Vỡ trần lãi suất câu chuyện “sống còn”?

Vỡ trần lãi suất câu chuyện “sống còn”?

(ĐTCK-online) Lãi suất huy động tăng sẽ làm hạn chế vốn đầu ra, vì khách hàng không thể vay vốn để mở rộng sản xuất - kinh doanh

Vừa mới cắt giảm lãi suất lãi suất huy động từ mức trần quy định 12%/năm theo nội dung tại Công điện 02/CĐ-NHNN xuống còn 11%/năm vào đầu tháng 4/2008 và đúng với lời kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) thì nay, một số ngân hàng (NH) không thể duy trì được ngưỡng lãi suất trên, bởi nếu theo lãi suất thỏa thuận thì chính các ngân hàng sẽ rơi vào khó khăn. Nhiều khả năng, lãi suất đồng thuận sẽ sớm bị phá vỡ tại nhiều NH.

 

Không thể tránh?

Có một câu chuyện rất đáng lưu ý ở đây, đó là khi VNBA kêu gọi các thành viên của mình hạ lãi suất huy động xuống mức 11%, rất nhiều ngân hàng đã nhanh chóng chấp thuận và cam kết thực hiện. Lý do của nó là bởi, việc hạ lãi suất huy động giúp các ngân hàng hạ chi phí vốn, giảm được lãi suất cho vay và giúp khách hàng tiếp cận vốn tốt hơn. Nhưng dường như bản thân các ngân hàng không tính được rằng thị trường mới có tiếng nói quyết định, hạ lãi suất huy động thì tiền gửi giảm, cạnh tranh giữa các ngân hàng còn đó và việc đưa lãi suất về cùng mặt bằng sẽ khiến nhiều ngân hàng nhỏ mất khách hàng…

Theo một số ngân hàng, sở dĩ mức lãi suất 11% bị phá vỡ là do cung tiền trên thị trường liên NH đang vơi dần. Lãi suất qua đêm trên thị trường này tiếp tục nóng, tăng lên mức 18%/năm trong ngày 16/4, nhưng nguồn cung lại có hạn. Trong khi đó, nhu cầu vốn của một số NH quy mô nhỏ do "vung tay quá trán" cho vay ở năm trước đang tăng cao. Họ phải tiếp tục vay qua thị trường liên NH với bất kỳ giá nào để đáp ứng tính thanh khoản vốn.

Theo đánh giá của ông Đào Hồng Châu, Phó tổng giám đốc Eximbank, lãi suất qua đêm do cung - cầu tự quyết định. Nếu cầu tiếp tục tăng thì lãi suất qua đêm vẫn còn nóng. Đối với thị trường tiền tệ, hoạt động NH luôn mang tính dây chuyền, khi một NH bị mất thanh khoản, cầu vốn tăng sẽ tác động xấu đến các NH khác, cho dù những NH này đang dư vốn khả dụng.

Phát súng đầu tiên được SCB châm ngòi, khi NH này phát hành 3.000 tỷ đồng kỳ phiếu ghi danh VND bắt đầu từ ngày 7/4 (sau 5 ngày mức lãi suất đồng thuận được ấn định). Kỳ phiếu có kỳ hạn 270 ngày và 360 ngày, lãi suất 1%/tháng và cộng thêm chương trình dự thưởng trúng vàng SJC. Chính điều này buộc các NH khác phải lên kế hoạch cho cuộc đua lãi suất mới.

"Việc tăng lại lãi suất huy động để thu hút nguồn vốn, đáp ứng tính thanh khoản là cần thiết hơn sự đồng thuận với VNBA", phó tổng giám đốc một NH nhấn mạnh.

 

Sẽ có dây chuyền

Trong 2 ngày đầu tuần, một số NH có trụ sở ở các tỉnh miền Tây và một số NH vừa chuyển đổi quy mô hoạt động từ nông thôn lên thành thị đã phá vỡ mức lãi suất đồng thuận, đưa lãi suất về mức 12%/năm. Bên cạnh đó, một số NH tại khu vực TP. HCM đã áp biểu lãi suất mới. Vietcombank TP. HCM tăng lãi suất thêm 0,06 - 0,66 điểm phần trăm/năm ở tất cả kỳ hạn, kể từ ngày 14/4. HDBank bổ sung các kỳ hạn ngắn ngày, lãi suất cao; lãi suất kỳ hạn 1 - 3 tuần ở mức 0,8 - 0,85%/tháng. Tuy chưa vượt trần quy định, nhưng động thái này của các NH cho thấy, họ đang rất cần vốn.

Theo đánh giá của vị phó tổng giám đốc trên, so với tháng trước, nguồn vốn huy động của các NH hiện giảm khoảng 20%. Nguồn tiền nhàn rỗi không còn mặn mà đổ vào NH, sau khi lãi suất giảm xuống 11%/năm. Có thể, do trước đó, lãi suất tăng đột biến từ 8 - 9%/năm lên 12%/năm khiến nhiều người dồn hết tiền vào NH. Nhưng các ý kiến khác cho rằng, do tốc độ lạm phát tăng cao, nhiều người đã rút tiền để mua vàng dự trữ, hiện vàng đang ở mức giá thấp hơn cuối tháng 2/2008 khoảng 150.000 đồng/chỉ. Theo dự báo của một chuyên gia ngành NH, nhiều khả năng mức lãi suất mới sẽ vượt ngưỡng 12%/năm.

Tuy nhiên, theo giám đốc một NH cổ phần tại TP. HCM, nếu tất cả NH đồng loạt phá mức lãi suất đồng thuận, tăng trở lại 12%/năm thì nhiều NH quy mô nhỏ khó có thể huy động được vốn nhàn rỗi trong dân cư. Do đó, theo ông này, nếu vẫn đảm bảo được tính thanh khoản, các NH không vội tăng lãi suất huy động. Lãi suất huy động tăng sẽ làm hạn chế vốn đầu ra, vì khách hàng không thể vay vốn để mở rộng sản xuất - kinh doanh.

Tuy nhiên, ông này thừa nhận, chủ trương bỏ trần lãi suất huy động của Chính phủ là đúng đắn và phù hợp với việc điều hành nền kinh tế theo quy luật thị trường, chứ không phải bằng mệnh lệnh hành chính. Chính điều này sẽ mở đường cho các NH huy động thêm vốn, đáp ứng thanh khoản khi cả thị trường đang thiếu cung tiền. Thế nhưng, trước mắt chưa NH nào dám châm ngòi sau sự kiện SCB, mà chủ yếu dò xét động thái của nhau để kịp thời điều chỉnh khi thị trường có động thái mới.