Tỷ giá đang theo chiều hướng tích cực?

Tỷ giá đang theo chiều hướng tích cực?

(ĐTCK-online) Tỷ giá liên ngân hàng được NHNN công bố khá ổn định trong thời gian gần đây, đồng thời giá USD tự do được kéo sát tỷ giá niêm yết trong các NHTM. Các bước đi hạ nhiệt cơn sốt tỷ giá của NHNN đang chứng tỏ hiệu quả thực tế.

Tỷ giá bình quân liên ngân hàng vẫn giữ vững ở mức 20.618 đồng/USD trong những ngày qua. Giá USD đang ở mức thấp nhất trong vòng 3 tháng qua kể từ khi NHNN điều tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng 9,3%. Mặt khác, với sự quyết liệt chấn chỉnh thị trường ngoại tệ tự do, giá USD tự do đã được kéo sát tỷ giá niêm yết ở ngân hàng.

Tại các NHTM, tỷ giá được niêm yết dưới trần cho phép, dao động xung quanh 20.550 - 20.620 đồng/USD (mua - bán). Các chuyên gia kinh tế - tài chính nhận định, diễn biến này đang tác động tích cực lên thị trường ngoại hối, xóa bỏ được tâm lý “găm” ngoại tệ và là cơ hội để giảm lãi suất tiền đồng trong thời gian tới.

Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, các biện pháp hạn chế tín dụng ngoại tệ cũng như chấn chỉnh hoạt động mua - bán ngoại tệ trái phép… đã chứng tỏ hiệu quả. Đồng thời, nó cũng khiến thị trường ngoại hối tiếp tục có những chuyển biến tích cực, trạng thái ngoại tệ của NHNN được cải thiện, tâm lý thị trường ổn định hơn, thị trường ngoại tệ tự do tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ. Đây chính là điều kiện tốt để các NHTM tiếp tục mua ròng ngoại tệ, thay vì để chảy ra “chợ đen” như trước. Cung ngoại tệ từ đó dồi dào hơn và số liệu thống kê cho thấy, NHNN đã mua ròng khoảng 877 triệu USD từ đầu năm đến nay. Theo dự đoán của ông Minh, tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định trong những tháng tới. Đặc biệt là khi thị trường vàng đang dần được NHNN kiểm soát chặt hơn.

Theo TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Kế toán - tài chính ngân hàng, Đại học Mở TP. HCM, trước mắt, tỷ giá khó có thể biến động lớn. Bởi chủ trương đưa ra của Chính phủ và NHNN là ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó với thị trường ngoại tệ dần được chấn chỉnh để tránh gây xáo trộn tâm lý. Mặt khác, với các chính sách hạn chế tăng trưởng tín dụng ngoại tệ vừa được NHNN đưa ra như: tăng thêm dự trữ bắt buộc và hạ thấp trần lãi suất đối với tiền gửi ngoại tệ còn 2%/năm…, sẽ giảm áp lực lên tỷ giá dịp cuối năm khi cầu USD tăng lên.

Ông Thuận đánh giá, tỷ giá ổn định theo xu hướng giảm dần trong thời gian qua đã góp phần tác động tích cực lên thị trường tiền tệ cũng như thanh khoản tiền đồng, do không ít người nắm giữ USD chuyển sang VND. Tuy nhiên, cần quan tâm kiểm soát tình trạng nhập siêu khi tỷ giá tiếp tục xu hướng giảm trong thời gian tới. Đáng chú ý là mùa kinh doanh cuối năm đã gần kề và khi tín dụng ngoại tệ bị “siết” thì tỷ giá giảm sẽ có lợi cho nhà nhập khẩu. 

Trên thực tế, theo đánh giá của TS. Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, việc điều chỉnh tăng tỷ giá liên ngân hàng 9,3% cách đây hơn 3 tháng không hỗ trợ được nhiều cho xuất khẩu, ngược lại còn tác động làm tăng lạm phát. Động thái này chỉ có thể phần nào hạn chế hàng hóa nhập khẩu, vì khi tỷ giá tăng, các nhà nhập khẩu không có nguồn thu bằng ngoại tệ sẽ bị giảm lợi nhuận.

Do đó, theo ông Ngân, vấn đề cần quan tâm hiện nay là làm thế nào để tỷ giá ổn định, tác động tích cực lên tâm lý người dân hơn là tiếp tục điều chỉnh giảm. Bởi các chuyên gia cho rằng, nhập siêu có nguy cơ đạt mức 16 tỷ USD cuối năm nay nếu USD tụt giá mạnh.

Nhưng trước mắt, diễn biến tỷ giá theo chiều hướng hiện nay chưa phải là vấn đề đáng lo ngại. Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, tỷ giá sẽ theo chiều hướng ổn định và khó biến động, ít nhất là trong thời gian còn lại của năm nay. Mặc dù đồng tình với ý kiến nếu để tỷ giá giảm sâu sẽ khuyến khích nhập siêu gia tăng, song theo ông Lịch, tỷ giá ở mức hiện nay vẫn nằm trong vùng an toàn.