VBF 2012: Nóng thị trường ngân hàng

VBF 2012: Nóng thị trường ngân hàng

(ĐTCK) Với sự trình bày của lãnh đạo 4 ngân hàng lớn, Nhóm công tác Ngân hàng đối thoại với Chính phủ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2012 hồi đầu tuần này đưa ra nhiều kiến nghị về giải pháp nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong gần 30 phút, thời gian dài gấp 3 lần thông lệ.

Sự đặc biệt của Nhóm công tác ngân hàng so với 7 nhóm còn lại và so với các năm trước thể hiện “sức nóng” của thị trường này.

Tái cơ cấu phải đủ nhanh để khôi phục khả năng tiếp cận tín dụng

Ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, Trưởng nhóm Ngân hàng

 
Một khoản nợ xấu 100 đồng sẽ còn giá trị dưới 100 đồng và việc giải quyết khoản tổn thất này là điều không thể tránh khỏi. Câu hỏi đặt ra ai là người phải chịu khoản tổn thất này và khi nào. Thực tế, khoản tổn thất chỉ có thể được gánh chịu bởi chủ sở hữu các ngân hàng đã gây ra nợ xấu, hoặc bởi Nhà nước, hoặc bởi cả Nhà nước và chủ sở hữu ngân hàng. Chúng tôi tin rằng, chi phí cuối cùng mà Nhà nước phải gánh chịu cho quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ giảm ở mức tối thiểu vì mục đích chính của vốn chủ sở hữu ngân hàng là dùng để bù đắp tổn thất.

Quá trình tái cơ cấu cần phải xảy ra đủ nhanh để khôi phục khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Nếu hành động quá chậm thì niềm tin trong hệ thống ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu sẽ bị giảm dần. Nếu đi quá nhanh có thể xảy ra khủng hoảng mất niềm tin. Mỗi ngân hàng cần phải phát triển một kế hoạch đáng tin cậy; trong đó, nợ xấu sẽ được ghi nhận trong một khoảng thời gian có thể xây dựng được niềm tin tín nhiệm.

 

Cần minh bạch về hoạt động quản lý nợ

Ông Brett Krause, Tổng giám đốc Ngân hàng Citi tại Việt Nam

 
Chúng tôi đã đưa giải pháp việc thành lập công ty quản lý nợ hay công ty mua bán nợ và quy trình tái cấp vốn lại kết hợp giữa Nhà nước và tư nhân. Kinh nghiệm cho thấy, các công ty xử lý nợ như vậy có thể giúp khôi phục lại một khoản vốn đáng kể trong khoảng thời gian phù hợp và nhìn chung nó có thể khôi phục lại sức mạnh của nền kinh tế.

Nếu tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng vẫn ở trong một mức độ chấp nhận được thì ngân hàng cũng cần được phép tự quyết định để tái cơ cấu vốn của mình, đồng thời phải đáp ứng được các yêu cầu về mặt quản lý.

Yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo thành công của xử lý nợ xấu trong ngân hàng là phải làm sao thúc đẩy được tiến độ xử lý cũng như tối ưu hóa được giá trị. Cụ thể, thiết lập công ty quản lý nợ với các thông số về quản trị thông tin thật rõ ràng, vững chắc cũng như đề ra những mục tiêu rõ ràng và cơ chế phù hợp với việc quản lý nợ. Đồng thời, đảm bảo sự minh bạch về hoạt động của công việc quản lý nợ, đặc biệt liên quan đến vấn đề báo cáo thường xuyên cũng như là kiểm toán về các hoạt động thường xuyên…

 

Cần khuyến khích các TCTDđầu tư vào hệ thống quản lý rủi ro

Ông Sumit Dutta, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam

 
Việc tái cấp vốn trong hệ thống ngân hàng Việt Nam cần được chia làm hai nhóm: thứ nhất, những ngân hàng đang hoạt động tốt và có khả năng phát triển là ngân hàng có chiến lược mạnh, được quản lý chuyên nghiệp và có tỷ lệ nợ xấu thấp; thứ hai, các ngân hàng vừa không mạnh vừa không phải ngân hàng chiến lược. Đó là những ngân hàng không có tương lai phát triển, cần được sáp nhập với các ngân hàng mạnh hơn hoặc đóng cửa. Những ngân hàng này sẽ bán tất cả những khoản nợ còn tốt cho các ngân hàng còn lại do công ty quản lý tài sản quản lý và phải hủy giấy phép kinh doanh.

NHNN phải thắt chặt kiểm soát với việc sở hữu chéo cũng như là cho vay các bên liên quan, điều này chính là nguồn gốc của cuộc khủng hoảng hiện nay và chúng ta cần có biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn. Những tiêu chuẩn và hướng dẫn về quản trị công ty đối với ngân hàng cần phải được rà soát, vai trò và trách nhiệm của HĐQT và Ban điều hành cần được xây dựng. Các ngân hàng cần được khuyến khích đầu tư vào hệ thống quản lý rủi ro và phát triển văn hóa quản trị rủi ro mạnh. Các ngân hàng vi phạm những hướng dẫn, quy định về cho vay sẽ không được tăng trưởng hơn hoặc sẽ phải cắt lại lợi nhuận cho cổ đông. Chính phủ cần áp dụng những chuẩn kế toán quốc tế để đảm bảo tính minh bạch và hợp lý trong sổ sách.

 

Nhiều chính sách không sát với thưc tế, tạo tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư

Ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam

 
NHNN đã điều hành chính sách rất hiệu quả một năm qua và những cải thiện trong lĩnh vực thanh tra giám sát là thành tựu rất quan trọng giúp ổn định được tình hình. Nhưng nhiều chính sách đưa ra không sát với thực tế và phải liên tục thay đổi đã tạo tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư về môi trường chính sách và quản lý. Ví dụ, Thông tư 13/2010 của NHNN về quản lý thanh khoản phải điều chỉnh liên tục vào tháng 9/2010 và tháng 8/2011 và sẽ tiếp tục được điều chỉnh trong thời gian tới.

Đến nay, vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể đối với một loạt sản phẩm mới đối với thị trường tài chính Việt Nam . Việc cấp phép cho các hoạt động quản lý rủi ro, đặc biệt là các sản phẩm phái sinh còn chậm trễ.

NHNN sẽ đẩy nhanh tiến độ tái cấu trúc các TCTD

Ông Đặng Thanh Bình, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam

VBF 2012: Nóng thị trường ngân hàng ảnh 5

 
Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước hạn chế, nợ công lớn, thâm hụt ngân sách cao và nguy cơ lạm phát cao vẫn còn tiềm ẩn, NHNN đã và đang triển khai một loạt các giải pháp đồng bộ cả về cơ chế chính sách cũng như các giải pháp hỗ trợ xử lý nợ xấu của các TCTD.

Chính nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ này mà tỷ lệ nợ xấu của các TCTD có xu hướng tăng trưởng chậm lại từ quý II/2012 (quý I/2012, nợ xấu tăng bình quân 8 - 9%/tháng, tỷ lệ này trong quý III/2012 là 3 - 4%). Theo ước tính, tỷ lệ nợ xấu có thể đạt mức dưới 3% vào cuối năm 2015. NHNN xác định nhiệm vụ trong tháng 12/2012 và cho năm 2013 là tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán phù hợp với diễn biến của lạm phát nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ và các giải pháp cần thiết phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi về vốn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo hiệu quả trong tái cấu trúc các TCTD, kiên quyết xử lý các ngân hàng yếu kém...