Nhịn miệng… giữ khách

Nhịn miệng… giữ khách

Tất cả các thành viên của VNBA cho biết, sẽ nghiêm túc thực hiện quy định tại Công điện 02 của Ngân hàng Nhà nước.

Sau một thời gian ngắn tăng lãi suất cho vay theo cuộc đua lãi suất huy động, một số ngân hàng bắt đầu cắt giảm lãi suất cho vay, với mục đích giữ chân khách hàng. So với cuối tháng 2, lãi suất cho vay của một số ngân hàng cổ phần đã giảm 3 - 4%/năm.

Chẳng hạn, Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) đã có chính sách lãi suất cho vay hấp dẫn cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Các mức lãi suất cho vay VND của SeABank dao động dựa trên lãi suất tiền gửi 13 tháng cộng biên độ từ 0,25 - 0,4%/tháng, tùy thuộc thời hạn vay. Hiện mức lãi suất tiền gửi 13 tháng tại SeABank là 1%/tháng, khách hàng đang gửi tiết kiệm thông thường được hưởng mức lãi suất cho vay VND tối thiểu 1,25%/tháng khi có nhu cầu vay tiền trước kỳ hạn sổ với mức tối đa 90% giá trị sổ. SeABank cho biết, việc điều chỉnh lãi suất cho vay là nhằm giải tỏa áp lực cho khách hàng khi vay vốn trong bối cảnh lãi suất huy động đã tăng cao. Trước đó, khi Công điện 02/CĐ-NHNN khống chế lãi suất huy động không quá 12%/năm chưa phát đi, SeABank là một trong những ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất huy động lên mức 14,4%/năm.

Tuy không điều chỉnh lãi suất đầu ra, nhưng Ngân hàng An Bình (ABBank) cho biết, trong bối cảnh hiện nay, Ngân hàng luôn có sự lựa chọn đối tượng khách hàng trong vay vốn. ABBank sẽ hỗ trợ những khách hàng đã có mối quan hệ với Ngân hàng trước đó về lãi suất cho vay, không tăng cao sau khi điều chỉnh lãi suất đầu vào. Theo ABBank, tình trạng cung - cầu tiền đồng vẫn khá căng thẳng, đang gây áp lực lên hoạt động của Ngân hàng, nhưng nếu áp mức lãi suất cho vay cao sẽ khó giữ được khách hàng vay vốn. Hiện lãi suất cho vay tại ngân hàng này chủ yếu do thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng.

Sau khi Công điện 02 được phát đi, các ngân hàng đều áp dụng mức lãi suất huy động không cao hơn mức trần cho phép. Tuy nhiên, trong bối cảnh cung tiền đồng vẫn khan hiếm, cầu luôn cao hơn cung, nhằm đảm bảo thanh khoản do thiếu hụt tiền hoặc chịu gánh nặng lãi suất huy động cao do cuộc chạy đua lãi suất vừa qua, nhiều ngân hàng, kể cả ngân hàng thương mại quốc doanh, đều có động thái hạn chế cho vay hoặc tăng lãi suất cho vay. Nhiều ngân hàng áp dụng mức lãi suất cho vay cầm cố sổ tiết kiệm 17 - 18%/năm, cao hơn  5%/năm so với trước Tết Nguyên đán.

Lãi suất tăng cao, khách hàng vay vốn phải gánh chịu. Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng. Lãi suất vay vốn tăng cao, cộng với việc tỷ giá giảm mạnh gần đây… đã tạo sức ép lớn đối với các nhà xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Bên cạnh đó, những người có nhu cầu vay vốn mua nhà, đất, vật dụng trong gia đình… cũng gặp phải khó khăn.

Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã họp với các ngân hàng thành viên để thống nhất điều chỉnh lãi suất huy động và cho vay hợp lý hơn. Tất cả các thành viên của VNBA cho biết, sẽ nghiêm túc thực hiện quy định tại Công điện 02 của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài mức lãi suất huy động không quá 12%/năm, ngân hàng sẽ không cộng thêm các hình thức khuyến mại (bằng tiền và hiện vật) hoặc các chương trình dự thưởng khác. Còn với lãi suất cho vay sẽ được tính đúng, tính đủ các chi phí cộng lợi nhuận hợp lý, có xem xét tính cạnh tranh.

Tuy nhiều ngân hàng hiện vẫn cho vay với lãi suất cao, nhưng theo đánh giá của một chuyên gia trong ngành, nếu tình hình này kéo dài chắc chắn nhiều khách hàng, nhất là các doanh nghiệp sẽ hạn chế sử dụng kênh huy động vốn từ ngân hàng. Chính vì vậy, để giữ vững thị phần cũng như thu hút thêm nhiều khách hàng mới, các ngân hàng nên xem xét việc điều chỉnh lãi suất huy động cũng như cho vay.