Những dự án “đầu voi, đuôi chuột”

Những dự án “đầu voi, đuôi chuột”

Khoảng 120 km bờ biển “vàng” của tỉnh Thừa Thiên Huế dường như đã bị băm nát, hầu hết đã được các chủ đầu tư dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng “xí phần”. Tuy nhiên, đến nay, số lượng dự án đưa vào sử dụng chỉ đếm trên đầu ngón tay…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước và triển khai thực hiện các dự án đầu tư bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2001 - 2010. Theo đó, nhiều dự án được cấp phép với diện tích lớn, nhưng triển khai rất chậm.

Cao điểm cấp phép đầu tư với những dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại Thừa Thiên Huế tập trung vào các năm 2007, 2008 - thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành và trao quyền cấp phép cho địa phương. Theo Kết luận thanh tra, năm 2007, tại Thừa Thiên Huế, đã có 14 dự án được cấp phép đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 15.400 tỷ đồng, chiếm diện tích đất gần 578 héc-ta. Năm 2008, đã có 10 dự án được cấp phép đầu tư, với tổng vốn đăng ký 13.550 tỷ đồng, chiếm diện tích đất gần 670 héc-ta.

Cho đến thời điểm Đoàn thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào cuộc, đã có 44 dự án được cấp phép (4 dự án đã bị thu hồi giấy phép đầu tư), 40 dự án đang hoạt động có tổng vốn đăng ký khoảng 30.550 tỷ đồng. Tuy nhiên, Đoàn thanh tra đã phát hiện một thực trạng đáng lo ngại là, số vốn thực hiện chỉ đạt 1.318 tỷ đồng, bằng 4,3% vốn đăng ký.

Bắt tay vào thanh, kiểm tra 29/40 dự án, cơ quan thanh tra phát hiện nhiều sai sót trong việc triển khai dự án.

Đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra 2 dự án đã xây dựng xong, đi vào hoạt động. Tại Dự án Khu du lịch Thuận An - Tân Mỹ, Đoàn thanh tra phát hiện chủ đầu tư Dự án là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thuận An trong quá trình thực hiện Dự án đã vay vốn ngân hàng để đầu tư. Do hoạt động thua lỗ, bị phát mại và bán đấu giá tài sản. Tháng 1/2009, Công ty cổ phần Điện tử tin học đã mua lại dự án này, nhưng nhà đầu tư chưa làm lại thủ tục đăng ký đầu tư sau khi chuyển nhượng dự án. Tại Dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Làng Hành Hương đã sử dụng hơn 5.500 m2 đất ở, đất vườn vào việc xây dựng khu du lịch để kinh doanh, nhưng chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Tại 4 dự án đã hoàn thành một phần đưa vào sử dụng, Đoàn thanh tra đã phát hiện nhiều sai sót. Cụ thể, tại Dự án Khu du lịch Thanh Tâm được cấp giấy chứng nhận đầu tư có thời hạn thuê đất là 50 năm, nhưng trong hợp đồng thuê đất, thì thời hạn thuê đất chỉ có 34 năm. Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Làng Xanh Lăng Cô tạm ngừng triển khai một số hạng mục công trình, song không thông báo với cơ quan nhà nước, vốn pháp định của doanh nghiệp chưa góp đủ. Dự án Khu du lịch sinh thái Lăng Cô chưa triển khai thực hiện giai đoạn II, do chưa giải phóng được mặt bằng. Còn Dự án Khu nghỉ mát Lăng Cô, Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Du lịch Lăng Cô thực hiện giai đoạn III của Dự án được phép xây dựng biệt thự để bán, cho thuê không phù hợp với nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty này (không có có ngành nghề kinh doanh bất động sản).

Các dự án đang triển khai xây dựng cũng có vấn đề: Dự án Laguna Huế được miễn tiền thuê đất 15 năm đối với diện tích 994.000 m2 để phục vụ hoạt động giải trí là chưa đúng quy định; Dự án Khu du lịch sinh thái Vedanna chưa thực hiện việc xin miễn tiền thuê đất theo quy định; Dự án Khu nghỉ dưỡng ven biển Lăng Cô chậm tiến độ (khởi công từ năm 2007, cam kết hoàn thành vào năm 2010, nhưng đến nay, vẫn trong quá trình xây dựng); Dự án Khu Du lịch bến thuyển Thể thao du lịch dưới nước Lăng Cô chậm tiến độ 12 tháng so với giấy chứng nhận đầu tư, khối lượng thực hiện mới đạt hơn 18% tổng vốn đầu tư; Dự án Khu du lịch sinh thái Về Nguồn chậm tiến độ 36 tháng, nhưng chưa có văn bản cho phép gia hạn tiến độ; Dự án Khu du lịch Làng Việt chưa có quyết định của UBND tỉnh cho thuê đất, chưa ký hợp đồng cho thuê đất, nhưng vẫn thực hiện bàn giao giải phóng mặt bằng vào ngày 30/7/2009 và đang trong quá trình xây dựng.

