Vietcombank thuyết trình cơ hội đầu tư và IPO tại Hà Nội

(ĐTCK-online) Hôm qua, ngày 11/12, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã có buổi thuyết trình, giới thiệu cơ hội đầu tư và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Hà Nội. Báo Đầu tư Chứng khoán điện tử xin trích một số nội dung trao đổi chính giữa lãnh đạo của Vietcombank và các nhà đầu tư.

Câu hỏi: Cán bộ công nhân viên Vietcombank có được mua cổ phần ưu đãi của ngân hàng không?

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Vietcombank: Xin trả lời là có, cán bộ công nhân viên được mua cổ phần ưu đãi theo Nghị định 109/NĐ-CP. Tổng số cổ phần dự kiến bán cho cán bộ công nhân viên cộng với cổ phiếu chuyển đổi từ trái phiếu sẽ chiếm khoảng 3,5% vốn điều lệ, thực chất khi nói rằng phải chăng có sự ưu ái quá cho cán bộ công nhân viên, có sự bất bình đẳng thì chúng tôi xin nói rằng việc mua theo quy định hiện hành có nghĩa là một năm làm việc ở Vietcombank được mua 1 triệu đồng được mua với mức giá giảm 40% mệnh giá. Còn mức 30% là mức phỏng đoán thôi, việc này chúng tôi đã xin ý kiến của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng và được trả lời là làm theo Nghị định 109/NĐ-CP, có nghĩa là có những cái chỉ theo chế độ mà thôi, như vậy cán bộ công nhân viên xin hãy vui lòng vì chúng ta tuân thủ pháp luật còn về phía nhà đầu tư không phải là cán bộ công nhân viên ngân hàng Vietcombank xin cũng vui lòng vì đây là quy định chung, bắt buộc, không phải phân biệt. Tất cả nhất nhất theo cơ chế và chế độ.

 

Câu hỏi: Tại sao Vietcombank lại tính tốc độ tăng trưởng tăng doanh thu là 28-44% 2006-2010 trong khi tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chỉ có 25%, làm thế nào để đạt được mức tăng này?

Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank: Theo bản công bố thông tin của Vietcombank, trong thu nhập của Vietcombank thu tín dụng không chiếm phần lớn. Bản công bố thông tin cũng nói rõ, tăng trưởng tín dụng không phải vấn đề quyết định tăng trưởng của chúng tôi cho nên đây là cơ sở đề chúng tôi đề ra lộ trình đa dạng hoạt động ngoài hoạt động truyền thống như tín dụng, chúng tôi còn đặt ra mục tiêu khác như ngân hàng đầu tư và ngân hàng bảo hiểm.

 

Câu hỏi: Giá và việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài với giá IPO hay không, hay giá 6.2 như hãng tin Bloomberg đưa?

Ông Nguyễn Văn Tuân, Phó tổng giám đốc Vietcombank: Chúng tôi đã làm rõ trong bản công bố thông tin rằng, bán cho đối tác nước ngoài được quy định rõ trong Nghị định 109/NĐ-CP. Cụ thể, giá bán cho nước ngoài theo giá bán IPO và trường hợp cần thiết tổ chức đó có thể trình Chính phủ quyết định cuối cùng.

Đối với giá bán cho nhà đầu tư chiến lược thì trong thộng lệ đám phán với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài chúng tôi có cam kết và phải tôn trọng cam kết, tất cả thông tin về giá cả chỉ được công bố sau khi hai bên hoàn tất việc mua bán. Còn mức giá được hỏi như đề cập trên chỉ là mức giá do các bên ngoài đưa ra.

Câu hỏi: Việc sử dụng vốn thặng dư sau khi bán đấu giá IPO sẽ như thế nào?

Ông Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch HĐQT Vietcombank: Về thặng dư về vốn được để lại theo quy định của nhà nước tại Quyết định 289, trong bước đầu cổ phần hoá giữ nguyên nguồn vốn nhà nước 70% và phát hành thêm 30% như vậy với số vốn thặng dư sau khi trừ đi chi phí được giữ lại theo điều lệ là doanh nghiệp 30% và nhà nước là 70%.

