Tín dụng doanh nghiệp nhỏ: “Dư địa” còn lớn

(ĐTCK-online) Kinh tế phát triển, tạo nhiều cơ hội cho các DN tăng tốc và phát triển, nhất là các DN vừa và nhỏ (SMEs). Đây chính là cơ hội cho các ngân hàng (NH) trong và ngoài nước tham gia cung cấp tín dụng. Theo đánh giá của các NH, trong tương lai gần, tín dụng cho SMEs sẽ nhanh chóng phát triển theo độ lớn về quy mô hoạt động cũng như tiềm năng phát triển.

Tổng giám đốc kiêm Trưởng khối Tài chính DN toàn cầu của Tập đoàn HSBC, bà Margaret Leung cho rằng, lợi nhuận trước thuế của Khối dịch vụ tài chính DN HSBC toàn cầu luôn tăng trưởng qua các năm. Cụ thể, trong năm 2003 đạt 3 tỷ USD và tăng lên mỗi năm thêm 1 tỷ USD ở các năm tiếp theo, đạt 7,1 tỷ USD vào năm 2007.

Khối dịch vụ tài chính DN của HSBC đóng góp 30% tổng lợi nhuận của cả Tập đoàn trong năm 2007. Riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương đóng góp 42% trong tổng lợi nhuận của Khối dịch vụ tài chính DN HSBC toàn cầu. Do đó, HSBC luôn quan tâm đến việc cung cấp dịch vụ, tín dụng cho khối DN, trong đó đáng chú ý là SMEs. HSBC đã chính thức thành lập Phòng khách hàng SMEs thuộc Khối dịch vụ tài chính DN tại HSBC Việt Nam từ năm 2006 và phấn đấu năm nay sẽ đạt mức tăng trưởng 100% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến nay, khách hàng DN của HSBC toàn cầu là 2,8 triệu khách hàng, trong đó có 2,5 triệu khách hàng là SMEs. Riêng tại Việt Nam , HSBC đã có đến 1.500 khách hàng là SMEs. 

Có thể nói, chiến lược của HSBC cũng như một số NH nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay như Standard Chartered, ANZ… luôn quan tâm đến các SMEs của Việt Nam. Để cạnh tranh với các NH ngoại, nhiều nhà băng trong nước gần đây cũng để mắt nhiều hơn đến khách hàng là SMEs. Ngày 3/4, Techcombank đã nhận một khoản vay trị giá 320 tỷ đồng (tương đương 20 triệu USD) từ Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) để hỗ trợ các SMEs tiếp cận tài chính một cách dễ dàng hơn. Ngoài khoản vay dài hạn bằng đồng nội tệ nói trên, IFC cho biết, sẽ cung cấp cho Techcombank một hạn mức tài trợ xuất nhập khẩu trị giá 10 triệu USD, các dịch vụ tư vấn khác trong lĩnh vực NH cho SMEs. Bà Lưu Thị Ánh Xuân, Phó tổng giám đốc Techcombank cho biết, NH đang phục vụ hơn 20.000 SMEs, chiếm tỷ trọng 65% trong cơ cấu vốn vay của Techcombank. Dịch vụ tín dụng cho SMEs sẽ tiếp tục là một trọng tâm hoạt động trong chiến lược của Techcombank. Hiện Techcombank cung cấp các gói sản phẩm, dịch vụ tài chính đáp ứng nhu cầu của các SMEs như: cho vay vốn lưu động, tài trợ xuất nhập khẩu…

Đối với Sacombank, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT cho biết, SMEs là một trong những đối tượng khách hàng chủ chốt của Sacombank. Chính vì vậy, Sacombank luôn có các buổi tọa đàm, hội thảo để tiếp xúc trực tiếp với DN, kể cả ở vùng sâu vùng xa. Ngày 4/4, đích thân Chủ tịch Sacombank đã có buổi làm việc trực tiếp với hơn 250 SMEs tại tỉnh Đồng Nai, để qua đó trao đổi kinh nghiệm quản trị cũng như hướng dẫn cách tiếp cận với NH cho các SMEs ngày một dễ dàng hơn. Ngoài ra, Sacombank còn có một công ty trực thuộc, chuyên về cho thuê tài chính (Sacombank Leasing) hỗ trợ vốn cho các SMEs mua thiết bị, máy móc sử dụng trong sản xuất. Mới đây, Sacombank Leasing đã ký hợp đồng với Công ty Phát triển tài chính Hà Lan (FMO) vay khoản tín dụng trị giá 8 triệu USD trong thời hạn tối đa 5 năm để đáp ứng nhu cầu SMEs trong sản xuất. Bà Đỗ Thu Ngân, Tổng giám đốc Sacombank Leasing cho biết, thông qua khoản vay này cùng với vốn điều lệ tăng lên 200 tỷ đồng, Công ty sẽ giải ngân hỗ trợ DN mua máy móc, thiết bị, với lãi suất 1,4 - 1,5%/tháng.

Trước đó không lâu, ACB và SECO (Ban thư ký Nhà nước về các vấn đề kinh tế của Thụy Sỹ) đã phối hợp triển khai chương trình bảo lãnh tín dụng cho SMEs từ Quỹ Tín dụng Xanh (SMESC), nhằm hỗ trợ vốn cho các SMEs trong đầu tư, nâng cấp và mở rộng hoạt động sản xuất, nhưng thiếu tài sản đảm bảo. Có thể nói, tiềm năng tín dụng cho các SMEs còn rất lớn và nhiều cơ hội cho các NH trong việc cung ứng vốn. Tuy nhiên, để thành công trong việc phát triển tín dụng khách hàng SMEs, các chuyên gia trong ngành NH cho rằng, các NH phải có chiến lược rõ ràng và không ngừng cải tiến sản phẩm cho vay.