Đoàn thanh tra xác định, 2 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng và 4  dự án mới hoàn thành một phần đều chậm tiến độ. Các dự án đang triển khai xây dựng cũng chậm tiến độ, vốn thực hiện các dự án này chỉ đạt 706 tỷ đồng/hơn 19.500 tỷ đồng vốn đầu tư đăng ký (bằng 4%). Đặc biệt là các dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển Lăng Cô (vốn đăng ký 13.879 tỷ đồng, thực hiện 517 tỷ đồng, bằng 4%), Dự án Khu du lịch bến thuyền Thể thao dưới nước Lăng Cô (vốn đăng ký 80,4 tỷ đồng, thực hiện 13,6 tỷ đồng, bằng 17%), Dự án Khu du lịch xanh Lăng Cô (vốn đăng ký 169 tỷ đồng, thực hiện 11,5 tỷ đồng, bằng 7%)… Cá biệt, có 5 dự án gần như không triển khai xây dựng, đang bị kiến nghị thu hồi.

Tổng hợp 29 dự án đã kiểm tra, tính đến ngày 31/12/2010, vốn thực hiện chỉ đạt hơn 1.200 tỷ đồng/29.207 tỷ đồng vốn đầu tư (đạt 4%), trong khi đó diện tích đất đã giao cho các dự án này thực hiện là 390/753,8 ha đất đăng ký (bằng 52%).

 

Năm dự án “rùa bò”

Cả 5 dự án mà Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành thanh tra đều có điểm chung là đã có hợp đồng thuê đất, tổng vốn đầu tư lớn và điều đặc biệt là, cả 5 dự án đều tọa lạc ở bãi biển Lăng Cô - bãi biển đẹp nhất miền Trung.

Dự án Khu Du lịch sinh thái biển Lăng Cô được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 7/11/2007 với tổng vốn đầu tư 130 tỷ đồng. Theo báo cáo của CTCP Du lịch sinh thái Lăng Cô, đến ngày 30/12/2010, khối lượng thực hiện dự án chỉ đạt 15%, tương đương 8 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhà đầu tư chưa có hồ sơ, tài liệu chứng minh. Tiến hành kiểm tra, doanh nghiệp này không có trụ sở chính tại địa chỉ như đăng ký trong Giấy chứng nhận đầu tư. Dự án đã chậm triển khai hơn 3 năm, nhưng chủ đầu tư chưa xin giấy phép xây dựng, mới chỉ san lấp được một phần nhỏ diện tích mặt bằng và không có văn bản báo cáo giải trình về việc chậm, hoặc tạm ngừng, giãn tiến độ triển khai.

Theo báo cáo của ông Đoàn Thanh Hà, người đại diện theo pháp luật của Công ty, do việc vay vốn ngân hàng gặp nhiều khó khăn, nên Công ty chưa đủ năng lực để triển khai dự án. Tại Báo cáo tài chính năm 2010, đến ngày 31/12/2010, 3 cổ đông của Công ty mới góp được 10 tỷ đồng để thực hiện Dự án.

Dự án thứ hai là Khu du lịch nghỉ mát sinh thái biển Diana, được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 24/12/2007, với tổng vốn đầu tư 232,19 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2010, khối lượng thực hiện dự án chỉ đạt hơn 10%, nhưng không có hồ sơ, tài liệu chứng minh. Dự án đã chậm tiến độ hơn 31 tháng, nhưng chủ đầu tư mới thực hiện được một số công việc như san ủi mặt bằng, xây tường rào, đường nội bộ, nhà điều hành dự án mà không có báo cáo giải trình về việc chậm tiến độ. Cơ quan thanh tra còn phát hiện, chủ đầu tư là CTCP Dịch vụ đầu tư và thương mại Việt không đủ năng lực để thực hiện Dự án, bởi đến ngày 31/12/2010, số vốn góp để thực hiện Dự án chỉ có 10,5 tỷ đồng.

Cũng giống như 2 dự án trên, Dự án Khu biệt thự, du lịch sinh thái Lăng Cô được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 1/8/2007, với tổng vốn 144,8 tỷ đồng. Ngoài việc chậm tiến độ 36 tháng, không thực hiện báo cáo chậm, giãn tiến độ, thì khi Đoàn thanh tra yêu cầu chủ đầu tư dự án là CTCP Đầu tư xây dựng và trang trí nội thất Handico phải cung cấp hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh khối lượng thực tế đã thực hiện, giá trị giải ngân vốn đầu tư theo báo cáo của chủ đầu tư, Công ty chưa xuất trình đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan thanh tra.