Còn về thặng dư vốn sẽ được sử dụng như thế nào, xin trả lời như sau: có thặng dư thì có đựơc giữ lại, còn sử dụng ra sao thì tại Trang 68 bản công bố thông tin chúng tôi có nêu mô hình Tập đoàn đầu tư tài chính ngân hàng Vietcombank và Trang 65 nêu mô hình Ngân hàng cổ phần Ngoại thương với tầm nhìn là trở thành tập đoàn tài chính ngân hàng đa năng.

Với các kế hoạch này, thứ nhất có thể thấy hiện tại Vietcombank trong quá trình chuyển đổi cần phải rót vốn thêm vào các doanh nghiệp mà Vietcombank đang nắm giữ cổ phần ví dụ như một loạt các ngân hàng thương mại cổ phần để tăng vốn trong năm tới hay yêu cầu đối với các ngân hàng liên doanh cũng cần cơ cấu tăng vốn. Thứ hai là để trở thành tập đoàn, Vietcombank cũng cần phải mở thêm các công ty mới, như vậy chúng tôi sử dụng vốn vào thành lập các công ty mới. Thứ ba là chiến lược của Vietcombank là đổi mới công nghệ, chúng tôi sẽ sử dụng vốn để hiện đại hệ thống công nghệ.

Bên cạnh đó việc hoạt động phát triển một ngân hàng thương mại đòi hỏi một số vốn tương thích để đảm bảo được chỉ số an toàn vốn cho nên số vốn thặng dư cũng một phần để đảm bảo hoạt động của Vietcombank và đương nhiên để tăng trưởng thì Vietcombank cố gắng tăng trưởng trên nhiều phương diện vừa dịch vụ vừa tín dụng.

Như vậy sơ lược có thể nhìn thấy vốn sử dụng ở đâu, mô hình, cơ cấu tổ chức của Vietcombank và triển khai theo chiến lược mô hình ngân hàng cổ phần Vietcombank trong thời gian tới.

 

Câu hỏi: Số liệu chính xác về số vốn sở hữu nhà nước là như thế nào?

Ông Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch HĐQT Vietcombank: Con số chính thức là 10.078 tỷ đồng và trong đó nhà nước sở hữu 10.127 tỷ đến 31/12/2006 bao gồm 149 tỷ đồng không thuộc sở hữu nhà nước là các quỹ phúc lợi, khen thưởng và một số tài sản thanh lý.

 

Câu hỏi: Đề nghị làm rõ hơn về tỷ lệ rủi ro tăng cao hơn so với trước?

Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank: Đây hoàn toàn là vấn đề kỹ thuật vì trích lập dự phòng rủi ro theo Quyết định 493 của Ngân hàng nhà nước, lúc trước chúng tôi có trích lập rủi ro nhưng theo quyết định mới [cách thức xác định khác khiến tỷ lệ tăng lên]thì chúng tôi đã thực hiện theo đúng lộ trình và đã ghi rõ vấn đề.

 

Câu hỏi: Kế hoạch niêm yết trong và ngoài nước của Vietcombank thế nào?

Ông Nguyễn Văn Tuân, Phó tổng giám đốc Vietcombank: Về niêm yết trong nước, chúng tôi sẽ tiến hành niêm yết ngay sau khi cổ phần hoá, kế hoạch niêm yết thường là 3 tháng sau IPO. Theo lộ trình Vietcombank sau khi thực hiện cổ phần hoá và IPO ra nước ngoài thì chúng tôi sẽ thực hiện thủ tục niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh, thời gian niêm yết dự kiến nhanh nhất cũng đầu quý 2 năm 2008.

