Tìm giải pháp tái cấu trúc ngân hàng

Tìm giải pháp tái cấu trúc ngân hàng

(ĐTCK-online) Quá trình tái cấu trúc ngân hàng được xem là rất cấp bách và thực tế đang được Ngân hàng Nhà nước triển khai. Tuy nhiên, tìm giải pháp nào để thực hiện quá trình này một cách hiệu quả lại là vấn đề được các chuyên gia, nhà quản lý quan tâm.

"Không cào bằng định mức tăng trưởng tín dụng"

Ông Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam

Trong năm 2012, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ để đảm bảo duy trì lạm phát ở mức dưới 10%, tăng trưởng tín dụng khoảng 15 - 17%; điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối linh hoạt, phù hợp với quan hệ cung - cầu về ngoại tệ cũng như các diễn biến vĩ mô và cán cân thanh toán.

Hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 sẽ được cân nhắc theo nhóm ngân hàng trên cơ sở đánh giá chất lượng hoạt động của từng đơn vị. NHNN sẽ tiếp tục điều chỉnh cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất - kinh doanh, nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp chế biến, DN vừa và nhỏ. Đồng thời, tiếp tục kiểm soát hoạt động cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất...

Bên cạnh đó, NHNN sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản hướng dẫn Nghị định 160 và các vấn đề về phát triển thị trường giao dịch ngoại hối, nhằm ban hành hệ thống văn bản một cách đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế, cũng như điều kiện thực tế của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Ngoài ra, NHNN sẽ tăng cường thanh tra giám sát, đặc biệt là giám sát từ xa; đẩy mạnh chất lượng kiểm tra, kiểm toán, kiểm soát nội bộ của hệ thống TCTD để đảm bảo chất lượng tín dụng, cũng như đảm bảo hệ thống ngân hàng chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.

 

"Tái cấu trúc phải vừa làm, vừa học"

Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital

Tìm giải pháp tái cấu trúc ngân hàng ảnh 2

Trong chương trình cơ cấu lại nền kinh tế của Chính phủ, hoạt động cơ cấu lại hệ thống ngân hàng được ưu tiên. Trên thực tế, chúng ta thấy các ngân hàng đã phải thực hiện cơ cấu lại khá nhiều trong năm nay và quá trình này sẽ tiếp tục.

Không chỉ những ngân hàng yếu, nhỏ, mà ngay cả các ngân hàng trong nhóm G12, ngân hàng có nguồn gốc quốc doanh cũng cần phải tái cấu trúc, vì sức ép suy thoái trên toàn cầu đã rất lớn chứ chưa nói đến những vấn đề nội tại của nền kinh tế Việt Nam.

Trong quá trình này, điều đầu tiên là các ngân hàng phải rất chủ động như: tự củng cố hoặc sáp nhập với ngân hàng khác. Tuy nhiên, việc sáp nhập ngân hàng còn là câu chuyện rất mới ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, có một số khó khăn khác như giá trị của mỗi ngân hàng khác nhau sẽ phải có tỷ lệ hoán đổi khác nhau khi sáp nhập, nhưng để xử lý vấn đề này như thế nào thì vẫn chưa rõ ràng; hay các vấn đề liên quan đến kế toán và đặc biệt là nhân sự cao cấp sau khi sáp nhập…

Tái cấu trúc ngân hàng, quan trọng nhất là: cần phải học hỏi; nghiên cứu; thiết lập và hoàn chỉnh các hệ thống quản trị rủi ro; phụ thuộc vào riêng thị trường Việt Nam hay còn cả thị trường thế giới; phụ thuộc vào chính khả năng vừa làm vừa học của thị trường Việt Nam…

Đó là những chìa khóa để tái cấu trúc thành công, nhưng sẽ mất nhiều thời gian cũng như cần rất nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, vấn đề là cần thời gian bao nhiêu, làm theo tốc độ nào, sử dụng các biện pháp như thế nào?

Tóm lại, định hướng của quá trình tái cấu trúc trong nền kinh tế Việt Nam đã tương đối rõ ràng và trong lĩnh vực ngân hàng, sự quyết tâm thể hiện rõ nhất.

 

"Đã rất gấp gáp để Việt Nam tái cấu trúc ngân hàng"

Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại và châu Âu (Eurocham)

Tôi được biết, quá trình tái cấu trúc ngân hàng đã được NHNN triển khai. Đặc biệt, tôi cho rằng, Thống đốc NHNN và đội ngũ giúp việc đã làm việc khá hiệu quả, cương quyết trong hành động, nên bản thân tôi rất tin vào quá trình tái cấu trúc này.

Tôi nghĩ, đây đã là thời điểm rất gấp gáp để Việt Nam tiến hành tái cấu trúc ngân hàng, bởi hệ thống ngân hàng đang có 5 hoặc 6 ngân hàng đang phải đối mặt với khó khăn. Đó chưa phải là những ngân hàng lớn nên tình hình còn có thể kiểm soát. Nhưng nếu không hành động ngay, trong tương lai sẽ có nhiều hơn những ngân hàng như vậy, lúc đó sẽ là những ngân hàng lớn hơn, chi phí tái cấu trúc sẽ cao hơn.

Bên cạnh đó, Việt Nam có rất nhiều ngân hàng nhỏ, hiện cũng là lúc cần giảm số lượng xuống. Rất nhiều ngân hàng ở châu Âu có thể tham gia hỗ trợ Việt Nam trong quá trình này.

Hiện nay, kinh tế châu Âu đang gặp một vài khó khăn, nhưng không phải tất cả các ngân hàng châu Âu đều gặp khó. Lãnh đạo các ngân hàng mạnh nhận thấy việc kinh doanh tại châu Âu gặp khó khăn có thể chuyển hướng sang những khu vực đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

 

"Không thể có một giải pháp cho tất cả các vấn đề"

Ông Sumit Dutta, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam

Tìm giải pháp tái cấu trúc ngân hàng ảnh 4

Có rất nhiều thách thức trong quá trình tái cấu trúc, một vấn đề của bất cứ nền kinh tế nào. Trong khi đó, Việt Nam có rất nhiều ngân hàng, mỗi ngân hàng lại có cách tiếp cận vấn đề này khác nhau. Ở góc độ của NHNN, tôi nghĩ, cần nhìn nhận quá trình này theo lợi ích của toàn nền kinh tế, vì nếu một ngân hàng sụp đổ, nền kinh tế sẽ trả giá rất lớn. Do vậy, trước mắt, Việt Nam cần củng cố lại các ngân hàng yếu kém.

Nhưng rõ ràng, không thể có một giải pháp cho tất cả các vấn đề mà phải nhìn vào từng trường hợp để tìm ra giải pháp. Ví dụ, đối với ngân hàng nợ xấu lớn hoặc thiếu vốn nghiêm trọng…, nếu không thể tự củng cố thì NHNN sẽ đứng ra góp vốn hoặc có thể sáp nhập vào các ngân hàng khác. Đồng thời, phải đảm bảo việc sáp nhập này sẽ giúp các ngân hàng phát triển tốt hơn và không gây xáo trộn hệ thống.

Nói chung, đây là một quá trình hết sức phức tạp, do đó, vai trò của NHNN cần phải được thể hiện mạnh mẽ. Trong đó, một vấn đề rất quan trọng là phải minh bạch. Cần đề cao minh bạch ở mọi nơi. HSBC phần nào có kinh nghiệm trong việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng va chúng tôi sẵn sàng với NHNN.  Chúng tôi cũng nhận thấy, NHNN rất hào hứng với những thông tin chúng tôi có thể hỗ trợ trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam.