Tăng vốn, gian nan ngân hàng nhỏ

Tăng vốn, gian nan ngân hàng nhỏ

(ĐTCK) Nếu như ở các mùa ĐHCĐ trước, hầu hết nhà băng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ thì trong kỳ đại hội năm nay, có vẻ các ngân hàng đã thận trọng hơn.

Thị trường đang khó khăn và thực tế là trong năm 2 năm qua, không một nhà băng nhỏ nào có thể hoàn thành được kế hoạch tăng vốn.

Các nhà băng nhỏ ít kỳ vọng tăng thêm vốn điều lệ trong năm nay khi cổ phiếu ngân hàng chưa có điểm sáng, TTCK khó phục hồi sớm. Đó cũng là rào cản ngân hàng nhỏ thực hiện tăng vốn điều lệ. Đơn cử, NamA Bank, VietA Bank hay OCB trong năm qua đã không tăng vốn được như mục tiêu, dù lượng vốn muốn tăng thêm không nhiều.

Tăng vốn, gian nan ngân hàng nhỏ ảnh 1

Tăng vốn là điều kiện cần thiết để các ngân hàng nhỏ có thể nâng khả năng cạnh tranh

Chẳng hạn, tại NamA Bank, vốn điều lệ của Ngân hàng hiện nay là 3.000 tỷ đồng và kỳ vọng tăng thêm 700 tỷ đồng để nâng vốn lên 3.700 tỷ đồng. Song trong 2 năm qua, NamA Bank đã không thực hiện được, dù Ngân hàng đã có chủ trương thu hút vốn từ các đối tác chiến lược trong - ngoài nước và HĐQT NamA Bank còn khẳng định, sẽ củng cố nội lực để tự đứng vững, không bán hay sáp nhập.

Mặc dù chưa hé lộ nhiều về kế hoạch kinh doanh cũng như mục tiêu tăng vốn, song trước thềm mùa ĐHCĐ năm nay, các nhà băng nhỏ tỏ ra thận trọng khi tính đến việc phát hành thêm cổ phiếu. Riêng tại MeKong Bank, hiện đã có cổ đông chiến lược nước ngoài là Fullerton Financial Holdings (FFH) nắm giữ 20% cổ phần, song trong kế hoạch kinh doanh năm 2013 vừa được MeKong Bank trình ĐHCĐ ngày 7/3, không có mục tiêu tăng vốn năm nay.

Tổng giám đốc MeKong Bank (MDB), ông Tay Han Chong, cho biết, vốn điều lệ của MDB hiện nay là 3.750 tỷ đồng và trong năm nay, Ngân hàng không có kế hoạch tăng thêm. Nhưng chiến lược phát triển của MDB, theo ông Chong, là tiếp tục tập trung vào các mảng thị trường trọng yếu như bán lẻ, cho vay nông nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chủ tịch HĐQT một ngân hàng cổ phần có vốn điều lệ trên 3.500 tỷ đồng thừa nhận, tăng vốn là điều kiện cần thiết để có thể cạnh tranh, phát triển ngân hàng, trước bối cảnh thị trường hiện đã rộng cửa đón ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Ngân hàng con 100% vốn nước ngoài hoạt động ở thị trường Việt Nam cũng ngày càng lớn mạnh cả về quy mô và thị phần. Vì thế, theo vị chủ tịch nhà băng trên, tăng vốn là điều thiết yếu mà các ngân hàng nhỏ phải chạy đua. Song, thực hiện điều này trước diễn biến thị trường hiện nay là không đơn giản.

Tuy nhiên, vị chủ tịch ngân hàng trên thừa nhận, nếu phát hành cổ phiếu với giá chỉ bằng mệnh giá thì trong bối cảnh hiện nay, cổ đông hiện hữu cũng không để ý. Còn nếu cho không cổ đông hiện hữu (bằng cách phát hành cổ phiếu thưởng) thì Ngân hàng đã hết nguồn thặng dư vốn cổ phần để thực hiện. Trong khi đó, “room” cho nhà đầu tư nước ngài cũng đã cạn. Vì thế, ngân hàng ông đã xác định khó khăn khi muốn tăng vốn trong năm nay, song nếu không làm, nguy cơ sáp nhập, hợp nhất sẽ rất lớn.

Áp lực tái cơ cấu hiện đang đè nặng các ngân hàng nhỏ. Trong danh sách 4 NHTM nằm trong diện tái cơ cấu cuối năm 2012, hiện mới có TrustBank tìm được đối tác chiến lược. ĐHCĐ bất thường của TrustBank ngày 7/2 đã thống nhất phương án nhân sự thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2009 - 2013. Đây được xem là tiền đề quan trọng trong tiến trình tái cấu trúc TrustBank.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà băng nhỏ trong diện buộc phải tái cơ cấu đều đã có phương án thực hiện như TrustBank. Trong bối cảnh hiện nay, việc tìm được một đối tác chiến lược là không dễ.

Trong năm nay, không chỉ nhà băng nhỏ mà ngay cả một số ngân hàng lớn cũng cho biết, sẽ cân nhắc khi xây dựng chỉ tiêu tăng vốn điều lệ. Nguyên nhân là tín dụng khó phát triển, việc mở rộng mạng lưới hoạt động cũng được NHNN hạn chế… Vì thế, nguồn vốn tăng thêm nếu không được sử dụng hiệu quả sẽ là áp lực lớn trong việc duy trì hiệu quả kinh doanh.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM cho biết, hiện Chi nhánh chưa nhận được hồ sơ tăng vốn của NHTM nào.