Còn với việc niêm yết trên thị trường quốc tế, trước đó chúng tôi dự kiến lộ trình niêm yết sớm hơn ở nước ngoài tuy nhiên do quá trình cổ phần hoá tiến hành chậm, nên có lùi lại thời điểm niêm yết quốc tế dự kiến vào năm 2009. Để niêm yết trên thị trường quốc tế, đòi hỏi rất nhiều công việc phải làm, chúng tôi rất mong sự đóng góp của nhà đầu tư để chúng tôi có được hỗ trợ cần thiết để niêm yết vì rằng quy định của thị trường quốc tế rất khắt khe.

Ví dụ thị trường chứng khoán Hong Kong, khi niêm yết một tổ chức phải niêm yết ít nhất 15% số cổ phần và cần phải có quy định thành viên Hội đồng quản trị độc lập như thế nào, thành viên hội đồng quản trị tại quốc gia đó, và cơ cấu quản trị và hệ thống trả lương có đủ để doanh nghiệp phát triển hay không.

 

Câu hỏi: Đối tác chiến lược nước ngoài tham gia như thế nào sau khi Viêtcombank IPO và niêm yết, nếu giá IPO bình quân cao thì nhà đầu tư nước ngoài có mặn mà nữa không?

Ông Nguyễn Văn Tuân, Phó tổng giám đốc Vietcombank: Chúng tôi khẳng định lại việc lựa chọn đối tác chiến lược nước ngoài sau khi IPO đã có tiền lệ [Bảo Việt và sắp tới là PVFC], ngoài ra vấn đề giá còn phụ thuộc vào quyết định của Chính phủ mà không phải ngân hàng quyết định.

 

Câu hỏi: Xin làm rõ hơn về hai bước đi trong quá trình cổ phần hoá của Vietcombank?

Ông Nguyễn Văn Tuân, Phó tổng giám đốc Vietcombank: Tại trang 64 bản công bố thông tin chúng tôi có đề cập chi tiết về thông tin này, tuy nhiên tôi nhắc lại một số điểm mấu chốt:

Bước một là tiến hành chuyển đổi Vietcombank hiện tại: về mặt tổng thể, đây là quá trình chuyển đổi sổ kế toán lớn nhất chuyển thành ngân hàng thương mại cổ phần, và như vậy khi mua cổ phần của Vietcombank mẹ quý vị sẽ là cổ phần trong công ty mẹ và có quyền lợi, nghĩa vụ ở công ty con. Chúng tôi có vốn 100% trong công ty con thì quý vị sẽ được hưởng quyền lợi tương ứng.

Bước hai là chúng tôi sẽ thành lập Tập đoàn ngân hàng Vietcombank, tất cả các bước đi của tập đoàn, chúng tôi đã được sự phê duyệt của Chính phủ cũng như là nằm trong chiến lược phát triển của chúng tôi cũng như là mong muốn thành lập theo tiến trình này. Về việc thành lập thì thực ra theo Luật doanh nghiệp 2005 đã có quy định rõ thuật ngữ nhóm các công ty cũng như tập doàn kinh tế và chúng tôi sẽ phát triển theo mô hình này, ngoài ra chúng tôi được chinh phủ cho phép Vietcombank áp dụng quản trị quốc tế nếu không có xung đột với luật pháp Việt nam.

 

Câu hỏi: Xin phân tích rõ hơn về thế mạnh của Vietcombank liên quan đến giá trị Vietcombank và ngân hàng cổ phần ngoại thương trong tương lai?

Ông Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch HĐQT Vietcombank: Chúng tôi có tầm nhìn của sẽ là hàng đầu Việt Nam và nằm trong số những định chế tài chính hàng đầu của khu vực, đương nhiên trong tầm nhìn của chúng tôi hiệu quả kinh tế sẽ là chỉ đạo xuyên suốt trong hoạt động tăng trưởng bền vững cũng như phát huy tối đa quyền lợi của cổ đông. Quá trình cổ phần hoá với việc đóng góp vủa các nhà đầu tư sẽ có thể giúp Vietcombank thực hiện thành công.

