Prudential Việt Nam coi việc triển khai sản phẩm bảo hiểm vi mô là một trách nhiệm phát triển cộng đồng

Prudential Việt Nam coi việc triển khai sản phẩm bảo hiểm vi mô là một trách nhiệm phát triển cộng đồng

Thị trường bản hiểm 2011: Lửa thử vàng

(ĐTCK-online) Vào thời điểm năm 2011 đang dần khép lại, có thể khẳng định, ngành bảo hiểm đã có một năm khá thành công trong bối cảnh nền kinh tế chung không mấy thuận lợi.

Nỗ lực của hầu hết DN cũng phần nào được đền đáp với những con số doanh thu tiếp tục tăng. Tất nhiên, vẫn còn những vấn đề cần phải bàn đằng sau con số tăng trưởng đó. Nhưng xét trên cục diện chung, năm 2011 toàn ngành bảo hiểm đã đầu tư gần 100.000 tỷ đồng bằng vốn chủ sở hữu và dự phòng nghiệp vụ vào nền kinh tế quốc dân (số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam) khẳng định vai trò thứ hai của bảo hiểm: là công cụ tài chính huy động vốn của Nhà nước cho nền kinh tế.

 

Bước tiến mới với thị trường nông thôn

"Người tiên phong" với bảo hiểm vi mô là Manulife Việt Nam sau năm đầu tiên (2010) phổ cập sản phẩm này tới 9 tỉnh, thành trên cả nước. Trong năm 2011, Manulife Việt Nam đã tiếp tục triển khai sản phẩm này tới 13 tỉnh, thành nữa. Như vậy, tính đến nay, Công ty đã đưa sản phẩm vi mô tới 22 tỉnh, thành trên cả nước với hơn 100.000 hợp đồng bảo hiểm được phát hành. Được biết, sau 2 năm triển khai, Manulife Việt Nam cũng đã chi bồi thường cho nhiều khách hàng.

"Đại gia" tiếp theo của ngành bảo hiểm nhân thọ dấn thân vào phân khúc được coi là khá "xương xẩu" này là Prudential Việt Nam . Được giới thiệu đầu tiên ở miền Trung (Huế) từ ngày 16/9/2011, nhóm chuyên gia phát triển sản phẩm của Prudential  Việt Nam đã trải qua khoảng thời gian lao động miệt mài, nhằm đưa ra một sản phẩm phù hợp, dễ tiếp cận nhất với đại đa số người dân Việt Nam . Tính đến thời điểm này, Prudential Việt Nam đã triển khai sản phẩm bảo hiểm vi mô đến 2 tỉnh, thành nữa là Quảng Trị và Khánh Hòa. Thời gian tới, sản phẩm Phú an tâm sẽ được triển khai tại những địa phương mà mức thu nhập người dân còn khá thấp. Không tiết lộ số hợp đồng đã phát hành, nhưng đại diện Prudential Việt Nam cho biết, khách hàng đón nhận sản phẩm này khá nồng nhiệt.

Trong khi đó, với khối phi nhân thọ, Bảo Việt và Bảo Minh cũng bắt đầu "tái khởi động" triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp với sự hỗ trợ tối đa của các cấp, ngành. Việc thực hiện thí điểm bảo hiểm cây lúa, vật nuôi và thủy sản, thể hiện chính sách của Đảng, Chính phủ với nông nghiệp, ngư dân và nông thôn, đồng thời tạo ra cú hích để phát triển phân khúc thị trường bảo hiểm nông nghiệp. Đại diện Bảo Minh cho biết, hiện Công ty đã sẵn sàng triển khai sản phẩm này tại An Giang. Ngay sau khi Bộ Tài chính ban hành quy tắc về kinh doanh bảo hiểm nông nghiệp, Bảo Minh sẽ tổ chức đào tạo đại lý, tập huấn cho chủ hợp đồng và ký hợp đồng.

