Việt Nam: Nắm bắt cơ hội nhưng không chủ quan

Việt Nam: Nắm bắt cơ hội nhưng không chủ quan

(ĐTCK-online) "Mặc dù trở thành nước có thu nhập trung bình và là hình mẫu về phát triển, nhưng Việt Nam không nên chủ quan". Đó là một trong những khuyến nghị của ông Rajat M. Nag, Tổng giám đốc điều hành Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong cuộc trao đổi với ĐTCK bên lề Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44.

ADB dự báo, châu Á có thể trở thành một khu vực thịnh vượng vào giữa thế kỷ này. Cơ sở cho dự báo này là gì, thưa ông?

Có những nhân tố tích cực ở châu Á. Tiềm năng kinh tế đang phát triển nhanh của những quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ là một động lực quan trọng. Đồng thời, dân số châu Á rất lớn nên lực lượng lao động đông và nhiều nước có dân số trẻ. Bên cạnh đó, các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam , Indonesia … đang theo đuổi những chính sách kinh tế vĩ mô đem lại kết quả tốt trong nhiều năm qua. Hơn nữa, châu Á đang trở thành thị trường tiêu thụ lớn. Những nhân tố đó sẽ dẫn tới việc châu Á tiếp tục tăng trưởng.

 

Vậy đâu là thách thức trên con đường tìm kiếm sự thịnh vượng đó?

Tất nhiên, từng có tăng trưởng trong quá khứ không nhất thiết đồng nghĩa với việc sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai. Thứ nhất, châu Á cần đảm bảo rằng, sự bất bình đẳng đang tăng nhanh phải giảm xuống. Châu Á đang nhanh chóng trở thành "hai châu Á": một bên đang rất thịnh vượng, còn một bên thì rất nghèo. Vẫn còn 900 triệu người chưa được dùng nước sạch, 1,6 triệu người chưa được tiếp cận vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày…

Thứ hai, châu Á đang thiếu vắng nhiều năng lực thể chế cần thiết như tăng cường sự quản trị điều hành, kiểm soát tham nhũng, tăng trách nhiệm giải trình…

Thứ ba, để năng suất lao động cao hơn, châu Á phải đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, đào tạo kỹ năng, cải thiện nấc thang công nghệ. Đặc biệt, nếu châu Á tiếp tục giảm sự bất bình đẳng, cải thiện thể chế và tiếp tục đổi mới thì có thể phá được "bẫy" thu nhập trung bình, khi chuyển đổi từ tăng trưởng dựa vào nguồn lực vốn phụ thuộc vào lực lượng nhân công rẻ và vốn đầu tư sang tăng trưởng bắt nguồn từ đổi mới và năng suất cao. Tất nhiên, điều không thể thiếu là châu Á cần phải tăng cường sự hợp tác lẫn nhau.

 

Thách thức đối với Việt Nam nói riêng là gì, thưa ông?

Việt Nam cũng gặp phải những thách thức tương tự như trên. Tuy nhiên, chúng tôi vui mừng với cách thức mà Việt Nam đã đạt được các thành tựu của mình, trở thành nước có thu nhập trung bình và là hình mẫu về phát triển. Nhưng kể cả như vậy, Việt Nam cũng không nên chủ quan, mà phải bắt tay vào giải quyết ngay những vấn đề trên. Tôi muốn nhấn mạnh vào việc Việt Nam phải tiếp tục cải thiện nền giáo dục để người dân được trang bị các kỹ năng tham gia vào hoạt động của thế kỷ 21. Việt Nam phải đảm bảo có quản trị tốt và thực thi luật pháp hiệu quả. Trên tất cả, chúng tôi tin tưởng Việt Nam có thể trở nên thịnh vượng trong thời gian tới.

 

Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng theo ông, cơ hội của Việt Nam trên con đường này là gì?

Về mặt địa lý, Việt Nam ở trong khu vực năng động: gần Trung Quốc và không quá xa Ấn Độ, đồng thời là thành viên năng động của ASEAN. Đây là những thị trường rất lớn nên nếu có tính cạnh tranh cao thì Việt Nam vẫn có thể yên tâm với thị trường trong khu vực. Việt Nam còn có đường bờ biển lớn nên có thể xuất khẩu sang Mỹ Latinh với chi phí rẻ hơn các nước khác.

 

Về ngắn hạn, ông có khuyên nghị gì cho Chính phủ Việt Nam?

Về dài hạn, Việt Nam có nhiều cơ hội và đang phát triển tốt. Do vậy, trong ngắn hạn, Việt Nam cần đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát là một thách thức nổi lên với Việt Nam và chúng tôi vui mừng vì Chính phủ đang giải quyết thách thức này. Tôi nhìn nhận Nghị quyết 11 là chính sách tốt cả về khía cạnh tài khoá và tiền tệ giúp Việt Nam giải quyết vấn đề lạm phát. Điều quan trọng đối với Việt Nam hiện nay là tập trung thực thi các chính sách đó. Có thể chia sẻ rằng, tôi rất vui khi thấy Chính phủ Việt Nam tuyên bố chống lạm phát là vấn đề quan trọng, ưu tiên hàng đầu, cho dù phải giảm bớt tỷ lệ tăng trưởng.