 

Câu hỏi: Nhà đấu tư ở nước ngoài có thể uỷ quyền cho người trong nước thực hiện đăng ký đấu giá hay không, người được uỷ quyền sẽ ký vào đăng ký tham gia đấu giá hay không và giấy uỷ quyền có phải có dấu công chứng?

Ông Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch HĐQT Vietcombank: Nhà đầu tư nước ngoài có thể uỷ quyền đăng ký đầu giá và người được uỷ quyền phải ký giấy và giấy uỷ quyền phải đóng dấu của phòng công chứng.

 

Câu hỏi: Nhà đầu tư khi tham gia bỏ giá Vietcombank bao nhiêu là hợp lý?

Bà Nguyễn Thị Bích Liên, Giám đốc Công ty Chứng khoán VCBS: Xin mời các nhà đầu tư tham khảo bản công bố thông tin của ngân hàng Vietcombank và tự quyết định bỏ giá bao nhiêu.

 

Câu hỏi: Một công ty muốn mua cổ phiếu Vietcombank có được quyền ưu đãi không?

Bà Nguyễn Thị Bích Liên, Giám đốc Công ty Chứng khoán VCBS:

Xin trả lời là không, chỉ có cán bộ công nhân viên được quyền ưu đãi theo chế độ nhà nước, còn các nhà đầu tư mua cổ phần phổ thông thì không được quyền ưu đãi.

 

Câu hỏi: Sau cổ phần hóa Vietcombank thì VCBS có phát hành cổ phiếu ra công chúng?

Bà Nguyễn Thị Bích Liên, Giám đốc Công ty Chứng khoán VCBS: Ban lãnh đạo Vietcombank đang chỉ đạo tất cả các công ty con có thể thực hiện cổ phần hoá và theo từng bước lựa chọn theo sự phát triển của ngân hàng Vietcombank. Vietcombank thực hiện cổ phần hoá theo từng bước và đang trong quá trình thực hiện

 

Câu hỏi: Sau khi mua cổ phiếu thì bao lâu sẽ nhận được giấy chứng nhận sở hữu cổ phần?

 

Bà Nguyễn Thị Bích Liên, Giám đốc Công ty Chứng khoán VCBS: Nhà đầu tư sẽ nhận được giấy chứng nhận sở hữu cổ phần sau khi đại hội cổ đông và như vậy hội đồng quản trị của công ty cổ phần sẽ xác nhận vào cổ phiếu.

 

Câu hỏi: Xin giải thích rõ hơn lý ro lợi nhuận năm 2007 giảm?

Ông Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch HĐQT Vietcombank: Năm 2007 có ba lý do để lợi nhuận giảm:

1. Về chênh lệch lãi suất suy giảm tức là có sự suy giảm về lãi thật, nếu phân tích kỹ thu về lãi tăng 13% trong khi chi về lãi tăng 30% nên giảm là đương nhiên.

2. Trong năm 2007, có sự suy giảm nền kinh tế thế giới, trong khi đó Vietcombank có nguồn vốn thanh toán nhiều nên có chịu sự tác động này, khách hàng khác ảnh hưởng ít hơn.

3. Vietcombank sử dụng vốn cho tín dụng 50%: Các vị biết rằng đầu năm 2007 dư thừa thanh khoản ở Việt Nam rất lớn, thu dịch vụ có tỷ trọng lớn lớn và thu đầu tư cũng lớn và thu nhập thuần giảm, năm 2007 Vietcombank trích lập dự phòng 1.100 tỷ so với 170 tỷ của năm 2006, trích cao hơn nhiều nên lợi nhuận giảm.

 

Câu hỏi: Giả sử đấu giá không thành công như Bảo Việt thì phương án xử lý của ngân hàng là gì?

