Cạnh tranh về thị phần ngân hàng sẽ gay gắt hơn.

Cạnh tranh về thị phần ngân hàng sẽ gay gắt hơn.

Thách thức bắt đầu cho ngân hàng nội

(ĐTCK-online) Ngày 4/3 là cột mốc ghi dấu sự kiện 2 ngân hàng (NH) con 100% vốn nước ngoài đầu tiên của 2 tập đoàn HSBC và Standard Chatered Bank được phép thành lập tại Việt Nam. Sự kiện này đã mở ra một giai đoạn phát triển mới của NH nước ngoài, đồng thời thể hiện một phần trong cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, nhằm xóa bỏ các rào cản đối với quy mô và hoạt động kinh doanh của các NH ngoại. Các ngân hàng nội bắt đầu phải “để mắt” nhiều hơn tới hoạt động của khối ngân hàng ngoại này.

Theo đánh giá của một chuyên gia ngành NH, sự có mặt của NH nước ngoài sẽ gia tăng mạnh mẽ hơn hiệu quả nguồn vốn cho nền kinh tế, nhưng cũng đặt ra những thách thức mới cho hệ thống NH trong nước, vì cạnh tranh về thị phần sẽ gay gắt hơn. Đặc biệt, với sự dày dạn kinh nghiệm trong việc đưa ra chiến lược phát triển sản phẩm, các NH nước ngoài sẽ khó để NH "nội" qua mặt.

HSBC khẳng định, sẽ phát triển dịch vụ tài chính NH bán lẻ trên thị trường Việt Nam trong thời gian tới, sau khi NH con ra đời. Theo HSBC, dân số Việt Nam trẻ nên rất mong muốn được tiếp cận các dịch vụ công nghệ hiện đại của ngành tài chính. Có thể 1 - 2 năm tới, người tiêu dùng Việt Nam sẽ không sử dụng tiền mặt trong thanh toán, thay vào đó là công cụ thẻ. Nắm được điều này, HSBC đang xây dựng nhiều sản phẩm, dịch vụ NH hiện đại. Trong đó, thẻ là công cụ được NH quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, HSBC thừa nhận, cái khó nhất của các NH nói chung và NH nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay là con người. Nhân sự ngành NH rơi vào tình trạng khủng hoảng trong 2 năm gần đây, khi cuộc bành trướng hệ thống hoạt động của ngành được triển khai mạnh mẽ.  

Ông Thomas Tobin, Tổng giám đốc đương nhiệm của Chi nhánh HSBC đang hoạt động tại Việt Nam sẽ đảm nhiệm chức Tổng giám đốc NH HSBC con tại Việt Nam cho biết, sự kiện được thành lập NH con là cột mốc rất lớn trong lịch sử hoạt động lâu dài tại Việt Nam của HSBC. Theo ông, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang đạt được nhiều tiến bộ, trong đó có cả thị trường tài chính thì HSBC cũng tiến hành các bước mở rộng hoạt động của mình tại thị trường đầy hấp dẫn này. Cùng với những thành công đạt được qua quan hệ đối tác chiến lược với Techcombank và Bảo Việt , NH con của HSBC sẽ tạo điều kiện giúp Tập đoàn tham gia trực tiếp và sâu rộng hơn vào thị trường tài chính đang phát triển nhanh của Việt Nam . "Với giấy phép thành lập NH con, trong thời gian tới chúng tôi có thể phục vụ các khách hàng hiện tại cũng như khách hàng mới thông qua hệ thống chi nhánh rộng lớn hơn tại các trung tâm kinh tế trọng yếu của Việt Nam", ông Thomas Tobin nói.

Sau khi NH con của HSBC ra đời, Tập đoàn sẽ phát triển nhiều dịch vụ tài chính bán lẻ mới tại Việt Nam thông qua NH này. Trong đó, dịch vụ cho vay tiêu dùng sẽ được NH HSBC con tại Việt Nam quan tâm trên nền tảng công nghệ NH hiện đại. HSBC cho rằng, người Việt Nam rất nhanh nhạy trong việc tiếp cận công nghệ mới, nên chắc chắn các dịch vụ tài chính bán lẻ hiện đại sẽ nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng. Mục tiêu của HSBC là không cạnh tranh về giá, mà cạnh tranh về dịch vụ. HSBC cho biết, sẽ không có thêm khoản vốn đầu tư lớn nào vào hệ thống NH Việt Nam, ngoài việc nắm giữ 15% cổ phần tại Techcombank hiện nay. Tuy nhiên, trước sự kiện NH con của HSBC được thành lập tại Việt Nam cũng phần nào làm Techcombank lo ngại về sự cạnh tranh thị phần trong tương lai.

Đối với Standard Chatered Bank (SCB), tuy đã có một mô hình chuyên về bán lẻ tại Việt Nam kể từ giữa năm 2007, nhưng sự ra đời của NH con thuộc Tập đoàn tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ mở ra nhiều cơ hội cho SCB trong quá trình phát triển dịch vụ tài chính bán lẻ. Hiện SCB đã tung ra các sản phẩm tài khoản vãng lai (Power Saver), tiết kiệm linh hoạt, tài khoản tiết kiệm thặng dư... Ngoài ra, SCB còn có các gói dịch vụ dành cho doanh nghiệp (Business Saver). Tài khoản này được thiết kế dành riêng cho các DN vừa và nhỏ. SCB cho rằng, 2 sản phẩm mới này sẽ giúp đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ NH bán lẻ của Tập đoàn tại Việt Nam .

Theo đánh giá của ông Wilson Chia, Giám đốc phụ trách dịch vụ NH bán lẻ khu vực Đông Nam Á của SCB, với dân số hơn 84 triệu người và số lượng DN vừa và nhỏ chiếm đến 96% tổng số DN đang hoạt động, Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho các sản phẩm tài chính bán lẻ của SCB. Do đó, sau khi NH con ra đời tại Việt Nam , Tập đoàn sẽ có nhiều cơ hội phát triển sản phẩm tài chính bán lẻ hơn trước. Theo kế hoạch, SCB sẽ mở thêm 20 - 30 chi nhánh và lắp đặt hơn 250 máy ATM trong tương lai gần…

Với việc thành lập NH con, các NH nước ngoài có thể cung cấp đầy đủ dịch vụ NH cho người tiêu dùng Việt Nam . Đây được xem là thuận lợi cho những người sử dụng dịch vụ NH, nhưng lại là lo lắng lớn đối với các ngân hàng nội.