộ chỉ số như thế, theo ông Lĩnh, việc giá tăng mạnh sau khi giành được danh hiệu uy tín trên là điều dễ hiểu. Tại các nước, sau khi lọt vào bộ chỉ số như S&P 500 (Mỹ), Dow Jones (Mỹ), TSE 300 (Canada), MIB 30 (Ý), DAX 100 (Đức) và Nikkei 500 (Nhật)…, giá cổ phiếu của các công ty này thường tăng từ 20-25%.

Hơn thế, qua nghiên cứu của ông Lĩnh, kết quả của bộ chỉ số là: làm tăng sự chú ý (của báo chí và NĐT đối với công ty và yếu tố này sẽ tăng số lượng NĐT tiềm năng); tăng tính thanh khoản (các công ty được đưa vào danh sách S&P 500 thường tăng trên 30% tính thanh khoản). Điều này sẽ tăng mức độ hấp dẫn của khối cổ phiếu này, cũng như sẽ giúp cổ phiếu này đạt được giá trị thực trong thời gian ngắn hơn.

Tại Việt Nam, do đây là bộ chỉ số đầu tiên do hãng định mức tín nhiệm hàng đầu thế giới S&P xây dựng nên ý nghĩa của nó càng lớn, nhất là đối với NĐTNN, khi xét về bản chất, các bộ chỉ số như thế này tạo điều kiện cho NĐT quốc tế tiếp cận và giao dịch với TTCK trong nước một cách có định hướng.

Phân tích đánh giá có định lượng tại các diễn biến giao dịch trong 5 ngày tuần trước (từ 22/9-26/9), ông Lĩnh cho biết khối NĐTNN đang tập trung mua vào các mã cổ phiếu trong danh sách S&P Vietnam 10, riêng 10 mã cổ phiếu này đã chiếm tới 50-70% tổng giá trị mua của khối này, có phiên lên tới 80% tổng giá trị mua vào. Ngoài ra, tỷ lệ NĐTNN mua/tổng giá trị giao dịch hàng ngày cũng cho thấy khối này đang đẩy mạnh việc mua các mã cổ phiếu trên. Tính thanh khoản của 10 mã cổ phiếu này cũng đang được cải thiện khi giao dịch của 5 ngày vừa qua đang ở mức cao hơn mức giá trị giao dịch trung bình/ngày, kể từ tháng 6/2008. (Xem bảng)

Tại một số thị trường như Mỹ, Úc …, cứ một tháng các bộ chỉ số như thế này lại được cơ cấu lại một lần. Cũng có thị trường, mức độ biến động trở nên thường xuyên hơn. Được biết, S&P Vietnam 10 có thể được sắp xếp lại theo quý.

“Nhìn nhận diễn biến tăng giảm giá CP sau khi danh sách các công ty thuộc bộ chỉ số được thay đổi, mới thấy các công ty bị loại khỏi danh sách thường có cổ phiếu bị giảm giá đáng kể, còn số công ty lọt vào danh sách cũng như vẫn đứng trong bộ chỉ số thì giá cổ phiếu thường tăng nhiều và duy trì giá ở mức ổn định. Do đó, khó có thể nói là trùng hợp được, nhất là khi NĐTNN tham gia mua ròng ở tất cả 10 mã cổ phiếu thuộc Bộ chỉ số này”, ông Lĩnh khẳng định.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến không hoàn toàn đồng nhất với quan điểm trên. Trưởng phòng phân tích Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh - CTCK Doanh nghiệp Nhỏ&Vừa (SMEC), ông Hoàng Thạch Lân cho rằng, đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi trong thời gian trước đó, kể từ đầu năm đến nay, NĐTNN đã tập trung mua vào một số mã: DPM, PVD… “Việc công bố kết quả 8 tháng đầy ấn tượng của khối doanh nghiệp này, cũng như thương hiệu của các mã này, trên thị trường được đánh giá là Blue-chip hay thuộc nhóm cổ phiếu tăng trưởng cao… đã khiến cho NĐTNN không thể không mua vào. Song, cũng có thể coi S&P Vietnam 10 như một chỉ số mang tính tham khảo, cho biết lượng vốn hoá cũng như giá trị giao dịch của các cổ phiếu trong nhóm”, ông Lân nói.

Song, dù là trùng hợp ngẫu nhiên hay mang sức ảnh hưởng trực tiếp thì theo giới phân tích, S&P Vietnam 10 được ra đời và công bố trong “điều kiện cần” (thị trường xuống mạnh, tâm lý NĐT không ổn định). NĐTNN, với động thái mua dần các mã này đã kéo thị trường đi lên, ổn định lại tâm lý cho NĐT. Tại một số phiên giao dịch, NĐTNN mua ngay từ đợt 1 đã khiến thị trường trong ngày giao dịch đó thực sự khởi sắc. Dù có hay không thì với việc công bố S&P Vietnam 10, NĐTNN dường như vẫn là người xác lập xu thế thị trường, còn NĐT trong nước hiện vẫn là người chạy theo xu thế.