Khó khăn phía trước không hề nhỏ đối với những người tiên phong mở đường với phân khúc "xương xẩu" này, nhưng nói như ông Jack Howell, Tổng giám đốc Prudential Việt Nam, mục đích chính của Công ty khi thiết kế sản phẩm này không vì lợi nhuận, mà nhằm đóng góp vào nỗ lực chung đảm bảo an sinh xã hội cho những người thu nhập trung bình và thấp, đối tượng thường ít có cơ hội được tiếp cận với bảo hiểm. Sản phẩm này là một hình thức thực hiện trách nhiệm cộng đồng, một chính sách phát triển gắn lợi ích DN với lợi ích bền vững của xã hội. 

 

Vượt chỉ tiêu 6%

Đầu năm nay, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính đưa ra mục tiêu, năm 2011, dự kiến tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 35.290 tỷ đồng, tăng 18,8% so với năm 2010; trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ khoảng 20.000 tỷ đồng, tăng trưởng 22 - 25%; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ khoảng 15.290 tỷ đồng, tăng trưởng 12 - 15% so với năm 2010. Thời điểm đó, mục tiêu này được đánh giá là khá thách thức.

Tuy nhiên, năm 2011, doanh thu của khối DN bảo hiểm nhân thọ đã tăng trưởng 17%, ước đạt 16.000 tỷ đồng; các DN bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng 25% với doanh thu ước đạt 21.500 tỷ đồng (số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm). Tính chung, tổng doanh thu phí bảo hiểm của cả 2 khối đạt 37.5000 tỷ đồng, tăng 6% so với mục tiêu đề ra hồi đầu năm 2011. Dù mức độ vượt chỉ tiêu còn khiêm tốn, nhưng xét trong bối cảnh môi trường kinh doanh khó khăn như năm nay thì con số 6% cũng thể hiện những nỗ lực rất lớn.

Thành công về doanh thu nhưng khó khăn chung của toàn ngành về nhân sự dường như vẫn tiếp tục là mối bận tâm lớn cho các DN trong năm 2011. Thị trường bảo hiểm nhân thọ năm 2011 đã chứng kiến nhiều đợt chuyển dịch nhân sự cấp cao của các công ty bảo hiểm lớn. Nhiều DN bảo hiểm nhân thọ có thời gian bị rơi vào "khủng hoảng" nhân sự. Bảo hiểm phi nhân thọ cũng trải qua 1 năm nhiều dấu ấn với việc "tái xuất" những chiêu cạnh tranh không lành mạnh.

 

Năm 2012: gian nan thử sức

Năm 2012, Chính phủ tiếp tục chính sách kiềm chế lạm phát bằng các giải pháp cắt giảm đầu tư công theo tinh thần Nghị quyết 11, kiểm soát tín dụng, các DN vận tải biển, xuất nhập khẩu Việt Nam, trong đó chủ yếu là sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Hiệu ứng dây chuyền là tất yếu và hiệu ứng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành bảo hiểm Việt Nam . Chính vì thế, để tiếp tục giữ vững được thị phần, phấn đấu tăng trưởng cùng sự tăng trưởng chung của thị trường là một áp lực lớn đối với các DN bảo hiểm trong năm tới. Tuy nhiên, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam vẫn dự báo, khối bảo hiểm phi nhân thọ sẽ phát triển với tốc độ 28%, doanh thu ước đạt 27.500 tỷ đồng; bảo hiểm nhân thọ sẽ phát triển với tốc độ 18%, doanh thu ước đạt 18.900 tỷ đồng - mức tăng khá mạnh so với doanh thu thực hiện năm 2011.

Việc đặt ra kế hoạch kinh doanh năm 2012 như thế nào cho phù hợp với tình hình mới là một bài toán đau đầu của các công ty bảo hiểm cả nhân thọ và phi nhân thọ. Nhìn lại kết quả kinh doanh năm 2011, chắc chắn các DN bảo hiểm nhân thọ sẽ phải có những tính toán để đưa ra chỉ tiêu kinh doanh phù hợp hơn (bởi năm 2011, tuy doanh thu vẫn tăng so với năm 2010, nhưng thực tế, nếu so với kế hoạch đề ra thì nhiều DN không đạt. Thậm chí, có DN thu phí bảo hiểm chỉ đạt 70 - 80%  so với kế hoạch đã đề ra hồi đầu năm).

