Nhiều công ty bảo hiểm còn băn khoăn cân nhắc khi quyết định phát triển sản phẩm bảo hiểm cho trẻ em.

Nhiều công ty bảo hiểm còn băn khoăn cân nhắc khi quyết định phát triển sản phẩm bảo hiểm cho trẻ em.

Sôi động thị trường bảo hiểm trẻ em

(ĐTCK-online) Thị trường bảo hiểm dành cho thiếu nhi, học sinh, sinh viên đang dần sôi động khi các công ty bảo hiểm liên tục cho ra đời những sản phẩm mới. Lý do chính là phân khúc thị trường dành cho đối tượng này tương đối rộng lớn.

Grest Eastern mới đây ra mắt sản phẩm Đại an khôi nguyên với việc nộp phí bảo hiểm trong 8 năm, người con được bảo vệ tới 22 năm. AIA Việt Nam và Hệ thống Trường quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (APC) vừa ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về việc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cho học sinh đang theo học tại hệ thống APC. Theo đó, AIA Việt Nam cung cấp sản phẩm bảo hiểm An phúc trọn đời cho học sinh các cấp, cũng như cho những cá nhân khác theo đề nghị của APC. Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) thì tiếp thị sản phẩm của mình thông qua việc trao tặng cho 21 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn TP. Hà Nội năm học 2008 - 2009, mỗi thủ khoa đại học một sản phẩm bảo hiểm BIC Care - sản phẩm bảo hiểm trọn gói kết hợp tai nạn và sức khoẻ con người với hạn mức trách nhiệm lên đến 100 triệu đồng/sinh viên. PJICO vừa tung ra sản phẩm PJICO Children Care với mức trách nhiệm cao, phạm vi bảo hiểm rộng và đặc biệt là người tham gia bảo hiểm được hưởng những dịch vụ y tế chất lượng cao. Trước đó, Prudential, Bảo Minh CMG và một số công ty bảo hiểm khác đã đưa ra thị trường những sản phẩm tương tự.

Ghi nhận trên thị trường hiện nay cho thấy, sản phẩm bảo hiểm cho những đối tượng nêu trên khá nhiều, nhưng mức độ quan tâm của người dân chưa cao. Theo lãnh đạo cấp cao của một công ty bảo hiểm trong nước, một số sản phẩm bảo hiểm truyền thống dành cho đối tượng trẻ em như: bảo hiểm học sinh, bảo hiểm nhân thọ... có mức trách nhiệm bảo hiểm thấp, quyền lợi bảo hiểm hạn chế, đặc biệt người tham gia bảo hiểm không có quyền lợi chăm sóc y tế, vì vậy chưa đáp ứng được hết nhu cầu bảo hiểm với chất lượng dịch vụ cao ngày càng tăng của người dân.

Tuy nhiên, thực tế cũng có nhiều lý do khiến khách hàng cũng như khá nhiều công ty bảo hiểm còn băn khoăn, cân nhắc khi quyết định mua hoặc phát triển sản phẩm bảo hiểm dành cho con cái.

Bởi nếu nhấn mạnh khía cạnh bảo vệ tài chính thì đối tượng chính phải được bảo vệ phải là người trụ cột mang nguồn tài chính về cho gia đình, còn nếu coi bảo hiểm như công cụ để dành tiền thì ý nghĩa chính của bảo hiểm là bảo vệ sẽ mất đi. Hơn nữa, nếu chỉ mua những sản phẩm này đơn thuần là để tích kiệm thì lợi nhuận không bằng kênh gửi tiết kiệm ở các ngân hàng (hưởng lãi suất cao hơn, không ràng buộc điều kiện gì, có thể rút bất cứ lúc nào, không mất phí…).

Trong khi đó, mục đích chính của việc mua bảo hiểm là để phòng ngừa rủi ro, nếu mua cho con cái mà khi con cái có rủi ro, bố mẹ được hưởng thì không còn ý nghĩa. Chính vì thế, một số công ty bảo hiểm khi thiết kế sản phẩm an sinh giáo dục không chấp nhận rủi ro đối với người được bảo hiểm (chết trước khi đáo hạn hợp đồng, tai nạn, mất khả năng lao động hoàn toàn và vĩnh viễn…).

Lý giải vấn đề này, đại diện cấp cao của một công ty bảo hiểm liên doanh với nước ngoài cho rằng, mục tiêu của các sản phẩm này là nhằm tạo điều kiện cho con cái có đủ điều kiện tài chính để theo học bậc đại học. Trong trường hợp người con gặp rủi ro tổn thương thân thể dẫn đến việc qua đời sớm hay mất khả năng lao động hoàn toàn và vĩnh viễn thì việc theo học ở bậc đại học không thể thực hiện được. Khi ấy, việc thanh toán số tiền bảo hiểm là không cần thiết. Hơn nữa, trẻ em ở tuổi vị thành niên chưa có đủ khả năng để tự bảo vệ mình và trách nhiệm của cha mẹ là phải chăm sóc con cái. Xét về mặt đạo lý, cha mẹ của người được bảo hiểm không thể hưởng lợi trên sự rủi ro của con cái. Việc không thanh toán số tiền bảo hiểm, mà chỉ hoàn phí bảo hiểm cùng các khoản tiền lãi khi người được bảo hiểm qua đời sớm xuất phát từ lý do này, đồng thời nhằm nâng cao trách nhiệm chăm sóc của cha mẹ đối với con cái.