SeABank muốn VVF cùng mua lại dự án Hesco để “hài hòa lợi ích”

SeABank muốn VVF cùng mua lại dự án Hesco để “hài hòa lợi ích”

Vụ tranh chấp giữa SeABank - VVF vừa có thêm diễn biến, khi mới đây SeABank đã đề xuất việc cùng VVF mua lại dự án Hesco của Vina Megastar để các bên có thể “hài hòa lợi ích”.

Cụ thể, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank) đề nghị Công ty Tài chính Cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF) cùng mua lại dự án trung tâm thương mại, văn phòng, chung cư cao tầng Hesco, do Công ty Cổ phần Thiết bị thủy lợi và Công ty Cổ phần Bất động sản Megastar (là công ty con của Công ty Cổ phần Tập đoàn Vina Megastar) làm chủ đầu tư, để tạo nguồn thu cho Vina Megastar có thể trả nợ trái phiếu.

Đề xuất này được đưa ra sau khi VVF và SeABank có cuộc làm việc với nhau vào ngày 29/11 vừa qua để tìm hướng giải quyết vụ việc. Như báo chí đã đưa tin, vụ tranh chấp giữa SeABank - VVF dường như đang đi vào bế tắc khi các bên chưa đạt được sự thống nhất về nội dung tranh chấp.

SeABank muốn VVF cùng mua lại dự án Hesco để “hài hòa lợi ích” ảnh 1

Dự án Hesco từng được giới thiệu là “một trong những dự án trọng điểm nhà chung cư cho người có thu nhập trung bình khá, nằm trong chủ trương, kế hoạch phát triển đô thị về phía Tây của Hà Nội”.

Dự án Hesco từng được giới thiệu là “một trong những dự án trọng điểm nhà chung cư cho người có thu nhập trung bình khá, nằm trong chủ trương, kế hoạch phát triển đô thị về phía Tây của Hà Nội”.

Dự án này gồm một toà tháp đôi 50 tầng và tòa nhà 45 tầng, được triển khai trên diện tích hơn 21.000 m2. Khởi công năm 2009, tuy nhiên cho đến nay dự án đang trong tình trạng đắp chiếu. Gần đây, xuất hiện thông tin về việc chủ đầu tư đã huy động vốn của khách hàng khi chưa đầy đủ giấy phép xây dựng.

Vào hôm 27/11 vừa qua, SeABank đã phát đi thông cáo về việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với số trái phiếu do nguyên Phó tổng giám đốc ký phát hành.

Thông cáo cho biết SeABank đã nhận được văn bản của VVF và đại diện là Văn phòng luật sư Nam Hà Nội, về việc yêu cầu SeABank thực hiện nghĩa vụ của bên bảo lãnh, thanh toán tiền gốc và lãi của số tiền 150 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp của Vina Megastar phát hành ngày 19/10/2011, do bà Nguyễn Thị Hương Giang - nguyên Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc SeABank Hai Bà Trưng ký phát hành.

Theo đó, trái phiếu của Vina Megastar đã đến hạn nhưng công ty này vẫn không thực hiện việc thanh toán cả gốc và lãi cho VVF. Căn cứ thư bảo lãnh không số, phát hành ngày 24/10/2011 của SeABank, phía VVF yêu cầu SeABank phải thực hiện nghĩa vụ của bên bảo lãnh.

Về yêu cầu của VVF và đại diện pháp lý là Văn phòng luật sư Nam Hà Nội, SeABank cho biết không chấp nhận yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo chứng thư bảo lãnh phát hành ngày 24/10/2011 do bà Nguyễn Thị Hương Giang ký bảo lãnh phát hành trái phiếu cho Vina Megastar, vì cho rằng chứng thư bảo lãnh này “trái pháp luật”.

“Việc bà Nguyễn Thị Hương Giang ký bảo lãnh phát hành trái phiếu của tập đoàn Vina Megastar là không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật và quy định của SeABank”, thông cáo trên khẳng định.

Đến đầu tháng 12, Công an Hà Nội đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án đối với bà Nguyễn Thị Hương Giang - người đã bị SeABank miễn nhiệm từ ngày 28/4/2012 - do lạm quyền trong khi thi hành công vụ.

Theo tờ An Ninh Thế Giới, bà Giang bị cơ quan điều tra cáo buộc có hành vi tự ý ký và phát hành 12 chứng thư bảo lãnh vượt quá thẩm quyền quy định, để ngoài hệ thống sổ sách, không có hồ sơ lưu, không thu phí, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân hàng. Tổng giá trị số chứng thư bảo lãnh đã được phát hành lên tới trên 310 tỷ đồng, đến nay đã quá hạn thanh toán nhưng các bên được bảo lãnh vẫn chưa thanh toán hoặc có biện pháp khắc phục.

> Tranh chấp giữa SeABank và Vinaconex - Viettel, vì sao?

> Nguyên phó tổng giám đốc SeABank bị khởi tố

> SeABank từ chối thanh toán bảo lãnh của Tài chính Vietel-Vinaconex