Một dự án khác là Dự án Khu nghỉ dưỡng quốc tế Hòa Bình, có tổng vốn đầu tư 186,2 tỷ đồng, không những chậm tiến độ hơn 36 tháng, khối lượng thực hiện đến nay mới gần 5 tỷ đồng và Dự án vẫn là một khu đất trống, mà cơ quan thanh tra đã phát hiện chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện khi vốn đầu tư của chủ sở hữu chỉ có 5,34 tỷ đồng. Cơ quan thanh tra còn phát hiện, chủ đầu tư là CTCP Đầu tư phát triển Hòa Bình - Huế không có trụ sở chính tại địa điểm đã đăng ký trong Giấy chứng nhận đầu tư.

Dự án cuối cùng là Dự án Khu liên hiệp nghỉ dưỡng Conic - Lăng Cô, được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ ngày 12/11/2006 với số vốn đầu tư 294 tỷ đồng, cam kết hoàn thành vào tháng 12/2008, nhưng đến nay vẫn là một bãi đất trống, không có trụ sở chính, vốn chủ sở hữu chỉ có 20 tỷ đồng.

 

Hàng loạt dự án khác không có năng lực triển khai

Ngoài 5 dự án trên, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của Dự án Khu du lịch Thuận An Resort. Dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 14/8/2008, tổng vốn đầu tư 288 tỷ đồng, cam kết khởi công vào tháng 11/2009 và hoàn thành tháng 12/2011. Đến ngày 16/3/2011, chủ đầu tư Dự án là CTCP Du lịch Hương Giang mới ạm ứng cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng 75 triệu đồng, chưa tiến hành các hoạt động tiếp theo và không có khả năng thực hiện dự án theo nội dung Giấy chứng nhận đầu tư.

Tiếp theo, hàng loạt dự án khác như Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng bí ẩn Hành Hương (tổng vốn 150 tỷ đồng, được cấp Giấy chứng  nhận  đầu tư ngày 11/05/2007); Dự án Khu Rerort Công trình công cộng, dịch vụ thương mại (tổng vốn đầu tư hơn 421 tỷ đồng, được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 21/11/2008) cũng được Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị xử lý dứt điểm, xem xét, quyết định chấm dứt dự án đầu tư, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, nhiều dự án khác như: Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô của CTCP Đầu tư Phát triển Phong Phú Lăng Cô; Dự án Khu nghỉ dưỡng  xanh Lăng Cô; Dự án Khu nghỉ dưỡng sân golf đầm Lập An của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Lập An; Dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp ven đầm Lập An - Lăng Cô của CTCP Đầu tư và Du lịch CIT; Dự án Khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối Việt Nam của Công ty TNHH một thành viên Bãi Chuối Việt Nam; Dự án Khu nghỉ dưỡng La Sapinette của CTCP Đầu tư Huế - Nhà Thủ Đức; Dự án Khu nghỉ dưỡng huyền thoại Địa Trung Hải của CTCP đầu tư tài chính và bất động sản VINCON; Dự án nghỉ dưỡng sinh thái Tam Giang của CTCP điện tử tin học viễn thông; Dự án Khu quần thể sân golf và dịch vụ kèm theo của CTCP Thiên An đều có khó khăn, vướng mắc, dẫn đến chậm tiến độ.

Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện dự án, có biện pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn cho các dự án trên.

Kết luận Thanh tra đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban quản lý dự án Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, trong năm 2011 phải xử lý dứt điểm, kể cả ra quyết định chấm dứt dự án đầu tư, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất đối với 5 dự án: Khu du lịch sinh thái biển Lăng Cô, Khu du lịch nghỉ mát sinh thái biển Diana; Khu biệt thự, du lịch sinh thái Lăng Cô; Khu nghỉ dưỡng quốc tế Hòa Bình; Khu liên hiệp nghỉ dưỡng Conic - Lăng Cô. Đồng thời, xem xét chấm dứt hoạt động dự án đầu tư và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với 2 dự án Khu du lịch Thuận An Resort và Khu du lịch nghỉ dưỡng bí ẩn hành hương. Đề nghị chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc triển khai dự án của chủ đầu tư đối với dự án Khu nghỉ dưỡng làng xanh Lăng Cô do quá trình triển khai và đưa dự án vào khai thác có dấu hiệu thực hiện không đúng mục tiêu đầu tư và ngành nghề kinh doanh…

Kết quả thực hiện Kết luận thanh tra gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30/9/2011. Riêng kết quả xử lý với 5 dự án nêu trên, đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đồng thời gửi Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trước ngày 31/12/2011.