Nỗi lo nguồn thu từ tín dụng

Nỗi lo nguồn thu từ tín dụng

(ĐTCK) Theo lãnh đạo nhiều nhà băng, chính sự cạnh tranh để tìm kiếm khách hàng tốt cho vay buộc ngân hàng phải giảm dần lãi suất, khiến nguồn thu từ hoạt động tín dụng đóng góp vào lợi nhuận dần bị thu hẹp. Vì thế, chỉ tiêu lợi nhuận mà ngân hàng xây dựng cho năm nay sẽ ở mức thận trọng.

Nỗi lo nguồn thu từ tín dụng ảnh 1Biên lợi nhuận giữa huy động và cho vay của các ngân hàng đang co lại

 

Cho vay ngày càng khó

Trước đây, lợi thế luôn nghiêng về phía ngân hàng trong việc phát triển tín dụng và người đi vay luôn cần đến ngân hàng thì nay, theo lãnh đạo các nhà băng, điều đó đã hoàn toàn ngược lại. Cạnh tranh trong việc giành thị phần phát triển tín dụng ngày một khó khăn. Nguyên nhân chính là nợ xấu tăng, các ngân hàng phải sàng lọc kỹ khách hàng trước khi trao vốn và chất lượng tín dụng được kiểm soát gắt gao hơn. Trong khi đó, nhiều DN có dự án tốt cũng không muốn sử dụng vốn vay, bởi thị trường còn nhiều khó khăn, đáng chú ý là hàng tồn kho tăng.

Trên thực tế, lãi suất cho vay đã được các nhà băng cắt giảm dần về mức thấp hơn cả trần lãi suất huy động để thu hút khách hàng tốt vay vốn. Song với những khách hàng tốt, không có nợ xấu lại chưa muốn vay vốn ngân hàng. Đơn cử, tại Eximbank,  ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, lãi suất cho vay đã giảm về 7 - 8%/năm cho các đơn vị trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, nhưng vẫn khó đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ. Tăng trưởng tín dụng của Eximbank vẫn âm vài phần trăm trong 2 tháng đầu năm.

Ông Phước cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các DN phải có sự chia sẻ với ngành ngân hàng và tránh nhầm lẫn trong thống kê: lãi suất danh nghĩa và chi phí vốn. Huy động 8%/năm và cho vay ra 11 - 12%/năm, nhiều người cho rằng, các ngân hàng được hưởng mức chênh lệch khá lớn. Song thực tế, ngoài chi phí huy động 8%/năm, còn có dự trữ bắt buộc, bảo hiểm tiền gửi, dự phòng chung, chi phí thuê nhà, khấu hao, điện… Đáng chú ý là hiện nay, để kích cầu tín dụng, ngân hàng đã phải nỗ lực để giảm lãi suất cho vay, dẫn đến chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra bị thu hẹp đáng kể.

Đồng quan điểm, ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc OCB cho hay, biên lợi nhuận giữa huy động và cho vay đang dần co lại, nhất là khi lãi suất cho vay không thể duy trì ở mức cao như trước đây. Bởi theo ông Linh, để kích thích được tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh thị trường có nhiều khó khăn, nhà băng buộc phải giảm lãi vay. Trong khi đó, lãi suất huy động đầu vào vẫn duy trì mức trần 8%/năm. Vì vậy, mục tiêu lợi nhuận mà các ngân hàng đề ra cho năm nay sẽ rất thận trọng và khiêm tốn.

Lãi suất cho vay xác định sẽ còn giảm tiếp, song theo lãnh đạo các ngân hàng, mặt bằng lãi vay chỉ có thể giảm thêm tối đa 1 - 1,5%/năm. Về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng, với kịch bản lạm phát kỳ vọng ở mức 7% trong năm nay, lãi suất sẽ còn giảm. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố cho thấy, nguy cơ lạm phát cao quay trở lại là không nhỏ. Do đó, việc giảm lãi suất còn phụ thuộc vào việc nền kinh tế có kiểm soát được lạm phát hay không.

 

Kỳ vọng nguồn thu từ dịch vụ

Với mục tiêu lợi nhuận trước thuế mà Eximbank dự kiến đạt được trong năm 2013 ở mức 3.200 tỷ đồng, theo ông Phước, Ngân hàng có những áp lực nhất định. Bởi thực tế, nguồn thu từ tín dụng vẫn chiếm phần lớn trong tổng nguồn thu đóng góp vào tổng lợi nhuận của Ngân hàng. Trong tổng lợi nhuận trước thuế đạt được 2.828 tỷ đồng năm qua của Eximbank, nguồn thu từ hoạt động tín dụng chiếm đến 70%, còn nguồn thu từ dịch vụ chiếm khoảng 25%. Năm nay, Eximbank sẽ đẩy mạnh nguồn thu từ mảng dịch vụ để tăng tỷ trọng đóng góp vào tổng lợi nhuận Ngân hàng, khi tăng trưởng tín dụng gặp khó khăn.

Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cho rằng, khó khăn luôn đi đôi với thách thức và thách thức thì tạo cơ hội. Năm 2013, Sacombank dự kiến tăng trưởng huy động khoảng 25%, tăng trưởng cho vay 17%, cổ tức 14% và phát triển mạng lưới. Định hướng của Sacombank từ năm 2013 sẽ là ngân hàng của dịch vụ, của chất lượng phục vụ và hướng đến đối tượng trọng tâm là các DN vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể và các cá nhân.

Phó tổng giám đốc OCB, ông Phạm Linh nhận xét, xu hướng của các ngân hàng trong năm nay là phát triển tín dụng kèm theo đẩy mạnh dịch vụ, chẳng hạn dịch vụ quản lý dòng tiền. Hay nói cách khác, ngân hàng phải quản lý được dòng tiền của DN, để từ đó gia tăng nguồn thu từ mảng dịch vụ và hạn chế nợ xấu.

Tổng giám đốc MeKong Bank, ông Tay Han Chong nhận định, tình hình kinh tế năm 2013 vẫn sẽ có nhiều khó khăn, nhưng với các ngân hàng có tính thanh khoản cao, vốn tốt và khả năng quản lý rủi ro tốt sẽ có cơ hội kinh doanh tốt hơn trong năm nay. Ngược lại, những ngân hàng nào đang gặp vấn đề với các khoản nợ xấu, thanh khoản và vốn, thì sẽ phải đối mặt với những khó khăn từ thị trường, cho đến khi các nguyên nhân gốc rễ được giải quyết. Vì vậy, các ngân hàng yếu kém cần nhanh chóng tái cấu trúc. Bản thân MeKong Bank kỳ vọng lợi nhuận năm nay sẽ cao hơn so với năm 2012 và sự tăng trưởng này của Ngân hàng đi cùng với chất lượng tín dụng tốt và khả năng thanh khoản cao.