Với khối phi nhân thọ, việc "chốt" kế hoạch kinh doanh năm 2012 cũng không dễ dàng. Bởi trải qua một năm cật lực để đạt sát nút chỉ tiêu được giao, các đơn vị kinh doanh của khối này cũng đã "thấm" những hệ lụy từ suy thoái kinh tế. Quyết tâm đi theo hướng hiệu quả hoạt động là ưu tiên hàng đầu, các DN khối này từ đầu năm đã lên kế hoạch tìm mọi giải pháp để hướng đến việc tăng lợi nhuận. Các DN bảo hiểm sẽ tiếp tục ưu tiên các biện pháp tăng hiệu quả hoạt động gồm: tái cơ cấu, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm và kênh phân phối.

"Chọn ra các địa bàn trọng điểm, tập trung vào các nghiệp vụ có lãi, củng cố, mở rộng kênh phân phối, thưởng khi đòi được các khoản nợ khó đòi và đặc biệt là cắt giảm chi phí mua sắm và những chi phí không cần thiết khác là công tác trọng tâm của chúng tôi trong giai đoạn mà nền kinh tế được dự báo còn nhiều khó khăn như năm 2012", giám đốc maketing một DN bảo hiểm phi nhân thọ lớn chia sẻ.

10 SỰ KIỆN TIÊU BIỂU CỦA NGÀNH BẢO HIỂM VIỆT NAM NĂM 2011

2. Bảo hiểm nhân thọ duy trì tốc độ tăng trưởng 17%, ước đạt doanh thu 16.000 tỷ đồng, vừa bảo vệ rủi ro trong tham gia bảo hiểm vừa là hình thức thu hút tiền nhàn rỗi của dân cư vào đầu tư trung dài hạn phát triển kinh tế.

3. Toàn ngành bảo hiểm đã đầu tư gần100.000 tỷ đồng bằng vốn chủ sở hữu và dự phòng nghiệp vụ vào nền kinh tế quốc dân, khẳng định vai trò thứ hai của bảo hiểm: là công cụ tài chính huy động vốn của Nhà nước cho nền kinh tế xã hội.

4. Chế độ quản lý Nhà nước về kinh doanh bảo hiểm hoàn thiện thêm một bước với việc chuẩn bị ban hành Nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm; Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 45, 46; Thông tư hướng dẫn chế độ hạch toán kế toán đối với DNBH nhân thọ, phi nhân thọ và môi giới bảo hiểm; Thông tư hướng dẫn triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị trong bảo hiểm nhân thọ.

5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 47/2011/TT-BNNPTNT, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 121/2011/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định 315/QĐ-CP ngày 1/3/2011 triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, tạo cơ sở pháp lý để DNBH và địa phương tiến hành triển khai thí điểm.

6. Chính phủ và Bộ Tài chính ban hành một số chế độ bảo hiểm, tạo điều kiện để DNBH triển khai sản phẩm bảo hiểm trong lĩnh vực mới: Thông tư 220/BTC hướng dẫn bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, Thông tư 99/BTC về bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, Nghị định 102 về bảo hiểm trách nhiệm cơ sở khám chữa bệnh.

7. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam phối hợp với Thời báo Tài chính tuyên truyền về bảo hiểm trên chuyên trang ra thứ Sáu hàng tuần, đồng thời phố hợp với Cục cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt thực hiện Bản tin An toàn giao thông trên kênh VOV Giao thông.

8. Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới - Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tổng kết 03 năm thực hiện Nghị định 103, Thông tư 126, Thông tư liên tịch 35 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới.

9. Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới - Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam triển khai dự án xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu bảo hiểm xe cơ giới.

10. Các DNBH đã chú trọng cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng: tiếp nhận thông tin, giám định tổn thất và hướng dẫn một số thủ tục bồi thường.

Diệu Trang tổng hợp (Nguồn: Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam )

1. Bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục tăng trưởng 25%, ước đạt doanh thu 21.500 tỷ đồng, tốc độ có giảm chút ít so với năm 2010.