Ông Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch HĐQT Vietcombank: Phương án bán hết: tức là mọi người đã đăng ký xong nhưng bỏ lại một phần, phần từ chối mua <30% trên tổng số cổ phần chào bán thì sẽ được thông báo bán tiếp, nếu phần từ chối mua >=30% sẽ phải thông báo và bán lại và trường hợp không bán hết, nếu phần từ chối mua <50% chúng tôi sẽ báo cáo Ban chỉ đạo cổ phần hoá của Vietcombank để quyết định quy mô cơ cấu vốn điều lệ và nếu >=50% sẽ báo cáo Chính phủ chỉ đạo giảm giá khởi điểm, đánh giá lại hoặc điều chỉnh quy mô vốn điều lệ.

 

Câu hỏi: Tại sao Vietcombank phát hành 6,5% vốn điều lệ, trong khi cho cán bộ công nhân viên 3,5%?

Ông Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch HĐQT Vietcombank: Cơ cấu IPO 30% đối tác chiến lược nước ngoài15%, trong nước 5%. Tức là IPO: 6,5%, trái phiếu chuyển đổi + cán bộ công nhân viên: 3,5%, cổ đông trong nước 5% trong đó có đến 3-5 đối tác chiến lược trong nước, như vậy mỗi đối tác sẽ nắm giữ trên dưới 1% trung bình.

Còn về tỷ lệ cổ phiếu từ trái phiếu chuyển đổi và bán cho cán bộ công nhân viên không phải cố định vào 3,5% và còn tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể, một cán bộ được mua 1 triệu đồng/năm công tác và tổng số cụ thể có thể nhỏ hơn con số này.

Còn khi Vietcombank cổ phần hoá thì hiện nay xét về mặt cơ chế có hai loại hình ngân hàng, một là ngân hàng nhà nước do nhà nước sở hữu 100% và hai là ngân hàng cổ phần thì thậm chí 6,5% thôi cũng là một ngân hàng cổ phần vì yếu tố duy nhất 100% là không còn nữa.

 

Câu hỏi: Vốn tự có trong kế hoạch thực hiện chưa có bao gồm vốn thặng dư sau phát hành?

Ông Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch HĐQT Vietcombank: Tại trang 74 bản công bố thông tin, đúng, số liệu nêu trong bản công bố thông tin trung bình là đúng chỉ là khả năng và chưa có phần thặng dư, Vietcombank chưa tính ra phần thặng dư là bao nhiêu, và đó cũng không phải trường hợp đầu tiên, Tập đoàn Bảo việt cũng không đưa vào kế hoạch kinh doanh và trong quá trình làm việc với đối tác chiến lược nước ngoài, người ta biết có thặng dư nhưng số liệu, kế hoạch thông tin của Vietcombank chưa có số liệu thặng dư sau khi phát hành.

 

Câu hỏi: Tôi muốn biết liệu Vietcombank có ngăn chặn đầu cơ chứng khoán?

Bà Nguyễn Thị Bích Liên, Giám đốc Công ty Chứng khoán VCBS: Việc đầu cơ và đầu tư trên thị trường chứng khoán là có thể xảy ra, tuy nhiên để ngăn chặn đầu cơ thì Vietcombank khó có đủ năng lực và biện pháp để ngăn chặn đầu cơ mà cơ quan chức năng sẽ có biện pháp ngăn chặn việc này.

 

Câu hỏi: Yếu tố nào giúp ROE2006 cao hơn 2005-2004?

Ông Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch HĐQT Vietcombank: Đó là mức tăng trưởng được hình thành trong toàn bộ quá trình kinh doanh của Vietcombank trong đó thu nhập ròng lãi chiếm tăng trưởng 70% và thu nhập ngoài lãi tăng trưởng 43%. .

 

Câu hỏi: Giá trị sổ sách của một cổ phiếu của Vietcombank hiện tại?

Ông Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch HĐQT Vietcombank: Tôi cũng phải làm rõ hệ thống cổ phần hoá của chúng tôi dựa trên giá trị sổ sách, với nhà đầu tư đây là đơn vị có giá trị sổ sách, giá bình quân được tính là 10.000 đồng/cổ phiếu

 

Câu hỏi: Xin làm rõ thêm chiến lược của Vietcombank?

Ông Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch HĐQT Vietcombank: Tầm nhìn của Vietcombank thứ nhất là biến thành tập đoàn đầu tư tài chính ngân hàng ở Việt Nam và nằm trong số 70 tập đoàn hàng đầu và có phạm vi hoạt động trong nước và quốc tế. Vietcombank là một doanh nghiệp nhà nước có chủ trương tiếp tục đổi mới toàn diện và từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần với .

Thứ hai để trở thành tập đoàn tài chính cạnh tranh quốc tế, ngân hàng đòi hỏi cách thức đi lên bằng không chỉ đơn giản hiện đai hoá qua hệ thống công nghệ, thông quy quy trình, mô hình quản lý các quy trình và chuẩn mực quốc tế, còn chuyển từ ngân hàng 100% vốn nhà nước sang cổ phần trong điều kiện Việt Nam là thành viên của WTO có rất nhiều cơ hội và chúng tôi phải tranh thủ thời cơ. Chúng tôi cũng thấy rằng chiến lược cũng phải biết phát huy thế mạnh của Vietcombank cũng như thế mạnh của đối tác chiến lược nước ngoài không chỉ mạng lưới, thương hiệu mà gồm cả kinh doanh của ngân hàng thương mại, hoạt động kinh doan vốn.

Để phát huy thế mạnh này cần phát huy cơ chế mới, trong đó có giải pháp nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ và tận dụng được thế mạnh của Vietcombank lên mô hình tập đoàn phải có đổi mới sâu sắc, phải có tăng trưởng, phát triển thêm dịch vụ, mở rộngloại hình và tận dụng lợi thế tìm đối tác chiến lược nước ngoài nào có thế mạnh tronglĩnh vực của ngân hàng đầu tư và hoạt động bán lẻ, nhắm tới thế mạnh thu phí và tăng trưởng lấy hiệu quả làm mục tiêu xuyên suốt và lấy an toàn và phát triển bền vững gắn liền với tầm nhìn của Vietocmbank.

 

Câu hỏi: Việc xử lý nợ tồn đọng cũ của Vietcombank thế nào? Khoản nợ tồn đọng là bao nhiêu?

Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank: Từ năm 1993 trở về trước Vietcombank đã xử lý xong nợ tồn đọng, hiện tại còn trên sổ sách còn 1.400 tỷ đồng phần lớn là Trái phiếu chính phủ theo lịch trình chúng tôi sẽ bàn giao.

 

Câu hỏi: Vấn đề nhân lực ảnh hưởng thế nào tới phát triển của Vietcombank?

Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank: Vấn đề nhân lực là vấn đề khó, để Vietcombank sau này phát triển tốt nhân lực là vấn đề cực kỳ quan trọng trong khi đó nhân lực cao cấp còn yếu, các ngân hàng ra nhiều và cạnh tranh nguồn nhân lực rất cao.

Vấn đề cạnh tranh là vấn đề hay và chúng tôi kỳ vọng sau cổ phần hoá có một đóng góp làm sao Vietcombank phát triển được tốt. Để giữ được nguồn nhân lực không chỉ vấn đề lương không mà còn có các yếu tố khác gồm văn hoá doanh nghiệp, quan hệ đội ngũ. Đối với những vấn đề quan hệ, văn hoá và đào tạo chúng tôi làm tương đối tốt và chúng tôi cũng đã giữ được đội ngũ nhân lực nhưng với đội ngũ trẻ có năng lực,  khi cổ phần sẽ thực hiện cơ chế mới là giải quyết thù lao tốt hơn gắn với quyền lợi về cổ phiếu, đây là vấn đề chưa thể thực hiện được trong thời gian qua và hy vọng trong chương trình này quyền lợi người lao động sẽ được giải quyết thoả đáng. Khi cổ phần hoá chúng tôi sẽ có điều kiện cơ sở để ràng buộc người lao động.